Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 32)

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được biết đến như một khúc tráng ca trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Không chỉ là nơi ghi dấu chiến công của những người con ưu tú, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia này còn là biểu tượng cho tình đoàn kết quân dân, là tình yêu đã kết thành chiến công để thắp lên những mùa Xuân xanh thắm trên dải đất biên cương.

Bài 32: Khúc tráng ca trên đỉnh Pò Hèn

Lấy máu xương dựng chiến lũy chặn bước tiến của đối phương

Từ thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), ngược về hướng Lạng Sơn theo quốc lộ 18C hơn 30km là tới xã biên giới Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Ở đây có Khu di tích lịch sử Pò Hèn - nơi tôn vinh, tưởng nhớ, tri ân cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Pò Hèn, nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh cùng các công nhân lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn. Ảnh: Yến Ngọc

Khu di tích lịch sử Pò Hèn gồm nhiều hạng mục, trong đó có Ðài tưởng niệm cao 16m được làm bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng. Đỉnh đài là biểu tượng 3 bàn tay chụm vào nhau, nâng ngôi sao 5 cánh (tượng trưng cho 3 dân tộc chính tại đây là Kinh, Sán Chỉ, Dao) cùng sinh sống, cùng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của biên cương đất nước. Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia, trong mỗi nhà bia dựng một tấm bia làm bằng đá xanh nguyên khối. Tấm bia thứ nhất khắc tên 45 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn, hy sinh sáng ngày 17/2/1979.

Trong các trận chiến đấu từ ngày 17/2 đến ngày 5/3/1979, CANDVT Quảng Ninh đã tiêu diệt 1.731 tên, phá hủy 2 xe quân sự, 3 thuyền, 2 khẩu cối 82mm, 8 khẩu đại liên của đối phương. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngày 19/12/1979, CANDVT Quảng Ninh vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hai đơn vị cơ sở là Đồn CANDVT Pò Hèn và Đại đội 6 CANDVT Quảng Ninh cùng hai liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa và Đỗ Chu Bỉ cũng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Mỗi người mỗi tuổi, mỗi quê hương khác nhau, từ Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, nhưng hy sinh cùng một ngày. Đứng đầu danh sách là anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa. Lớn tuổi nhất trong đó là đồng chí Phạm Xuân Tảo, sinh năm 1936, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình... Tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ năm 1980-1991 cùng 28 liệt sĩ là công nhân lâm trường và nhân viên thương nghiệp. Dù không phải là những người lính, nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, họ đã anh dũng cầm súng chiến đấu, lấy máu xương của mình dựng nên chiến lũy ngăn chặn kẻ thù, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia...

Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn 44 năm, vào lúc 5 giờ 30 phút, ngày 17/2/1979, trên toàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh từ Hải Hòa, Móng Cái đến Thán Phún, Pò Hèn, đối phương dùng các loại hỏa lực hạng nặng bắn phá dữ dội vào các khu dân cư, các đơn vị quân đội, các đồn CANDVT của ta. Sau 30 phút tập kích, đối phương sử dụng một trung đoàn tăng cường, chia làm 3 mũi đánh sang Pò Hèn. Trong đó có 2 mũi tập trung đánh vào Đồn CANDVT Pò Hèn và Chốt CANDVT ở đồi Quế. Ở mũi thứ 3, chúng sử dụng tới 3 tiểu đoàn, tấn công vào thị trấn Pò Hèn.

Cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn và đối phương diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Chúng dùng chiến thuật "biển người" ồ ạt tấn công, lớp này bị đánh tan, lớp khác lại điên cuồng xông lên. Quân số của đồn lúc đó chỉ có 48 đồng chí do Trung úy, Phó Đồn trưởng Đỗ Sỹ Họa và Chính trị viên Phạm Xuân Tảo phụ trách. Nhưng trong 3 giờ liền, đối phương vẫn không lọt được vào đồn của ta.

Cựu chiến binh Hoàng Như Lý, một trong những nhân chứng trực tiếp tham gia trận chiến ngày 17/2/1979 nhớ lại, sau mấy lần tấn công thất bại, chúng rút quân ra xa, gọi pháo bắn vào trận địa ta cấp tập 30 phút. Sau đó, chúng mở cuộc tấn công mới, lần này chúng đánh mạnh vào Chốt đồi Quế, hòng cô lập Đồn CANDVT Pò Hèn với tuyến sau. Một cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra ác liệt trên đồi Quế, dưới sân đồn, trong giao thông hào. Đạn dược hết, các chiến sĩ ta dũng cảm dùng báng súng, lưỡi lê lăn xả vào chúng mà đánh. Sau gần 5 giờ đồng hồ chiến đấu, trong tình thế không cân sức, vũ khí, đạn dược cạn kiệt, quân số bị thương vong nhiều, đến 11 giờ 30 phút, đối phương tạm thời chiếm được Đồn Pò Hèn.

Quân dân đoàn kết anh dũng chiến đấu

Trong cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc ngày 17/2/1979, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biên giới quốc gia. Điển hình như Trung úy, Phó Đồn trưởng Đỗ Sỹ Họa, sinh năm 1947, quê quán xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Văn Chung

Là một cán bộ đã trải qua chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập nhiều chiến công xuất sắc, Trung úy Đỗ Sỹ Họa đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Mặc dù bị thương, sức khỏe giảm nhiều, nhưng đồng chí Đỗ Sỹ Họa vẫn tình nguyện lên biên giới phía Bắc để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Trong trận chiến ngày 17/2/1979, anh đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị chiến đấu đến cùng. Anh tả xung hữu đột, lúc quần nhau ở mũi này, khi đánh nhau với đối phương ở mũi khác...

Ngày 10/3/1979, liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa được truy phong Thượng úy và được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hay như chị Hoàng Thị Hồng Chiêm (sinh năm 1954, quê ở phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), nhân viên cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn. Trước khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra chừng một tuần, các khối lâm trường, thương nghiệp đã được lệnh lùi về tuyến sau. Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn cũng thế, chỉ còn một ít hàng được giữ ở kho. Chiều 16/2/1979, chị Chiêm được lệnh lên cửa hàng cũ dọn dẹp một số hàng ở kho, tiện dịp qua thăm người yêu là Hạ sĩ Nguyễn Văn Lượng, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn.

Sáng hôm sau, khi trận đánh diễn ra, chị Hồng Chiêm không về tuyến sau mà chạy sang sát cánh cùng anh em chiến sĩ dũng cảm chiến đấu. Đã từng có 4 năm trong quân đội nên chị Hồng Chiêm rất bình tĩnh, mưu trí trong xử trí các tình huống. Chị vừa chiến đấu với đối phương bằng khẩu súng K44, vừa sơ cứu cho thương binh của ta. Chị đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên chiến hào Đồn CANDVT Pò Hèn để bảo vệ mảnh đất quê hương yêu dấu, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Cũng thời điểm đó, phía bên Chốt CANDVT đồi Quế, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lượng - người yêu chị cũng anh dũng hi sinh. Gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của chị Hoàng Thị Hồng Chiêm đã được ghi vào trang sử truyền thống của tuổi trẻ Quảng Ninh. Ngày 10/3/1979, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã truy tặng chị Huy chương “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc".

Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, tuy lực lượng địch đông hơn ta gấp nhiều lần, lại có nhiều loại hỏa lực mạnh yểm trợ, nhưng đã có hơn 250 tên bị giết, hàng trăm tên khác bị thương. “Từ chiều ngày 17 đến trưa ngày 18/2/1979, chúng phải huy động hàng trăm dân binh và 6 xe quân sự vận chuyển tử thi và lính bị thương về bên kia biên giới” - cựu chiến binh Hoàng Như Lý cho biết.

Để giữ bình yên cho vùng đất biên cương Tổ quốc, đã có 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Pò Hèn, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân lâm trường Hải Sơn hóa thân vào đất mẹ.

Bài 33: "Lá chắn thép" nơi cửa ngõ Đồng Đăng

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-32-post466900.html