Những tiết học xanh
Thời gian qua, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung (huyện Bát Xát) đã lựa chọn mô hình trồng chè Tuyết Shan để học sinh tham gia trải nghiệm, học tập thực tế. Việc thực hiện mô hình đã tạo không khí học tập sôi nổi, góp phần giúp các em phát triển toàn diện, nâng cao kỹ năng sống.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung học thực tế tại đồi chè.
Hôm nay, tiết học công nghệ của học sinh khối lớp 9, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung dường như sôi nổi hơn vì các em được học thực tế tại đồi chè của nhà trường. Những câu hỏi của cô giáo, như cây chè phù hợp với thổ nhưỡng nào? Sau bao lâu chè cho thu hoạch? Kỹ thuật hái chè như thế nào?… được học sinh trao đổi và trả lời hào hứng. Nhiều em đặt câu hỏi tương tác với giáo viên.
Thầy giáo Phùng Khắc Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: Mô hình trồng chè được nhà trường được triển khai thực hiện từ năm học 2017 - 2018 với quy mô ban đầu 1 ha do UBND xã A Mú Sung bàn giao lại. Năm học 2018 - 2019, nhà trường mở rộng quy mô lên 2 ha. Chè vốn là cây trồng chủ lực của xã A Mú Sung, giúp nhiều hộ thoát nghèo, do đó một số học sinh đã biết kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè. Tuy nhiên, khi được trải nghiệm thực tế tại trường, các em có thêm những kiến thức mới, từ đó có thể về giúp bố mẹ vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình.
Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung đã linh hoạt thay thế những nội dung không phù hợp trong các tiết học công nghệ sang kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa, chế biến chè. Một số tiết học diễn ra tại đồi chè với sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ khuyến nông xã giúp học sinh tiếp thu tốt hơn và được thực hành ngay tại vườn. Hiện nhà trường được UBND xã cấp 2 máy xao chè và ngoài nguyên liệu thu hái tại đồi chè của trường, nhà trường còn mua thêm của người dân quanh vùng. Chè thành phẩm được bán cho một số đơn vị đặt hàng để có thêm nguồn thu cho nhà trường.
Em Tẩn Lở Mẩy, học sinh lớp 9B tâm sự: Thông qua hoạt động trải nghiệm và tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc, phát triển cây chè, em đã áp dụng được nhiều vào công việc thực tế của gia đình. Những kiến thức đã được học, em truyền đạt cho bố mẹ để tăng năng suất, chất lượng chè của gia đình.
Năm học 2019 - 2020, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung có 549 học sinh, trong đó 290 học sinh bán trú. Nhà trường còn có mô hình chăn nuôi hơn 20 con lợn đen bản địa, 20 cặp chim bồ câu Pháp và 60 con gà. Ngoài ra, mô hình vườn rau của trường được đầu tư xây dựng với sự giúp đỡ của các chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345. Việc xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi không chỉ tạo không gian để học sinh bán trú tham gia, rèn luyện kỹ năng sống, mà còn giúp các em hiểu được giá trị lao động.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nhung-tiet-hoc-xanh-z5n20200118092053287.htm