Những tình huống 'khó đỡ' của F0 ở trạm y tế phường

Mắc Covid-19 nhưng không khai báo chỉ đến khi trở nặng mới 'cầu cứu', một F0 khác lại phàn nàn vì 'treo biển cách ly ở tầng 1 ảnh hưởng đến việc làm ăn'… là những tình huống khiến nhân viên y tế phường đau đầu.

Trạm y tế phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gồm 8 nhân viên y tế quản lý, chăm sóc hơn 23 nghìn dân. Vì vậy công việc của các nhân viên y tế luôn trong tình trạng quá tải.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, phụ trách y tế phường Chương Dương, cho biết, chỉ một buổi sáng, mấy chục cuộc điện thoại đã đổ về trạm y tế phường, các cuộc gọi bất kể giờ giấc, ngày đêm, có những cuộc gọi vào giờ ăn, có F0 gọi vào lúc 3h sáng…

Với hàng trăm F0 cách ly tại nhà, 8 nhân viên y tế phường phải chia nhau để quản lý. Họ lập nhóm zalo để hàng ngày, các F0 báo các chỉ số thông tin về sức khỏe. Ngoài quản lý chăm sóc F0 tại nhà, y tế phường còn kiêm luôn nhiệm vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, báo cáo số liệu…

Nhưng không ít trường hợp, người dân có ý thức kém khiến công việc của các nhân viên y tế thêm mệt mỏi. Theo các nhân viên y tế, có trường hợp mắc Covid-19, khi y tế phường hỏi thông tin, người này đã khẳng định như “đinh đóng cột”: “Nhà chỉ có mình em và… con mèo”. Vì vậy F0 này đã được y tế phường hướng dẫn cách ly tại nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với người khác. Nhưng sau đó, người này lại gọi điện đến trạm để thông báo là nhà có một F0 khác đang trở nặng.

Nhân viên y tế phường Chương Dương

Nhân viên y tế phường Chương Dương

Lúc này, lực lượng phường xuống kiểm tra, mới phát hiện trong quá trình cách ly tại nhà, người này có cho một người chị khác đến nhà ở cùng. Hiện tại, người chị này có dấu hiệu trở nặng và gọi điện đến y tế phường. Nhận điện thoại, chị Hà lại phải bỏ dở công việc, đến nhà F0 trên để kiểm tra tình hình.

Chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, nhân viên Trạm Y tế phường Chương Dương, cũng chia sẻ về một trường hợp là F0 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị tại nhà. Khi người bệnh có triệu chứng chuyển nặng (khó thở, SpO2 giảm), người thân mới hoảng hốt gọi đến trạm y tế phường.

Chị Vũ Bích Ngọc, một nhân viên khác của trạm, cũng đồng tình: “Công việc thực sự rất mệt mỏi, căng thẳng lơ là một chút bị ý kiến phản hồi ngay”. Các nhân viên y tế kể, họ không ít lần bị F0 hoặc người nhà lớn tiếng vì không vừa ý.

Vì vậy khi nhận cuộc điện thoại tiếp theo, 1 F0 than phiền: “Nhà có 2 người vừa tets nhanh dương tính, tôi gọi điện thoại cho trạm y tế phường không được”, nữ nhân viên y tế phường vội giải thích: “Ở đây điện thoại liên tục, cứ dập lại có cuộc khác nên gia đình phải gọi liên tục”.

Các nhân viên y tế ở đây còn ấn tượng với trường hợp F0 gọi điện đến trạm y tế để phàn nàn. Theo đó, khi gia đình này xuất hiện F0, lực lượng phường đã tiến hành chăng dây và treo biển để cách ly y tế. Nhưng người này gọi điện phàn nàn rằng lực lượng chức năng phải treo biển cách ly ở tầng 3 của ngôi nhà, chứ không được treo ở tầng 1. Treo biển ở tầng 1 sẽ cản trở việc làm ăn buôn bán của gia đình.

Chị Thanh Hà, nhân viên y tế phường này, cũng chia sẻ thêm về lần đến tiêm vắc xin tại nhà cho người cao tuổi, những người không thể đến các điểm tiêm tập trung.

Mỗi tổ tiêm lưu động gồm 4 người, bác sĩ test nhanh Covid-19, khám sàng lọc, tiêm và trực cấp cứu. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ tham gia hỗ trợ mang bình oxy theo.

Khám trước khi tiêm cho người dân ở phường Chương Dương.

Khám trước khi tiêm cho người dân ở phường Chương Dương.

"Một ngày nhóm tiêm có thể tiêm được khoảng 8-10 người. Chúng tôi khoanh vùng những khu vực, các tổ trưởng hỗ trợ lên danh sách người cao tuổi chưa được tiêm để sắp xếp lịch trình các địa chỉ tiêm gần nhau.

Mỗi lọ vắc xin khi mở ra chỉ có thời gian giữ thuốc từ 6-8 giờ. Vậy nên các y bác sĩ phải cố gắng tiêm tối đa trong thời gian nhanh nhất. Có nhà các cụ nằm trên tầng 5, tầng 6, đi lên rất vất vả. Vì đường nhỏ, ngõ nhỏ nên thông thường phải đi bộ chứ không thể đi xe máy", chị Nguyễn Thanh Hà nói.

Nhưng khi nhóm nhân viên y tế đến một gia đình để tiêm tại nhà, thấy người này có khả năng đi lại, nhân viên y tế thắc mắc: “Sao bác có thể đi lại bình thường mà không tự ra điểm tiêm?”. Người này không trả lời, giận giữ đóng sầm cửa trước mặt các nhân viên. Lúc này, các nhân viên y tế bất lực, đành di chuyển sang nhà khác.

Tuy nhiên họ cũng nhận được những tình cảm đáng quý từ người dân. Gia đình hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (phường Chương Dương) được bác sĩ đến tận nhà tiêm vắc xin. Thấy trời đã quá trưa, bà Hoa nói: "Các cô tiêm xong ở lại đây ăn cơm nhé!". Thế nhưng xong việc, chưa kịp uống cốc nước, đội tiêm đã vội rời đi.

Thấy nhân viên y tế vất vả, nữ tổ trưởng tổ dân phố ở đây chỉ kịp dúi vội túi hoa quả, hộp sữa vào tay một cán bộ y tế: "Này, cầm lấy về chị em ăn!".

Chị Đỗ Thanh Nhàn - cán bộ y tế phường, kể lúc thì được tặng hoa quả, lúc cái bánh. Nhiều khi thấy quá trưa mà vẫn làm việc, các bà lại mua cho cái bánh mì, bánh ngọt ăn để cầm hơi. Vì vậy trở về trạm y tế, đôi khi ngoài dụng cụ y tế là túi hoa quả, gói xôi… do người dân gửi tặng.

“Công việc vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy an ủi phần nào khi người dân thông cảm và yêu quý như vậy", chị Nhàn chia sẻ thêm.

Ngọc Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nhung-tinh-huong-kho-do-cua-benh-nhan-covid-19-o-tram-y-te-phuong-811814.html