Những người giữ màu xanh cho B'lá

Huyện Bảo Lâm từ lâu được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp ở Lâm Đồng. Đau với cái đau của buôn làng khi chứng kiến rừng ngày một cạn kiệt, một phần lá phổi của Tây Nguyên đang bị bào mòn, Công an huyện Bảo Lâm đã tham mưu cho các cấp chính quyền triển khai mô hình 'Khu dân cư phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng' và chọn xã B'Lá làm điểm.

Công an xã B'Lá và lực lượng Công an viên thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện các vụ ken cây lấy đất sản xuất.

Công an xã B'Lá và lực lượng Công an viên thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện các vụ ken cây lấy đất sản xuất.

Gánh trên vai trọng trách, cùng người dân giữ rừng, Công an huyện Bảo Lâm xác định, một mặt phải đấu tranh trực diện với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, mặt khác phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lấy phương châm phòng là chính, xem người dân là gốc rễ để bảo vệ tài nguyên rừng một cách bền vững. Thượng tá Nguyễn Văn Vỵ- Phó trưởng Công an huyện Bảo Lâm cho rằng: "Công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ thất bại nếu không có sự tham gia tích cực của nhân dân, cho nên chúng tôi quyết định chọn xã B'Lá để xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng".

B'Lá được chọn làm điểm bởi đây là xã nằm không xa trung tâm huyện nhưng có tới hơn 5.600 ha rừng và đất rừng, điều kiện địa hình phức tạp, giáp ranh với nhiều xã khác trong huyện. Không lùi bước trước những khó khăn ở một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật hạn chế lại thường bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ và là điểm nóng của nạn phá rừng, Công an huyện Bảo Lâm đã quyết tâm tạo sự đột phá, triển khai lực lượng bám chắc từng cụm dân cư. Bằng phương châm mưa dầm thấm lâu, Công an xã B'Lá đã kiên nhẫn đến từng nhà, gõ từng cửa giải thích, vận động tuyên truyền, tìm kiếm sự đồng thuận từ những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung tay hành động. Từ chỗ còn e dè, nghi ngại, xem giữ rừng là trách nhiệm của cán bộ và chính quyền, chỉ sau 3 tháng triển khai, cả 5 thôn của xã B'Lá đều xây dựng mô hình "Khu dân cư tham gia phòng chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng" và đi vào hoạt động.

Công an xã B'Lá đến từng hộ dân để tuyên truyền.

Công an xã B'Lá đến từng hộ dân để tuyên truyền.

Đưa chúng tôi đến thăm khu rừng được buôn làng bảo vệ, già làng K'Ríu chỉ vào tấm bảng cảnh báo rồi nói: "Cái bảng này là chúng tôi làm để nhắc nhau không được phá rừng, vì rừng là nhà, phá nhà mình thì mình đi đâu mà sống. Đây là rừng của mình, bên này là rừng của Nhà nước khoán. Cả hai mình đều phải bảo vệ, không chặt cây nào đâu".

Để mô hình duy trì và hoạt động hiệu quả, vai trò đầu tàu của cán bộ đảng viên ở từng chi bộ, các già làng, các chức sắc tôn giáo, lực lượng Công an viên, dân phòng… là rất quan trọng. Chính nhờ các lực lượng, mọi hành vi xâm hại rừng như ken cây, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép đã kịp thời bị tai mắt của quần chúng phát hiện. Những gia đình có con em thuộc diện đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ rừng được thành viên của tổ tự quản và các chiến sỹ Công an động viên, kịp thời giúp đỡ những khó khăn trong cuộc sống. Từ niềm tin được củng cố bền chặt ấy, chính họ đã trở thành những chiến sỹ tình nguyện trong công tác bảo vệ rừng tại từng buôn làng.

Từ khi mô hình "Khu dân cư tham gia phòng chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng" ở xã B'Lá đi vào hoạt động, số vụ vi phạm lâm luật ở điểm nóng này giảm hẳn, cuộc chiến bảo vệ rừng ở B'Lá giờ đây không còn là gánh nặng của riêng lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương. Thiếu tá Nguyễn Vũ Hoành - Phó trưởng Công an xã B'Lá chia sẻ: "Rừng đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có sự thiêng liêng nhất định. Chúng tôi nhận thức được điều này nên đã dùng các biện pháp là tuyên truyền vận động để khơi dậy tiềm thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của đồng bào". Ông Nguyễn Văn Thanh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm thừa nhận: "Trước đây trách nhiệm giữ rừng là của chúng tôi. Bây giờ đã huy động toàn bộ lực lượng từ cơ sở tham gia vào công tác này nên nhiệm vụ giữ rừng đã thật sự là của toàn dân".

Từ thành công của xã B'Lá, đến nay, mô hình "Khu dân cư tham gia phòng chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng" do Công an huyện Bảo Lâm xây dựng đã được nhân rộng ra 6 xã và 1 thị trấn của huyện, thu hút trên 10 ngàn thành viên tự nguyện tham gia. Đại tá Nguyễn Quang Thống- Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định: "Đây là mô hình tốt, rất có tác dụng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Vì vậy, chúng tôi thấy cần tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công tác này".

ĐỨC HUY

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-nguoi-giu-mau-xanh-cho-b39la-post299496.html