Những thủ thuật 'thụt két' tiền doanh nghiệp

Để tham ô tiền công ty, các đối tượng sử dụng cách thức như tạo đơn khống, ghi tăng công nợ khách hàng... để hợp thức hóa sổ sách...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 18/6, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Trần Văn Quỳnh (SN 1983, trú tại xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) mức án 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

TẠO KHỐNG ĐƠN HÀNG ĐỂ HỢP THỨC HÀNG HÓA CHIẾM ĐOẠT

Vụ án này từng được đưa ra xét xử vào tháng 3/2024, khi đó, Quỳnh bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sau đó, tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh, khởi tố bị can Trần Văn Quỳnh từ tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sang tội “Tham ô tài sản”.

Kết quả điều tra xác định, Công ty H. thành lập năm 2003, ngành nghề kinh doanh chính là mua bán máy điều hòa nhiệt độ. Tháng 6/2012, công ty tuyển dụng Quỳnh làm nhân viên kỹ thuật, công việc chính là lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ cho các khách hàng của công ty.

Tháng 10/2015, Quỳnh được phân công làm thủ kho, quản lý hai kho hàng máy điều hòa của công ty. Tháng 7/2022, Công ty phát hiện có việc chênh lệch hàng hóa thực tế so với sổ sách theo dõi nên đã tiến hành kiểm kê hai kho hàng do Quỳnh phụ trách.

Kết quả kiểm kê phát hiện thiếu hụt 305 máy điều hòa nhiệt độ mới nguyên gồm: 110 máy điều hòa nhiệt độ nhãn hiệu Panasonic, 195 máy điều hòa nhiệt độ nhãn hiệu Daikin các loại và 15 bộ điều khiển điều hòa các loại.

Theo bảng giá niêm yết của công ty, tổng giá trị số hàng hóa Quỳnh chiếm đoạt là hơn 3,4 tỷ đồng. Khi đó, Quỳnh ký vào biên bản kiểm kê kho và tự viết một biên bản xác nhận vi phạm, thừa nhận với công ty về việc chiếm đoạt số máy điều hòa nhiệt độ mang đi bán lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân.

Quá trình điều tra, Quỳnh khai nhận, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, Quỳnh đã chiếm đoạt 109 bộ điều hòa các loại tại kho hàng ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) và chiếm đoạt 196 bộ điều hòa, 15 bộ điều khiển điều hòa các loại tại kho hàng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bán cho nhiều người.

Để không bị công ty phát hiện khi kiểm kê kho định kỳ, Quỳnh đã dùng thủ đoạn là xếp các thùng đựng máy điều hòa trong kho theo hình khối chữ nhật để rỗng ở giữa.

Khi tiến hành kiểm kê định kỳ, người kiểm kê kho chỉ đếm số lượng máy điều hòa theo hàng, cột rồi nhân lên, do đó không phát hiện có sự thiếu hụt hàng hóa trong kho.

Ngoài ra, Quỳnh còn sử dụng tài khoản “Anh Quỳnh Hà Đông" đăng nhập vào ứng dụng bán hàng của công ty để tạo khống các đơn hàng đặt mua máy điều hòa các loại nhằm hợp thức hóa số lượng máy điều hòa Quỳnh đã chiếm đoạt trước đó.

Kết luận định giá tài sản xác định, số máy điều hòa, bộ điều khiển điều hòa Quỳnh chiếm đoạt tại thời điểm tháng 7/2022 có giá trị là hơn 3,1 tỷ đồng.

GHI TĂNG CÔNG NỢ KHÁCH HÀNG ĐỂ HỢP THỨC HÓA SỔ SÁCH

TAND TP Hà Nội vừa xử phạt bị cáo Hoàng Văn Thanh (SN 1975, ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) mức án 13 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH và vận tải P. chuyên buôn bán vật liệu xây dựng. Đầu năm 2018, công ty nhận Thanh vào làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thanh được phân công làm nhiệm vụ giao hàng xi măng, đối chiếu công nợ và thu tiền của khách hàng thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng, Hoài Đức.

Khi làm việc, công ty giao cho Thanh sổ để theo dõi lượng hàng hóa bán ra của từng khách hàng, đối chiếu công nợ. Khách hàng thanh toán cho Thanh bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản rồi Thanh ghi chép số tiền khách hàng đã trả.

Nếu thu tiền mặt, Thanh nộp lại tiền cho kế toán. Nếu chuyển khoản thì Thanh sẽ chuyển khoản tiền đến tài khoản của công ty hoặc tài khoản đối tác của công ty.

Đến tháng 5/2022, Thanh thấy việc thu nộp tiền có nhiều sơ hở, thiếu chặt chẽ. Do cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân, Thanh nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của công ty.

Bị cáo tự lập ra 16 sổ cá nhân giống với sổ công ty. Khi đi thu tiền, Thanh dùng sổ cá nhân đối chiếu công nợ và ghi đầy đủ số tiền khách hàng đã trả, chốt số tiền khách hàng còn nợ hoặc khi đối chiếu, thanh toán công nợ và ghi đầy đủ số tiền khách hàng đã trả, chốt số tiền khách hàng còn nợ…

Số tiền thu được Thanh chỉ nộp một phần về công ty; số còn lại Thanh chiếm đoạt. Để tránh công ty phát hiện, Thanh ghi tăng số tiền khách hàng còn nợ vào sổ công ty.

Bằng thủ đoạn trên, từ ngày 7/1/2022 đến ngày 29/12/2022, Thanh thu nợ của 21 khách hàng với tổng số tiền hơn 8,6 tỷ đồng. Thanh nộp lại cho công ty hơn 7,4 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Do chiếm đoạt số tiền lớn và không có khả năng khắc phục, ngày 30/12/2022, Thanh để lại sổ công nợ rồi bỏ trốn, cắt đứt liên lạc với gia đình và công ty.

Qua kiểm tra sổ công nợ, đối chiếu lại, công ty phát hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Thanh.

Ngày 1/3/2023, Thanh đến Công an quận Bắc Từ Liêm đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Số tiền chiếm đoạt được, Thanh dùng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Hiện gia đình Thanh đã khắc phục toàn bộ số tiền trên. Công ty cũng có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không yêu cầu Thanh bồi thường thêm.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-thu-thuat-thut-ket-tien-doanh-nghiep.htm