Những lưu ý kiểm tra, bảo dưỡng ô tô khi trời lạnh

Những ngày thời tiết lạnh giá như thế này hẳn nhiều người sẽ gặp tình trạng xe khó nổ máy, lốp xe non hơi khiến cho việc sử dụng xe khó khăn hơn bình thường. Lí do là gì và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Ô tô cũng như con người rất dễ gặp những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe khi thời tiết thay đổi. Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp nên các bộ phận thường xuất hiện nhiều biểu hiện lạ, sự co giãn không đều lớp nhựa, cao su từ các bộ phận trên xe sẽ ảnh hưởng đến an toàn. Do đặc thù sử dụng cao su nên lốp là bộ phận ảnh hưởng nhiều nhất khi thời tiết thay đổi. Với mùa hè, lốp thường xuyên giãn nở, về mùa đông lốp xe sẽ co lại như gỗ. Khi lốp co giãn vì thời tiết thay đổi thường dẫn đến hiện tượng nhanh xuống hơi dẫn đến lốp xe non nhanh hơn bình thường. Chủ xe cần phải thường xuyên giữ đúng áp suất lốp để việc di chuyển trên đường được an toàn hơn khi mưa gió hoặc trời lạnh.

Để đảm bảo an toàn cho cả người và xe, tài xế nên thường xuyên kiểm tra áp suất lốp, chú ý đèn cảnh báo áp suất lốp trên bảng đồng hồ hoặc đơn giản là để ý bằng mắt thường, nếu thấy lốp hơi lõm, xẹp xuống khiến thành lốp dễ bị ăn mòn, và khi lốp non sẽ dễ bị thủng săm hơn. Nếu chưa biết thông số áp suất tiêu chuẩn của nhà sản xuất yêu cầu với lốp, có thể xem thêm ở cánh cửa bên phía tài xế hoặc một số xe sẽ ghi ở nhãn dán năng lượng trên kính cửa sổ của xe. Thừa áp suất, lốp quá căng sẽ có hình tròn khiến mặt tiếp xúc của lốp với mặt đường ít, độ bám đường thấp, không thích hợp khi di chuyển ở tốc độ cao.

Những lưu ý kiểm tra, bảo dưỡng ô tô khi trời lạnh. Ảnh: Sưu tầm.

Cùng với việc kiểm tra áp suất lốp, người dùng cũng nên kiểm tra cả độ sâu gai lốp vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bám đường của lốp xe, bởi những ngày lạnh dễ kèm theo mưa nhỏ gây hiện tượng đường trơn trượt. Ngoài ra, nếu thường xuyên sử dụng xe ở những khu vực núi cao hay xảy ra hiện tượng băng giá thì có thể cân nhắc chuyển sang sử dụng lốp bốn mùa hoặc lốp mùa đông. Lốp xe mùa đông thường được thiết kế rãnh cắt sâu hơn, có xu hướng đem lại sự ma sát cao hơn với mặt đường để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển.

Ngoài ra, tài xế cũng nên chú ý vệ sinh sạch sẽ bugi, lọc gió, lọc dầu để tránh các vấn đề về động cơ trong những ngày thời thiết giảm sâu.

Cần gạt mưa là bộ phận có cấu tạo cao su ở lớp gạt mưa nên dễ bị lão hóa khi thời tiết khắc nhiệt. Theo khuyến cáo của những người có kinh nghiệm về ô tô, cần gạt mưa cần được sử dụng kèm theo nước có chất tẩy rửa để quá trình làm sạch được nhanh hơn, lớp cao su sẽ có tuổi thọ tốt. Đồng thời, luôn đảm bảo lượng nước rửa kính đầy đủ vào mùa đông. Ngoài ra, cần gạt mưa ô tô cũng cần phải được thay thế đúng thời gian theo khuyến cáo của nhà sản xuất là 6 tháng một lần, nếu xe để ngoài trời hoặc di chuyển nhiều, thời gian trên sẽ được rút ngắn lại và cần thay sớm.

Thời tiết lạnh thường kèm theo sương mù khiến tầm nhìn lái xe bị hạn chế, do đó hệ thống đèn pha, đèn chiếu sáng hay đèn sương mù cần được kiểm tra để không bị gặp trục trặc khi di chuyển. Bộ phận nên kiểm tra nằm ở giắc cắm giống như đầu cực của ắc-quy dễ bị gỉ nên cần được làm sạch để hệ thống điện tiếp xúc tốt, ổn định chiếu sáng.

Một lưu ý nhỏ là chủ xe nên hạn chế đỗ xe ở những nơi có nhiệt độ quá thấp để tránh tình trạng chiếc xe khó khởi động sau đó. Nếu buộc phải dừng đỗ xe lâu thì cứ 30 phút hoặc một tiếng nên nổ máy một lần để làm nóng động cơ.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-luu-y-kiem-tra-bao-duong-o-to-khi-troi-lanh-216253.htm