Những quy định về công tác cán bộ của Đảng ngày càng đồng bộ

Đại hội XIII của Đảng cũng một lần nữa khẳng định 'Công tác cán bộ là nhiệm vụ 'then chốt' của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng'. Để thực hiện tốt các nội dung này, rất cần các quy định đồng bộ về công tác cán bộ của Đảng.

HỆ THỐNG QUY ĐỊNH NGÀY CÀNG ĐỒNG BỘ

Trong suốt quá trình lịch sử, vì tầm quan trọng của công tác cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm công tác này. Những năm gần đây, nhất là sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, rất nhiều chỉ thị, nghị quyết về nội dung này đã được ban hành tạo thành hệ thống tổng thể các quy định giúp công tác cán bộ trong Đảng và bộ máy ngày thêm hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế hiện nay.

Trước đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ. Và, sau Đại hội XIII của Đảng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn cũng đã được ban hành. Đó là các nghị quyết, chỉ thị như: Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng; Kết luận số 08-KL/TW, ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW, ngày 26/7/2021 một số nội dung về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW, ngày 12/4/2021 về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW, ngày 27/9/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng; Hướng dẫn số 03-HD/BTCTW, ngày 22/4/2021 về thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”…

VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA…

Trước hết, cần nghiên cứu tham mưu ban hành đồng bộ các quy định cũng như kịp thời ban hành các hướng dẫn nhằm thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong thực tế có những quy định ra đời nhưng lại chưa kịp thời ban hành hướng dẫn thực hiện. Chẳng hạn Quy định 126-QĐ/TW về “Bảo vệ chính trị nội bộ” ra đời từ ngày 28/2/2018 nhưng phải 17 tháng sau, tháng 9/2019 mới có hướng dẫn thực hiện quy định này. Việc chậm trễ ban hành các hướng dẫn gây không ít khó khăn, lúng cho các cấp ủy, nhất là cấp cơ sở trong quá trình thực hiện.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật của Đảng là kỷ luật Đảng phải đồng bộ với kỷ luật chính quyền, thế nhưng đã có một thời gian dài trước khi Nghị định số: 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về “Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức” ra đời, đảng viên bị xử lý kỷ luật về Đảng, song lại chưa có quy định tương thích về việc xử lý về chính quyền. Kể cả khi Nghị định số: 112/2020/NĐ-CP ra đời với quy định cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật Đảng thì “mức độ tương xứng” này trong thực tế cũng khó thực hiện bởi các hình thức xử lý kỷ luật chưa có sự đồng bộ giữa Đảng và chính quyền. Chẳng hạn đảng viên chính thức có 4 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; thế nhưng, công chức có tới tận 6 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Cũng vậy, theo quy định của Đảng thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên bị xử lý kỷ luật khiển trách và cảnh cáo là 12 tháng. Tuy nhiên, theo Quy định số 205, nếu đảng viên bị xử lý kỷ luật khiển trách nhưng liên quan đến chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn 18 tháng, cảnh cáo là 30 tháng, tức thời hiệu kéo dài hơn…

Công tác cán bộ, như đã trình bày là những nội dung liên quan trực tiếp đến con người và đương nhiên phải tuân thủ những quy định song nếu quá trình thực hiện rập khuôn, máy móc sẽ là lực cản và khó để phát hiện và đề xuất được những người thật sự xứng đáng. Chẳng hạn quy định muốn được quy hoạch cấp trưởng thì phải đang giữ nhiệm vụ cấp phó mà một số cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện có thể xem là những quy định mang tính cứng nhắc. Nếu việc thực hiện cứng nhắc này thì việc thực hiện Kết luận số 14 sẽ khó mà có hiệu quả rõ nét bởi “độ mở” vẫn chưa thật sự lớn. Ngoài ra, còn hàng loạt những những vấn đề thực tiễn vẫn đang đặt ra cần tháo gỡ như việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, việc thành lập và phát triển Đảng ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; sinh hoạt Đảng bằng hình thức trực tuyến…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Với quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cán bộ của Đảng thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhiều nội dung về công tác cán bộ đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản mang tính pháp quy của Đảng. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều nội dung về công tác cán bộ cần tiếp tục được quan tâm thực hiện theo hướng đồng bộ hơn.

HỒNG PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202204/nhung-quy-dinh-ve-cong-tac-can-bo-cua-dang-ngay-cang-dong-bo-3110133/