Những thách thức kinh tế và tài chính mà Lào đang phải đối mặt

Mặc dù đã tăng trưởng 4,8% trong quý 1/2023 và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 4,9% trong quý 2 song nền kinh tế Lào vẫn dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài và trong nước.

Công nhân dệt may ở Lào. (Nguồn: Knowledge for Development)

Báo chí Lào số ra ngày 27/6 đưa tin Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ngày 26/6 cho biết bất chấp những khó khăn, nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo chí Lào, phát biểu ngay sau khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX của Lào khai mạc vào ngày 26/6, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã nêu bật những thách thức kinh tế và tài chính mà Lào phải đối mặt, đồng thời vạch ra những biện pháp chính để giải quyết vấn đề.

Ông Sonexay cho biết mặc dù nền kinh tế Lào đã tăng trưởng 4,8% trong quý 1/2023 và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 4,9% trong quý 2, với giá trị GDP ước đạt 118.467 tỷ kip (khoảng 6,2 tỷ USD) song nền kinh tế nước này vẫn dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài và trong nước.

Thủ tướng Lào nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm 2023, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để kinh tế vĩ mô rơi vào khủng hoảng, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề nhạy cảm và có nhiều biến động như vấn đề tỷ giá hối đoái, vấn đề lạm phát, giá cả hàng hóa, trong đó đặc biệt tập trung vào việc thu ngân sách; tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ về tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng xe công... một cách chặt chẽ, bài bản hơn.

Chính phủ Lào tiếp tục giải quyết nợ công, nhất là nợ nước ngoài, không để rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ, đồng thời tập trung giải quyết khoản nợ 8.000 tỷ kip cho các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian còn lại của năm 2023 bằng cách chuyển các khoản nợ của các công ty tư nhân sang các ngân hàng thương mại, điều sẽ cho phép các doanh nghiệp tư nhân duy trì thanh khoản tài chính và giúp họ vượt qua các khó khăn kinh tế.

Theo Thủ tướng Sonexay, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Quốc hội hoàn thiện một số văn bản pháp luật liên quan đến khâu lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư nhà nước nhanh hơn, tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, dừng cấp vốn cho các dự án mới chưa hiệu quả và tập trung ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển nông thôn, giải quyết nghèo đói; tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác điều hành tỷ giá, giá cả sản phẩm, lượng tiền M2 và lạm phát ở mức có thể kiểm soát được.

Chính phủ Lào tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nhiều hơn, gắn với việc tiếp tục triển khai dịch vụ thu đổi ngoại tệ với hệ thống ngân hàng thương mại hiện đại, quản lý hoạt động thu đổi hàng hóa xuất nhập khẩu, mở rộng mạng lưới và các đơn vị dịch vụ trao đổi của các ngân hàng thương mại và theo dõi…

Chính phủ Lào cũng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết và đưa ra các tiêu chí tập trung hơn để nghiên cứu, lựa chọn nhà đầu tư chất lượng cao và cấp phép đầu tư nhanh chóng, minh bạch và thuận lợi hơn.

Đồng thời, Lào tiếp tục khuyến khích triển khai các dự án có quy mô lớn đã được phê duyệt theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là các dự án chiến lược hợp tác với các nước bạn bè, đối tác chiến lược; đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước như Điện lực Lào, Ngân hàng Chính sách, Doanh nghiệp Nhà nước Xổ số phát triển Lào, Hàng không Lào...

Theo ông Sonexay, Chính phủ cũng sẽ tập trung đẩy mạnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm lương thực, thay thế nhiều hơn hàng nhập khẩu và xuất khẩu; tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh hơn.../.

Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-thach-thuc-kinh-te-va-tai-chinh-ma-lao-dang-phai-doi-mat/871487.vnp