Những 'ngọn đuốc sáng' dưới chân núi Con Voi - Bài 2: Nữ đại biểu dân cử người kinh của đồng bào Tày
Dù không sinh ra và lớn lên ở Làng Nủ, cũng không phải là người Tày nhưng bà Trần Hoài Thu vẫn được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Phúc Khánh trong suốt 20 năm qua.
Ở khu tái định cư Làng Nủ, hễ nhắc đến bà Trần Hoài Thu là từ người già đến trẻ nhỏ đều nói về bà với sự kính trọng và yêu mến. Bà không chỉ là một nữ đại biểu gương mẫu của đồng bào Tày, mà còn là hình mẫu sống động về tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bà Thu luôn lấy sự khiêm nhường, tận tâm và trách nhiệm làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Tình cảm mà bà dành cho dân bản và cách bà lắng nghe, sẻ chia, luôn khiến bà trở thành niềm tin cậy của bà con, là người luôn sát cánh cùng họ, không chỉ trong công việc mà còn trong chính cuộc sống hằng ngày.
![Với hơn hai mươi năm gắn bó với công tác mặt trận và vai trò nữ đại biểu HĐND, bà Thu không chỉ là người dẫn dắt các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn là người thắp lửa nhiệt huyết, gắn kết bà con trong những công việc chung, tạo dựng sự đoàn kết vững mạnh cho Làng Nủ. Ảnh: HẢI ĐĂNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_04_16_51165846/eef2e2f239bdd0e389ac.jpg)
Với hơn hai mươi năm gắn bó với công tác mặt trận và vai trò nữ đại biểu HĐND, bà Thu không chỉ là người dẫn dắt các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn là người thắp lửa nhiệt huyết, gắn kết bà con trong những công việc chung, tạo dựng sự đoàn kết vững mạnh cho Làng Nủ. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Học tiếng đồng bào để gần dân, hiểu dân hơn
Năm 1989, khi ánh nắng vàng rực rỡ của buổi sớm lan tỏa khắp Làng Nủ, cô giáo Thu đặt chân đến vùng đất này, mang theo hành trang duy nhất là tri thức và khát vọng cống hiến.
Theo lời bà Thu, Làng Nủ lúc ấy vẫn có tên là Trĩ Nủ - nơi đất trời mờ sương, cuộc sống của người dân chủ yếu xoay quanh những mái nhà sàn và tiếng Tày ngân vang trong từng nhịp thở của bản làng.
“Chính vì yêu mến với vùng đất nghèo khó nhưng chứa chan tình người này, một người con gái thành Nam như tôi quyết định chọn nơi đây làm mái ấm. Đây không chỉ là nơi tôi gắn bó, mà còn là nơi tôi dành trọn tâm huyết để cống hiến, xây dựng và gắn kết cuộc đời mình”, bà Thu nói.
Với bà Thu, mỗi bước đi trên hành trình gắn kết đồng bào của bà đều đong đầy những kỷ niệm khó quên. Bà kể: “Lúc mới đến đây, bà con chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Tày. Không ít người già lại không nói được tiếng Kinh, nên việc giao tiếp, nhất là tuyên truyền, vận động rất khó khăn”.
Nhưng bà Thu không bỏ cuộc. Bà hiểu rằng, nếu không học tiếng của người dân, bà sẽ không thể thấu hiểu và không thể đồng hành cùng họ.
“Mình phải biết tiếng của đồng bào, thì đồng bào mới tin tưởng và mở lòng với mình”, bà Thu nhấn mạnh.
Lấy khó khăn ban đầu là cơ hội để học hỏi, bà Thu chia sẻ: “Mọi người trong bản đều là thầy của mình. Họ dạy mình từng câu, từng từ. Mình học không phải từ sách vở mà từ chính cuộc sống, từ những bữa cơm, những lần uống chén trà với bà con”.
Nhớ lại những lần phát âm sai nhưng bà không cảm thấy ngại ngùng, vì mỗi lần sai là một lần bà học được từ bà con, những người bạn đồng hành chân thật và giản dị. Giờ đây, tiếng Tày đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà Thu. Không chỉ để giao tiếp, mà còn để giúp bà hiểu thấu những băn khoăn, lo lắng của bà con về các vấn đề liên quan chính sách, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Thu không chỉ là đại biểu HĐND mà còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn. Đã ở tuổi 57 nhưng cả cuộc đời bà gắn bó với những cuộc họp thôn xóm, những chuyến đi thăm, giúp đỡ người nghèo khó và những buổi trò chuyện, động viên nhau vượt qua gian khó.
Bà Thu tâm sự: “Trong công việc của mình, những khoảnh khắc trao đổi với bà con là quan trọng nhất. Mỗi lần đi thăm, bà không chỉ nghe họ chia sẻ mà còn là người lắng nghe những tâm tư chưa nói thành lời”.
Hành trình của bà Thu không hề dễ dàng, nhưng chính những ngày tháng ấy đã xây dựng lên một nữ đại biểu HĐND mạnh mẽ, đầy kiên trì và luôn tràn đầy nhiệt huyết. Với bà Thu, không có gì quý giá hơn là được nhìn thấy những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bà con, được chứng kiến những nụ cười hạnh phúc khi họ có thể sống tốt hơn.
![Trong mọi công việc, bà Thu luôn đặt sự lắng nghe ý kiến của đồng bào Tày lên hàng đầu. Đối với bà, mỗi ý kiến của bà con đều quý giá, giúp bà hiểu rõ hơn về những khó khăn, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Ảnh: HẢI ĐĂNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_04_16_51165846/e17be27b3934d06a8925.jpg)
Trong mọi công việc, bà Thu luôn đặt sự lắng nghe ý kiến của đồng bào Tày lên hàng đầu. Đối với bà, mỗi ý kiến của bà con đều quý giá, giúp bà hiểu rõ hơn về những khó khăn, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Ảnh: HẢI ĐĂNG
“Nghe đồng bào nói, nói đồng bào hiểu, làm đồng bào tin”
Làng Nủ từng là thôn nghèo nhất xã Phúc Khánh, nơi mỗi mùa mưa lũ lại mang theo dòng nước dữ, cuốn trôi không chỉ những cây cầu tạm bợ mà cả những giấc mơ đổi đời của bao thế hệ. Nhưng hôm nay, những cây cầu kiên cố đã vươn mình qua suối, không chỉ nối liền đôi bờ mà còn mở ra con đường mới, nơi hy vọng được thắp sáng và tương lai không còn bị chia cắt bởi nghèo khó.
Và trong suốt hơn 35 năm gắn bó, người phụ nữ ấy đã âm thầm làm nên những điều kỳ diệu, không chỉ cho chính mình mà cho cả cộng đồng Làng Nủ.
Ngày đầu tiên bà Thu đến Làng Nủ, bà đã choáng ngợp trước con đường đi lại cách trở của nơi đây. Những cây cầu gỗ, cầu tre bắc qua suối - vốn được làm từ bàn tay thô ráp của bà con - vừa là lối đi lại, vừa là cầu nối duy nhất của cả làng với thế giới bên ngoài. Nhưng mỗi mùa mưa, chúng lại bị dòng nước xiết cuốn phăng đi như chưa từng tồn tại.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh ông Diện ngã gãy xương khi qua cầu, hay chị Phương lúc ấy đang mang thai, bị nước cuốn ngã xuống suối. Những tiếng khóc, tiếng gọi thất thanh hôm ấy đã ám ảnh tôi suốt bao năm”, bà Thu kể giọng nghẹn lại.
![Dù không phải người Tày, Trần Hoài Thu vẫn dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa dân tộc, tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng Tày tại Làng Nủ. Ảnh: HẢI ĐĂNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_04_16_51165846/5c045e04854b6c15355a.jpg)
Dù không phải người Tày, Trần Hoài Thu vẫn dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa dân tộc, tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng Tày tại Làng Nủ. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Những nỗi đau đó đã thôi thúc bà hành động. Bà tự nhủ mình không thể đứng nhìn bà con sống mãi trong vòng luẩn quẩn của hiểm nguy. Phải bắt đầu từ đâu đó, phải làm điều gì đó. Và hành trình ấy bắt đầu từ những cây cầu ước mơ của người dân Làng Nủ.
Không chỉ dừng lại ở những cây cầu, bà Thu còn nhìn xa hơn. Bà biết, để thay đổi một cộng đồng, cần phải có những thay đổi bền vững. Sau một trận lũ lớn, bà đứng lên kêu gọi bà con hiến đất, đóng góp công sức để xây dựng lại đường làng. Để làm được điều đó, bà không chỉ vận động, kêu gọi mà còn tiên phong hiến hơn 700m² đất ruộng, 1.000m² đất đồi trồng quế – tài sản quý giá nhất của gia đình.
Bà bảo: “Nếu mình không làm gương, làm sao mong người khác đồng lòng?”
Nhưng làm đường thôi chưa đủ, bà còn vận động chính quyền và doanh nghiệp hỗ trợ lắp đặt hệ thống đèn đường dài 5km – một điều mà bà con nơi đây chưa từng dám mơ đến.
Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ bồi hồi kể tiếp: “Tôi nhớ lần đầu tiên những bóng đèn được thắp sáng. Cả làng như bừng tỉnh, như vừa bước ra khỏi bóng tối của nghèo khó. Những ánh đèn không chỉ soi đường mà còn thắp sáng niềm tin trong lòng mỗi người”.
Đặc biệt, ngay sau khi phương án tái thiết Làng Nủ được thống nhất, 6 hộ dân có đất canh tác trong khu vực quy hoạch tái định cư đã đồng lòng nhường đất. Gia đình bà Thu với hơn 2ha đất, cũng là người tiên phong hiến đất, trở thành tấm gương sáng để bà con noi theo.
Bà Thu chia sẻ: “Khi nghe về phương án tái thiết Làng Nủ, tôi hiểu rằng đây là cơ hội để tái thiết cuộc sống mới cho bà con. Việc hiến đất không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm đối với cộng đồng. Tôi muốn làm gương cho bà con, để họ thấy rằng chỉ khi chúng ta đoàn kết và chung tay, thì những thay đổi lớn lao mới có thể xảy ra. Làng Nủ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, và tôi tin rằng, nếu mỗi người dân đều góp một phần sức nhỏ, chúng ta sẽ xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu sau này”.
Dù không phải người dân tộc Tày, nhưng qua hơn hai thập kỷ sống giữa bà con, bà Thu đã xem văn hóa Tày như một phần máu thịt của mình. Từ những điệu hát Then, tiếng đàn tính đến trang phục truyền thống, bà luôn đau đáu nỗi lo rằng những giá trị ấy sẽ mai một theo thời gian.
“Văn hóa không chỉ là di sản của tổ tiên mà còn là linh hồn của cộng đồng. Nếu thế hệ trẻ không biết, không yêu và tự hào, thì tất cả sẽ chỉ còn lại trong ký ức”, bả Thu nói.
Không chỉ gìn giữ, bà Thu còn ấp ủ giấc mơ biến làng Nủ thành một điểm du lịch văn hóa. Trong giấc mơ của bà, du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh mà còn cảm nhận sâu sắc về văn hóa Tày qua từng món ăn, từng điệu Then, từng câu chuyện kể quanh bếp lửa.
“Tôi muốn Làng Nủ không chỉ thoát nghèo, mà còn tự hào đứng lên với bản sắc riêng của mình”, bà Thu mong mỏi.
Những năm tháng cống hiến không mệt mỏi của bà Thu đã khiến bà trở thành một biểu tượng, một người giữ lửa trong lòng bà con Làng Nủ. Những con đường sáng đèn, những cây cầu kiên cố, những lớp trẻ được dạy về văn hóa Tày – tất cả đều mang dấu ấn của bà.
Nhưng bà Thu không nhận mình là người làm nên những điều đó. Bà Thu tâm sự: “Tôi chỉ là người khơi nguồn. Điều kỳ diệu thực sự là ở sự đoàn kết và lòng tin của bà con. Khi mọi người cùng đồng lòng, chẳng có khó khăn nào là không thể vượt qua”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_04_16_51165846/6fbb6ebbb5f45caa05e5.jpg)
![Đồng bào Tày trong làng tụ họp để gói bánh chưng, lưu giữ văn hóa cổ truyền, tạo không khí đầm ấp, gắn bó. Ảnh: HẢI ĐĂNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_04_16_51165846/18791879c3362a687327.jpg)
Đồng bào Tày trong làng tụ họp để gói bánh chưng, lưu giữ văn hóa cổ truyền, tạo không khí đầm ấp, gắn bó. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Ở Làng Nủ hôm nay, câu chuyện về bà Thu không chỉ là câu chuyện của một người phụ nữ kiên cường, mà còn là lời nhắc nhở rằng, thay đổi bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. Một ngọn đèn, một cây cầu, một bàn tay chìa ra khi cần – tất cả có thể thắp sáng cả một cộng đồng.
Nhìn ánh mắt rạng rỡ của bà Thu khi kể về những ước mơ cho Làng Nủ, người ta hiểu rằng ngọn lửa mà bà đã thắp lên sẽ không bao giờ tắt. Nó sẽ tiếp tục cháy, soi sáng con đường cho cả làng, dẫn dắt họ vượt qua mọi khó khăn, để hướng tới một tương lai đầy hy vọng và tự hào.
Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Khánh cho biết: “Chị Thu là tấm gương sáng về sự tận tụy, hết lòng vì bà con Làng Nủ và là tấm gương sáng cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Suốt 20 năm qua, bà Thu là người duy nhất được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã - một sự công nhận cho lòng nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ trong mọi công việc chung. Khi bão lũ ập đến, bà Thu luôn là người có mặt sớm nhất để hỗ trợ, sẻ chia. Trong đời sống thường ngày, từ những việc nhỏ nhất như lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của từng người dân đến những quyết sách quan trọng vì sự phát triển của địa phương, bà Thu đều thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bà Thu là minh chứng cho lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Lời kết: Trong hành trình xây dựng một cộng đồng đoàn kết và phát triển giàu mạnh, những tấm gương bình dị mà cao quý như Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp; nữ đại biểu HĐND Trần Hoài Thu chính là những “ngọn đuốc sáng” chiếu rọi con đường đi lên của Làng Nủ. Chính bằng sự kiên trì, tận tụy trong công việc mà họ đã khơi dậy sức mạnh của cả một cộng đồng, cùng với đồng bào Tày ở Làng Nủ xây dựng bản làng ngày một khởi sắc.
Trên cương vị của mình, họ đã làm được điều giản dị nhưng vô cùng cao quý, thắp lên ngọn lửa hy vọng, niềm tin và tình yêu quê hương, khiến mỗi con đường, mỗi cây cầu, mỗi ánh đèn đều mang đậm dấu ấn của sự nỗ lực không mệt mỏi. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, mà còn gìn giữ những giá trị tinh thần, bảo vệ bản sắc văn hóa Tày, đưa Làng Nủ tiến dần đến mục tiêu trở thành một thôn kiểu mẫu, nơi hạnh phúc được xây dựng từ những điều giản dị nhất. Ngọn đuốc sáng ấy sẽ còn mãi soi đường cho thế hệ mai sau, tiếp tục giữ lửa yêu thương, đoàn kết, đưa Làng Nủ vững bước vào tương lai.