Những người thầy đằng sau tay lái

Trên những chuyến xe ô tô con hay xe tải thùng, những người thầy dạy thực hành lái xe ở Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị cùng các học viên rong ruổi dọc các cung đường từ phố thị tới quanh co núi đồi. Ngoài việc 'truyền nghề', dạy kĩ năng lái xe an toàn cho các học viên, các thầy còn tuyên truyền, phổ biến luật giao thông và đạo đức của người ngồi sau tay lái…

 Thầy Trung hướng dẫn học viên nắm các bộ phận chủ yếu trên xe

Thầy Trung hướng dẫn học viên nắm các bộ phận chủ yếu trên xe

“Sơ hở một giây là đánh đổi bằng tính mạng”

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có mặt tại sân tập lái của Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị. Giữa sân tập, thầy giáo Vũ Đình Tính với mái tóc muối tiêu, dáng người mảnh khảnh vẫn kiên trì cuốc bộ theo chiếc xe tập lái của học viên để hướng dẫn các bước vào ga-ra. Ở độ tuổi 65, sau khi về hưu theo chế độ, thầy Tính được trường kí hợp đồng tiếp tục dạy thực hành lái xe bằng B và C bởi kinh nghiệm dày dặn và sự tận tâm với nghề.

Với chất giọng đậm miền Bắc, thầy Tính kể: “Tôi người gốc Hải Dương. Năm 1972 “đi B” (cán bộ miền Bắc tự nguyện vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu) vào Quảng Trị rồi lấy vợ, lập nghiệp tại mảnh đất này. Năm 1974, tôi làm công tác vận tải ô tô, đến năm 1996 thì chuyển sang công tác tại Trạm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ Quảng Trị. Từ năm 2003, tôi được điều động về Trường Trung cấp nghề GTVT dạy lái xe ô tô các hạng A, B, C, D, E, FC. Tôi dạy khóa đầu tiên là khóa 44 với 8 học viên học bằng B2. Tính đến nay thì tôi cũng đã đào tạo hàng trăm học viên. Đặc thù của nghề này tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp và nguy hiểm”, thầy Tính nói.

Theo giáo án, các học viên sẽ được học các bài thực hành từ đơn giản đến phức tạp. Đầu tiên, thầy Tính sẽ cho học viên tìm hiểu các bộ phận chủ yếu trên xe. Tiếp đó là hướng dẫn can đường, lấy và trả lái rồi ra tập lái ở bãi, sau đó mới cho lái xe trên đường và lái các bài liên hoàn trong hình để tăng độ khó. Các tuyến lái thực hành đường dài của học viên gồm: tuyến Đông Hà - Huế, Đông Hà - Lao Bảo, Đông Hà - Quảng Bình… Mỗi tuyến sẽ có những đặc thù, độ khó khác nhau. Các học viên phải nắm vững các thao tác, động tác lái xe ô tô cơ bản trước khi lái xe đường dài và đường nội thị. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là tinh thần của học viên khi lái xe. Anh Phan Hải Thành, một học viên từng được thầy Tính dạy thực hành chia sẻ: “Nhiều người nắm vững kĩ thuật lái nhưng hay mất tinh thần khi ngồi lên xe. Những ngày đầu mời cầm tay lái, tôi cũng run và hồi hộp, nhất là các bài đường đèo, đường nội thị hay nhìn thấy xe chạy ngược chạy xuôi, như sắp lao thẳng vào mình vậy. Những lúc thực hành lái xe trên đường, chúng tôi luôn được thầy Tính động viên, khích lệ và hướng dẫn tận tình nên anh em ai cũng yên tâm”.

 Thầy Tính trợ lái cho học viên thực hành lái xe

Thầy Tính trợ lái cho học viên thực hành lái xe

Thực hành lái xe là các học viên phải lái xe trên đường, cùng tham gia giao thông với các phương tiện khác. Những lúc ấy, thầy giáo phải luôn luôn ngồi trợ lái bên cạnh học viên. Vì thế, người trợ lái phải luôn tỉnh táo, tập trung cao độ. “Khi tham gia giao thông thì không ai có thể biết trước việc gì xảy ra. Một con chó chạy qua đường, một xe container vượt mặt, một xe máy lạng lách… chúng tôi phải chủ động nhắc nhở học viên tập trung, chăm chút từng chút một và hướng dẫn, trợ lái cho các học viên trên xe đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi chỉ sai một li là có thể đánh đổi bằng cả tính mạng của những người đang ngồi trên xe và người đi đường”, thầy Tính bộc bạch.

Khi nhắc đến những kỉ niệm đáng nhớ trong 16 năm làm nghề, thầy Tính kể: “Cách đây mấy năm về trước, có một học viên nữ là chiến sĩ công an. Hôm ấy, theo lịch học, chúng tôi thực hành lái xe đường trường. Khi đến lượt nữ học viên này lái xe, chị lái được một đoạn thì hoảng loạn thả luôn vô lăng và giơ 2 tay lên trời sợ hãi trong khi xe vẫn bon bon chạy. Cũng may lúc đó, tôi trợ lái bên cạnh kịp thời đạp thắng dừng xe nếu không sẽ rất nguy hiểm vì lúc đó đường đông phương tiện lưu thông. Sau đó, tôi phải động viên, ổn định tinh thần cho nữ học viên ấy thì chị mới lấy lại bình tĩnh. Sau này, chị mua xe, lái rất tốt và cảm ơn tôi khi thầy trò gặp lại nhau”.

Nâng cao chất lượng giảng dạy

Có thể nói, nghề dạy thực hành lái xe là nghề chịu nhiều áp lực và đòi hỏi trình độ cao về nghiệp vụ sư phạm. Bởi các học viên đủ mọi thành phần lứa tuổi, trình độ, vùng miền, giới tính… “Vì thế, chúng tôi phải làm sao để dung hòa, hài hòa các học viên trong mỗi khóa học, để sau khi tốt nghiệp, tất cả các học viên đều lái tốt và lấy được bằng lái xe phục vụ nhu cầu, công việc của mình”, thầy giáo Hoàng Anh Trung chia sẻ với tôi sau khi hướng dẫn các học viên lái xe bài liên hoàn.

Thầy Trung quê ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Anh công tác tại Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị từ năm 2005 đến nay. Mỗi năm, thầy Trung dạy 3 khóa cả 2 hạng B và C, trung bình mỗi khóa khoảng 10 học viên. “Một lớp học lái xe như là một xã hội thu nhỏ, hội tụ đủ các thành phần xã hội. Trên xe có 5 người, giới tính, lứa tuổi, trình độ học vấn, vùng miền, tính cách đều khác nhau. Vì vậy, các giáo viên dạy thực hành phải có kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm căn bản để có cách dạy, hướng dẫn phù hợp với từng học viên”, thầy Trung tâm sự. Thầy Trung kể thêm, sau khi nhận lớp, các giáo viên dạy thực hành lái xe phải nắm bắt, phân loại học viên, sắp xếp thời gian hợp lí để các học viên có thể theo học được thuận tiện nhất, ưu tiên những người lớn tuổi và những người lái yếu để kèm cặp, hướng dẫn thêm.

 Là giáo viên trẻ nên thầy Đức luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm dạy thực hành lái xe

Là giáo viên trẻ nên thầy Đức luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm dạy thực hành lái xe

Tranh thủ cho học viên giải lao sau non buổi chiều tập luyện, thầy giáo Nguyễn Xuân Đức, một giáo viên trẻ của trường kể với tôi: “Các học viên có nhiều người bằng tuổi ông, tuổi cha mình nên tôi phải có những ứng xử sao cho phù hợp, vừa thể hiện vai trò, vị thế người thầy, vừa là người bạn đồng hành, luôn sát cánh với các học viên trên mọi dặm đường”.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị Nguyễn Như Quỳnh cho biết: Trường Trung cấp nghề GTVT được thành lập từ năm 1976 với tên gọi lúc bấy giờ là Trường lái xe Bình Trị Thiên. Sau nhiều lần đổi tên, đến năm 2010, trường mang tên Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị, trên cơ sở nâng cấp từ Trường Công nhân kĩ thuật và Nghiệp vụ GTVT và tự chủ tài chính kể từ thời điểm đó.

Toàn trường hiện có 44 giáo viên dạy thực hành lái xe. Người dạy thực hành lái xe ô tô cần phải hội đủ 3 yếu tố: Chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức nghề nghiệp tốt và kinh nghiệm dày dặn. Các giáo viên dạy thực hành lái xe trước khi được nhận xe, nhận lớp thì phải có các chứng chỉ sư phạm dạy thực hành lái xe ô tô, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng trung cấp cơ khí chế tạo máy ô tô… Ngoài ra, họ phải trải qua quá trình trợ giảng khoảng 3 tháng cho các thầy có kinh nghiệm của trường. Sau đó, nếu đảm bảo yêu cầu thì nhà trường mới giao xe, giao lớp để dạy.

Hiện tại, trường đang đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C. Từ đầu năm 2011 đến tháng 5/2018, trường đào tạo được 11.441 học viên lái xe ô tô, trung bình 1 năm đào tạo được 1.750 học viên. Trường có 2 cơ sở tập lái, 1 ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh và 1 ở thành phố Đông Hà, đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ GTVT. Kế hoạch giảng dạy được trường lập chi tiết từ đầu khóa học, tuân thủ đúng quy định về thời gian đào tạo, số người trên 1 xe tập lái, tuyến đường tập lái, giúp học viên có được sự chủ động trong học tập.

“Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, nhà trường thường xuyên cử các giáo viên tham gia những lớp tập huấn kĩ năng, kiến thức về lái xe; đầu tư nâng cấp, mua sắm phương tiện, xe ô tô mới, chú trọng khâu tuyển sinh… Bên cạnh đó, trường cũng ban hành chính sách thi đua, khen thưởng để động viên, khích lệ các giáo viên làm tốt công việc của mình; nghiêm túc xử lí nếu có trường hợp giáo viên vi phạm quy chế của nhà trường…”, thầy Quỳnh cho biết thêm.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=144066