Nghĩa trang phường Phúc Đồng (quận Long Biên) lọt trong một bùng binh giao thông giữa hàng loạt dự án cao cấp như nhà ở liền kề, chung cư hay biệt thự. Đây là một trong nhiều khu dân cư ở Hà Nội có nghĩa trang ở xung quanh.
Khu vực nghĩa trang Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì bị chia đôi bởi một con đường nhỏ, nơi có lưu lượng xe cộ qua lại khá đông mỗi ngày.
"Nghĩa trang Yên Xá nằm sát 2 tòa chung cư cao cấp của Viện Quân y 103. Hàng chục hộ dân ở đây thường phải chứng kiến cảnh nghi ngút khói hương bên ngoài cửa sổ. Căn hộ 80m2 tôi thuê một tháng hơn 10 triệu đồng mà cứ đến dịp rằm hay mùng 1 âm lịch, nhìn từ phòng khách ra thấy rất đông người đi thăm mộ", chị Quỳnh Anh, cư dân căn hộ CT2 nói.
"Nghĩa trang này có từ hồi tôi còn nhỏ. Cứ đến giờ tan tầm là đông xe cộ, đường nhỏ chỉ đủ cho hai ôtô con tránh nhau. Riêng xe tải đi qua là bị ùn tắc", anh Hoàn, thợ cắt tóc cạnh nghĩa trang Yên Xá chia sẻ.
Tại làng Cót, phường Yên Hòa có hai nghĩa trang lớn lọt thỏm trong các khu dân cư. Nhà của nhiều hộ dân nằm sát các ngôi mộ. Có những nhà, khi người dân mở cửa chính hoặc cửa sổ ra là thấy "nơi an nghỉ cuối cùng".
Nghĩa trang Hoa Bằng, phường Yên Hòa lọt thỏm giữa những cao ốc. Nhờ có nhiều cây cối mọc um tùm, các ngôi mộ bị che khuất nên người dân bớt phần nào cảm giác sợ hãi.
Các hộ dân nằm sát vách nghĩa trang phải tận dụng cả diện tích xung quanh ngôi mộ để sinh hoạt như phơi quần áo, tập thể dục, vui chơi giải trí.
Bà Thoan (ở Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) đã phải đặt mua miếng đất tại khu vực quận Cầu Giấy để làm phần mộ cho người nhà mình do các nghĩa trang gần nhà bà đã kín chỗ. Bà Thoan chia sẻ, chi phí cho một suất mộ phần ở các công viên nghĩa trang ngoại thành Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận quá cao và phải đi xa. "Để mộ ở nội thành cho gần, dễ dàng cho việc đi lại và chăm nom", bà nói.
Nghĩa trang này chỉ có duy nhất một lối đi. Nếu muốn vào bên trong, người dân phải tự trèo qua các phần mộ khác. "Cứ đến mùa mưa bão, gia đình tôi lại phải ra cơi nới, sửa chữa cho phần mộ nhà mình. Nước lên kèm với rác cuốn vào khiến mùi khó chịu bốc lên", ông Hùng nói.
Tại khu dân cư khác nằm trong một ngõ nhỏ ở phố Cầu Giấy, cảnh sinh hoạt, làm việc ngay bên các ngôi mộ không còn là lạ nhiều năm qua. Chị Hạnh cho biết gia đình mình đã sinh sống ở đây tới ba đời. Hàng ngày, các công việc như vo gạo hay nhặt rau chị vẫn tận dụng ánh sáng đèn đường để làm.
Nam và Tiến làm nghề chạy xe ôm tại khu vực Cầu Giấy và thuê trọ một căn nhà nhỏ 20m2 sát các ngôi mộ. "Vì giá rẻ nên tôi chấp nhận. Thời gian đầu hai anh em vẫn còn hơi sợ nhưng giờ cũng đã quen dần", Tiến chia sẻ.
Ông Từ cho biết, cuộc sống sinh hoạt của gia đình ông gắn liền với các ngôi mộ từ vài chục năm trước. Ở đây chỉ có một nghĩa trang của làng nên sau khi hết đất, các phần mộ cho người dân thế hệ gần đây phải đặt ở khu làng Cót, phường Yên Hòa. "Những người nằm dưới đó đều là dân trong làng. Nhà tôi ở đây nhưng phần mộ của bố mẹ tôi, thậm chí cả vợ chồng tôi cũng đã đặt mua sẵn tại công viên nghĩa trang ở Ba Vì. Tôi thấy mô hình đó rất văn minh và lại mang lại cảnh quan tốt cho đô thị", ông Từ nói.
Gia đình anh Tân sống tại phường Quan Hoa đã tới 4 thế hệ. Bé Tin, con trai anh Tân có tuổi thơ gắn liền với các ngôi mộ. "Gia đình tôi gần như là dân làng gốc tại đây. Các ngôi mộ đầu tiên là của người trong làng nhưng từ lâu, diện tích sử dụng tại đấy cũng cạn kiệt nên không có thêm phần mộ mới. Nhiều người từ khắp nơi đến đây có thể chưa quen nhưng với tôi nghĩa trang này gắn liền với gia đình, cho nên có cảm giác rất thân thuộc mà không hề sợ hãi", anh Tân chia sẻ.
Minh Hoàng