Những người Mẹ Việt Nam Anh hùng
Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, 'những vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng'... nhưng vết thương lòng của những người vợ, người mẹ có chồng, con hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn còn mãi với thời gian.
Nghẹn ngào nhìn tên hai con trai được khắc trên Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TP Sầm Sơn, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Mùi (sinh năm 1923) ở xã Quảng Minh bồi hồi nhớ lại ngày nhận giấy báo tử của con trai thứ hai - liệt sĩ Nguyễn Hữu Trầu (sinh năm 1949 - hy sinh ngày 4/5/1968 tại đơn vị KB, mặt trận phía Nam). “Đau lắm con ơi! Mẹ vật vã vì nỗi đau mất con, nhưng chỉ dám cắn răng lặng lẽ khóc thầm”. Vài năm sau đó, mẹ lại nhận được tin sét đánh: Con trai đầu, liệt sĩ Nguyễn Hữu Hưng (sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 7/1969; cấp bậc, chức vụ: Trung sĩ, tiểu đội phó; đơn vị: E Đồng Nai, P2 - hy sinh ngày 23/10/1973 tại mặt trận phía Nam). Đau thương, mất mát là vậy, nhưng mẹ vẫn một lòng tin Đảng, luôn giữ vững niềm tin và tình yêu với đất nước.
Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại trải qua nhiều mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước như dân tộc Việt Nam. Cũng hiếm có nơi nào trên thế giới lại có nhiều bà mẹ đã hiến dâng những người con rứt ruột sinh ra cho Tổ quốc như những Bà mẹ VNAH. Ba lần tiễn chồng, con đi đánh giặc cứu nước thì 2 lần mẹ Mai Thị Nhang (sinh năm 1935), thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung) khóc thầm lặng lẽ. Năm 1968, mẹ nhận được hung tin người chồng là liệt sĩ Nguyễn Xuân Tiêu (sinh năm 1938), hy sinh năm 1968 tại chiến trường Khe Sanh, hiện vẫn chưa tìm được mộ. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, năm 1988 mẹ lại nhận được tin con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1967), đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang khi vừa tròn 21 tuổi. Đôi mắt mẹ trùng xuống, đưa tay gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, mẹ Nhang nghẹn ngào nói: “Mỗi lần nhận được tin báo chồng và con hy sinh, từng khúc ruột của mẹ quặn thắt, đau nhói. Thế nhưng, nén nỗi đau vào lòng, mẹ vẫn tiếp tục phục vụ cách mạng và nuôi những người con còn lại đến tuổi trưởng thành tiếp bước theo gương cha và các anh lên đường tòng quân".
Mặc dù mất đi người thương yêu nhất, nhưng những bà mẹ đã biến nỗi đau thành sức mạnh và động lực để tiếp tục sống, nuôi con, cống hiến sức mình cho cách mạng. Dù không trực tiếp tham gia ngoài chiến trận, nhưng sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của các mẹ, sự thủy chung son sắt với cách mạng lại chính là vũ khí sắc bén, góp phần đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù. Hôm nay đây, nhiều Bà mẹ VNAH đã an nghỉ dưới lòng đất, có những mẹ vẫn còn sống phần đời còn lại để từng ngày nhìn đất nước chuyển mình, thay da đổi thịt, nhìn con cháu trưởng thành, hăng say học tập, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Với các mẹ, có lẽ đây mới là món quà quý giá nhất sau những mất mát, hy sinh, khổ đau cùng dân tộc.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 4.634 Mẹ VNAH, đến nay còn 65 mẹ còn sống (100% Mẹ VNAH đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời). Cùng với việc thực hiện các chế độ theo quy định của Nhà nước, việc phụng dưỡng của các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân các địa phương được thực hiện bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực chăm lo cho các Mẹ VNAH sức khỏe, chăm sóc mẹ khi đau ốm, trái gió, trở trời, gần gũi với mẹ như người thân, mong được làm ấm lòng mẹ lúc tuổi cao, sức yếu; phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời; nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình... Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính, cùng sự biết ơn sâu sắc đã góp phần để các mẹ sống vui, sống khỏe, sống thọ hơn để thấy quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới và phát triển.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-me-viet-nam-anh-hung-220538.htm