Lễ phát động thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc" được diễn ra ngày 11-11 tại Trường Tiểu học Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhằm hưởng ứng Kỷ niệm 70 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - 70 năm thành lập ngành Giáo dục Thủ đô.
Phó Trưởng phòng GDĐT quận Bắc Từ Liêm - thầy giáo Nguyễn Hữu Hải phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Trưởng phòng GDĐT quận Bắc Từ Liêm - thầy giáo Nguyễn Hữu Hải nhấn mạnh, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là môi trường hình thành nhân cách và phát triển tâm hồn cho thế hệ trẻ. Mô hình “Trường học hạnh phúc” hướng đến việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn - lành mạnh - thân thiện, nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa học sinh, giữa thầy và trò được trân trọng, bồi đắp mỗi ngày. Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà trường cần tiếp tục quan tâm, xây dựng trường học hạnh phúc bằng nhiều hoạt động sáng tạo như tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”; sân khấu hóa, trang trí lớp học, trường học; các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao…
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Diễn chia sẻ những sáng kiến trong hành trình xây dựng "Trường học hạnh phúc"
Chia sẻ những sáng kiến nhằm khơi gợi khả năng sáng tạo và hứng thú học tập cho học sinh với mong muốn nâng cao chất lượng dạy học, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Diễn cho biết: Trong hành trình xây dựng "Trường học hạnh phúc", bên cạnh việc tạo ra môi trường học tập an toàn và thân thiện, việc dạy, học và tổ chức các hoạt động giáo dục là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của mỗi nhà trường trong quá trình xây dựng "Trường học hạnh phúc”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút phát động phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc"
Một chương trình giảng dạy sáng tạo, phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh sẽ khơi dậy đam mê học hỏi, từ đó giúp các em không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn phát triển toàn diện về kỹ năng và nhân cách.
"Chúng tôi đã áp dụng sáng kiến khơi gợi khả năng sáng tạo và hứng thú học tập cho học sinh bao gồm: Xây dựng môi trường học tập hạnh phúc; thiết kế các sản phẩm học tập sáng tạo, thông qua đó lồng ghép giáo dục kĩ năng sống cho các em. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho giáo viên và học sinh thông qua các “góc thư giãn”, “không gian văn hóa”, “thư viện mở”… Những điều này không chỉ giúp giáo viên và học sinh được thoải mái mà còn tạo động lực học tập và khơi dậy hứng thú sau mỗi tiết học" - cô Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận các góc thư giãn, không gian văn hóa, thư viện mở nhằm khơi gợi khả năng sáng tạo và hứng thú học tập cho học sinh
Cảnh quan sân trường được bố trí hợp lý tạo không khí trong lành, gần gũi, thân thiện…
Phong trào văn hóa văn nghệ có vai trò quan trọng trong hoạt động của nhà trường
Các tiết mục múa hát do các em học sinh biểu diễn được duy trì vào những buổi sinh hoạt
Các cô giáo đều hát hay, múa giỏi và nhiệt tình cống hiến cho phong trào
Những hoạt động trải nghiệm giúp học sinh tiếp thu kiến thức và phát triển toàn diện về kỹ năng
Để xây dựng một trường học hạnh phúc, chúng ta cần lắm những môi trường an toàn, thân thiện như thế này
Điều này bao gồm việc giảm thiểu áp lực học tập, khuyến khích sự sáng tạo và khám phá
Hiện nay, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình, nhiều giải pháp sáng tạo
Các em được thỏa sức với đam mê trong không gian âm nhạc
Những góc trải nghiệm khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kỹ năng sống
Những hoạt động lồng ghép các một cách linh hoạt, sáng tạo giúp các tiết học sinh động hơn
Hạnh phúc với những ước mơ
Tập trung xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc chắc chắn sẽ không còn tình trạng bạo lực học đường
Để xây dựng một trường học hạnh phúc, cần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện và tích cực
Điều này bao gồm việc giảm thiểu áp lực học tập, khuyến khích sự sáng tạo và khám phá, cũng như phát triển kỹ năng sống cho học sinh
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố đồng thuận để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thành phố Hà Nội là thành phố học tập - trở thành thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu
Việc tiếp tục thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc là một trong những giải pháp để đưa mục tiêu này sớm trở thành hiện thực
Mô hình "Trường học hạnh phúc" sẽ tạo ra môi trường học tập và làm việc tích cực, thúc đẩy sự kết nối giữa nhà trường, gia đình, và xã hội, góp phần đào tạo những thế hệ học sinh vừa có tri thức vững chắc vừa có phẩm chất đạo đức tốt đẹp
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Chúng ta hãy cùng nhau hành động, sẻ chia trách nhiệm, hãy cùng chung tay kiến tạo “ Xây dựng trường học hạnh phúc”, để mỗi học sinh đều được yêu thương, được thể hiện và tôn trọng sự khác biệt, được khám phá tri thức trong xu thế hội nhập, xứng đáng là công dân Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến
Xây dựng "Trường học hạnh phúc” là một việc làm nhằm hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi như yêu thương, an toàn và tôn trọng. Nhằm xây dựng môi trường giáo dục Thủ đô an toàn, thân thiện, hạnh phúc; khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành, triển khai kế hoạch và Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
15 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc được bám sát theo các nội dung trọng tâm của UNESCO, đó là: Học sinh là trung tâm; khuyến khích sự phát triển toàn diện; tạo môi trường an toàn và thân thiện; xây dựng mối quan hệ tích cực; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kỹ năng sống.
Hiện nay, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình, nhiều giải pháp sáng tạo. Đó là các phong trào xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên; tạo nhiều sân chơi đổi mới, sáng tạo cho học sinh.
Lam Thanh