Những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững ở tỉnh Sóc Trăng

Bằng nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương, sự phối hợp lồng ghép của các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, năm 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng đã giảm hơn 4.000 hộ nghèo, giảm gần 4.600 hộ cận nghèo.

Sau hơn 16 năm lập gia đình sinh sống trong căn nhà tạm bợ, có lẽ đây là năm đầu tiên anh Lý Xanh, ấp Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng được hưởng niềm vui phấn khởi trong mái ấm mới. Mái ấm vững chắc từ được hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 như tiếp thêm động lực để anh Xanh và chị Lan thêm quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Anh Xanh tâm sự: “Ngôi nhà là điểm tựa để gia đình sớm vươn, yên tâm làm ăn, lo kinh tế, chăm lo các con ăn học đến nơi, đến chốn”.

Nhiều mô hình chuyển đổi ngành nghề giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập

Nhiều mô hình chuyển đổi ngành nghề giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập

Hay như ông Kim Cươl ở khóm Wath Pích, Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, trước đây gia đình khó khăn, nhà cửa dột nát, cứ trời mưa gió là rất khổ. Mới đây, được nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, đồng thời được xét vay ngân hàng CSXH 40 triệu đồng cùng với tiền dành dụm được ít chung vào, ông xây dựng được căn nhà khang trang nên bây giờ yên tâm làm ăn. Vui mừng hơn là gia đình ông còn được xét để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, giúp gia đình ông có việc làm và có thêm thu nhập.

Ông Kim Cươl cho biết: “ Đối với chuyển đổi ngành nghề thì tham gia làm cùng con với việc đóng tủ, bàn, ghế, chân võng… nói chung khách đặt đóng gì thì mình làm đó. Từ lúc được hỗ trợ chuyển đổi nghề, thu nhập gia đình cũng có thường xuyên, không cần phải đi làm thuê đây, đó nữa”.

Năm 2024 này, toàn tỉnh Sóc Trăng giảm hơn 4000 hộ nghèo và giảm gần 4600 hộ cận nghèo. Hiện nay, toàn tỉnh còn gần 4500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34 %, hộ cận nghèo, toàn tỉnh còn hơn 17.000 hộ, chiếm tỷ lệ 5,1%. Kết quả này nhờ sự đầu tư từ nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương, sự phối hợp lồng ghép của các chương trình, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Hộ nghèo, gia đình còn khó khăn được hỗ trợ nhà ở

Hộ nghèo, gia đình còn khó khăn được hỗ trợ nhà ở

Ông Trần Trí Vân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu cho biết, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thị xã Vĩnh Châu được đầu tư hơn 318,5 tỷ đồng để triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó, đã hỗ trợ nhà ở 693 hộ; hỗ trợ đất ở cho 84 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.053 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 503 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất với 56 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cùng hàng chục công trình lộ, cầu giao thông, chợ nông thôn... từ đó, giúp đời sống đồng bào Khmer tại địa phương không ngừng nâng cao.

“Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có đông đồng bào DTTS, vùng biên giới biển, còn nhiều khó khăn, do vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của thị xã cụ thể hóa kịp thời, nghiêm túc và có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương; tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc, nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững”, ông Trần Trí Vân nhấn mạnh.

Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng ông Đặng Thanh Quang, cho biết thêm, xác định giải quyết việc làm là nội dung quan trọng góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm hộ nghèo, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh, sở đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, với sự thông thoáng, ưu đãi từ Nghị quyết số 02 ngày 11/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, số lượng người lao động của Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gia tăng đáng kể. Toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 32.000 người, đạt gần 113% kế hoạch; trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 544 người, đạt hơn 155% kế hoạch.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cũng theo ông Quang, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đưa người làm việc ở nước ngoài đã ký ghi nhớ với tỉnh như là SHD và đang liên hệ các thủ tục để ký ghi nhớ hợp tác như cty Egroup. Cty HDU… chủ yếu là thị trường Đức. Và hiện nay trường trung cấp Việt – Nhật đã hoàn thành tất cả các thủ tục để đi vào hoạt động, hiện trường đang sửa chữa và dự kiến cuối tháng 12 sẽ công bố đi vào hoạt động, quý 1 năm 25 sẽ mở 3 lớp với khoảng 100 học viên, và quý 3 năm 2025 sẽ chiêu sinh khoảng 300 học viên nữa.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, nhấn mạnh, sự quyết liệt, khẩn trương, kịp thời, hiệu quả trong huy động, lồng ghép các nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Ước giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2024 của tỉnh là 1%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer là 2%, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới, làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-ket-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-o-tinh-soc-trang-post1141486.vov