Những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt giữa thời chiến

'Cửu Long Giang khói lửa - Ký họa và thơ' là một cuốn sách nghệ thuật, gồm những ký họa, tranh màu nước, thơ và thư từ của các họa sĩ-chiến sĩ được sáng tác ngay giữa chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ.

Cuốn sách đặc biệt này vừa được phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Bìa cuốn sách nghệ thuật 'Cửu Long Giang khói lửa - Ký họa và thơ'. (Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Bìa cuốn sách nghệ thuật 'Cửu Long Giang khói lửa - Ký họa và thơ'. (Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Sáng tác của đoàn quân chiến sĩ văn hóa

Giữa bom đạn khốc liệt, trong khu lán trại, các lớp học mỹ thuật của Trung ương Cục miền Nam ở rừng già Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Tháp Mười... đã được mở ra.

Các họa sĩ chiến trường như Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Nguyễn Văn Trừ, Nguyễn Thanh Châu… có mặt trong đoàn quân chiến sĩ văn hóa chi viện chiến trường miền Nam từ những ngày đầu.

Từ Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, họa sĩ Huỳnh Phương Đông chia sẻ: "Là họa sĩ, tôi ra trận để ghi lại nỗi đau thương mà chiến tranh gây ra. Tranh của tôi ghi lại lịch sử bằng hội họa".

Sáng tác trong chiến tranh, trong hầm tối, khi xe tăng địch chỉ cách vài mét, mỗi tác phẩm nghệ thuật còn là một hồ sơ lịch sử bằng hình ảnh.

Nhưng không chỉ vậy, các họa sĩ đã ghi lại chân thực hình ảnh đời sống chiến sĩ, hậu phương và phong cảnh chiến trường miền Nam từ Tây Ninh, Bến Tre đến Cà Mau trong giai đoạn 1964-1975.

Những hình ảnh chiến sĩ, em nhỏ, người mẹ, cảnh rừng núi, địa đạo, thôn xóm đậm chất trữ tình hiện ra giữa lửa đạn, thể hiện tình yêu quê hương, lòng dũng cảm và khát vọng hòa bình.

Giữa chiến tranh, họ vẫn “vững tin vào cái đẹp và cuộc sống” như lời họa sĩ Phạm Thanh Tâm chia sẻ. Họ ghi lại những khoảnh khắc sống động, chan chứa yêu thương và đầy niềm tin vào con người.

Các họa sĩ say mê vẽ chân dung từ em bé giao liên, người chiến sĩ đến các du kích quân địa phương để tạc khuôn mặt của những người con Việt Nam anh hùng trong chiến đấu.

Cuốn sách còn giới thiệu những bài thơ tiêu biểu cho văn học kháng chiến của Nguyễn Duy và Lê Anh Xuân, như bài “Dáng đứng Việt Nam” ca ngợi sự hi sinh của người lính giải phóng quân. Các bài thơ được đan xen giữa những ký sự, nhật ký, thư từ đầy cảm động gửi về từ chiến trường.

Hành trình của hai tác giả quốc tế

Biết đến mỹ thuật kháng chiến Việt Nam qua tranh “Thiếu nữ, Súng và hoa” của Trần Trung Tín, nhà báo-giám tuyển người Mỹ Sherry Buchanan đã xúc động đến mức quyết định thực hiện hành trình tìm hiểu, sưu tầm và giới thiệu đến thế giới những tác phẩm nghệ thuật chiến tranh Việt Nam.

Một trang trong cuốn sách mới phát hành. (Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Một trang trong cuốn sách mới phát hành. (Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Cửu Long Giang khói lửa – Ký họa và thơ là một kết quả trong hành trình nghệ thuật đó. Cùng Nam Anandaroopa Nguyen – một nhà nghiên cứu nghệ thuật người Mỹ gốc Việt, Buchanan Sherry đã đi khắp Việt Nam trong gần hai thập kỷ (1998-2015), phỏng vấn hàng chục họa sĩ chiến trường, sưu tầm các bức ký họa, tranh màu nước và các tài liệu chưa từng công bố.

Cuốn sách này là nguồn tư liệu quý giá giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến dưới một góc nhìn đầy cảm xúc, nhân bản, giàu hình ảnh.

Về mặt nghệ thuật, đây là một di sản thị giác độc đáo, tái hiện bằng đường nét và màu sắc một chương sử Việt Nam bi tráng.

Bạn đọc chắc hẳn sẽ thêm tự hào về dân tộc Việt Nam - một dân tộc anh hùng ngoan cường, yêu cái đẹp từ thuở “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc. Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. (Chế Lan Viên).

An An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-tac-pham-nghe-thuat-dac-biet-giua-thoi-chien-312408.html