Những loại thực phẩm và đồ uống tồi tệ nhất cho chứng lo âu
Thịt đã qua chế biến, thực phẩm và đồ uống có đường, rượu, nước tăng lực,... có thể góp phần gây ra chứng lo âu.
Maggie Michalczyk, một chuyên gia dinh dưỡng tại Chicago cho biết, một số loại thực phẩm có thể góp phần gây ra lo lắng hoặc kích hoạt cảm giác như vậy bằng cách làm tăng lượng đường trong máu.
Michalczyk nói: “Khi bạn ăn thứ gì đó có nhiều đường, nó sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến và sau đó giảm nhanh hơn so với khi bạn ăn thứ gì đó cân bằng hơn với protein, carbs và chất béo. Sự tăng và giảm đột biến này có thể làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng và cảm thấy gần giống như một cơn hoảng loạn đối với một số người."
Bánh ngọt, bánh quy, kẹo, bánh nướng, nước ngọt và các loại thực phẩm có đường khác có thể dẫn đến tăng đột biến lượng đường trong máu như vậy.
Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm mà nhiều người tiêu thụ trong thời gian căng thẳng có thể gây ra lo lắng.
Tiến sĩ Daniel Devine, đồng sáng lập của Devine Concierge Medicine cho biết: "Thực phẩm chế biến nhiều như bánh mì, bánh ngọt, thịt chế biến sẵn, pho mát và các thực phẩm chế biến sẵn gây ra lo lắng bằng cách làm tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Những thực phẩm này có ít chất xơ và được cho là có thể làm rối loạn hệ vi sinh vật bình thường trong ruột."
"Chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế và chất béo dẫn đến mức độ viêm tổng thể cao trong cơ thể, đến hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Điều đó dẫn đến mức độ lo lắng lớn hơn."
Dưới đây là những loại thực phẩm, đồ uống nên hạn chế tiêu thụ để giảm lo lắng:
Bánh ngọt, bánh quy, kẹo và bánh nướng
Theo US News Health, thực phẩm giàu đường có thể tạo ra đột biến lượng đường trong máu, điều này có liên quan đến sự lo lắng.
Tránh xa thực phẩm có thêm đường hoặc dự trữ chúng cho những bữa ăn đặc biệt, không nên tiêu thụ thường xuyên. Nếu bạn muốn một thứ gì đó ngọt ngào, hãy thử trái cây tươi, như quả việt quất , đào, mận, anh đào, quả hồng,...
Đồ uống có đường
Soda và nước ép trái cây thường chứa nhiều đường. Chẳng hạn như, một lon nước ngọt 360 ml có thể chứa 8 - 13 thìa cà phê đường, tùy thuộc vào loại.
Nhiều loại nước ép trái cây cũng chứa nhiều đường, nhưng không chứa lượng chất xơ trong trái cây. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa của bạn, giúp bạn tránh tăng đột biến lượng đường trong máu.
Thịt chế biến, pho mát, thực phẩm chế biến sẵn
Những thực phẩm này có liên quan đến chứng viêm, có thể tạo ra lo lắng.
Tiến sĩ Daniel Devine cho biết, những loại thực phẩm này cũng chứa ít chất xơ và được cho là có thể làm rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột của bạn thường là một hỗn hợp đa dạng của các vi sinh vật sống trong ruột. Một hệ vi sinh vật khỏe mạnh giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Cà phê, trà và nước tăng lực
Đồ uống có chứa caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà và nước tăng lực, có thể làm tăng lo lắng.
Devine nói: “Bạn càng tiêu thụ nhiều caffein, thì càng có nhiều khả năng lo lắng bùng phát”.
Nghiên cứu cho thấy rằng những tác động này xảy ra phổ biến nhất ở những người tiêu thụ hơn 5 tách cà phê mỗi ngày. Caffeine kích hoạt các thụ thể adenosine trong hệ thần kinh ngoại vi và trung ương. Adenosine có liên quan đến việc điều hòa phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" của cơ thể.
Chất làm ngọt nhân tạo
Có những tác động đến sự lo lắng từ chất làm ngọt nhân tạo và soda ăn kiêng hoặc đồ uống khác được bán dưới dạng không đường. Mặc dù chúng có thể ổn đối với một số người, nhưng những người khác có thể bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo một báo cáo được đăng trên tạp chí Frontiers in Psychiatry, chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến các vấn đề tâm thần kinh, bao gồm cả lo lắng.
Rượu
Uống rượu thường xuyên có thể dẫn đến giấc ngủ rời rạc và lượng đường trong máu tăng đột biến, đặc biệt nếu bạn uống lúc đói. Uống rượu quá mức có thể dẫn đến mất nước và các triệu chứng nôn nao về thể chất, có thể dẫn đến lo lắng.
Nói chung, các triệu chứng nôn nao như mất nước, ngủ không ngon giấc, cạn kiệt vitamin B do uống rượu đều có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và bồn chồn, theo US News Health.