Những kết quả nổi bật của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2020
Năm 2020, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó đạt nhiều kết quả ấn tượng trên nhiều phương diện.
Trong đó, nhiều kết quả đã tạo dấu ấn rõ nét, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao vị thế ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở trong nước cũng như quốc tế.
Dưới đây là những kết quả nổi bật của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được trong năm 2020:
Một là, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh COVID-19 và bão lũ liên tiếp tại miền Trung - Tây Nguyên đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, luôn đổi mới sáng tạo hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.
Diện bao phủ Bảo hiểm xã hội được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 90% so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015; số người tham gia Bảo hiểm y tế khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015.
Đặc biệt, chỉ tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế có bước tăng trưởng ấn tượng: So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%.
Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân và về đích trước thời hạn.
So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.
Có được kết quả nổi bật nêu trên trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đây chính là những hành động thiết thực ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, công tác đảm bảo quyền lợi người tham gia và thụ hưởng chính sách luôn được thực hiện chính xác, kịp thời, linh hoạt, thuận tiện.
Đảm bảo quyền lợi người tham gia và thụ hưởng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và luôn được Ngành thực hiện chính xác, kịp thời, linh hoạt và thuận tiện.
Đặc biệt, năm 2020, trước tình hình dịch bệnh, thiên tai phức tạp, để quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách được đảm bảo tốt nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn trăn trở, theo sát diễn biến tình hình thực tế, kịp thời thực hiện các giải pháp linh hoạt trong giải quyết, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Trong điều kiện cách ly, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp linh hoạt trong giải quyết, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế như: Chi trả lương hưu tại nhà; linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế; cấp thuốc Bảo hiểm y tế cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…
Trong bối cảnh bão lũ liên tiếp tại Miền Trung-Tây Nguyên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội 10 tỉnh, thành phố theo sát diễn biến tình hình, kịp thời thăm hỏi, nắm bắt tình hình và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia; đặc biệt người có thẻ Bảo hiểm y tế tại các tỉnh này có thể sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay thế thẻ Bảo hiểm y tế giấy để đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Trong năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới Bảo hiểm xã hội hàng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tăng 27,1% so với năm 2015; hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 91,2% so với năm 2015;...
Duy trì việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho trên 3,2 triệu người (trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân).
Trong khi mức đóng Bảo hiểm y tế bình quân ở nước ta chỉ khoảng 1,1 triệu đồng (so với các nước trong khu vực như Philippines, chúng ta chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4), nhưng số chi từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người tham gia luôn chiếm tỷ lệ cao trong chi phí khám, chữa bệnh.
Trong năm, quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho gần 167,3 triệu lượt người, tăng 28,4% so với năm 2015.
Ba là, Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố “Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động.
Thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương, hướng tới xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Nhằm tiếp tục cung cấp những dịch vụ tiện ích nhất phục vụ người dân, ngày 16/11/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức công bố ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên thiết bị di động.
Đây chính là bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần xây dựng quốc gia số, xã hội số của Chính phủ.
Ứng dụng VssID cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, thẻ Bảo hiểm y tế, dịch vụ hỗ trợ 24/7, Tổng đài hỗ trợ khách hàng 1900.9068....
Đến nay, đã có gần 300 nghìn lượt cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Ứng dụng đã được đông đảo người lao động đón nhận và đánh giá cao; coi như một người bạn đồng hành thân thiết trong suốt quá trình tham gia, thụ hưởng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai tích hợp các dịch vụ công, tiện ích thanh toán trực tuyến trên ứng dụng VssID… để người dân có thể giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.
Bốn là, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các dịch vụ công (DVC) trực tuyến.
Ngày 15/12/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản số 3968/BHXH-CNTT triển khai bổ sung 09 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của Ngành.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 cho tất các thủ tục hành chính của Ngành.
Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận và ủng hộ.
Người dân chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet là có thể thực hiện các dịch vụ công của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chủ động tích hợp, cung cấp 15 DVC mức độ 4 của Ngành, dịch vụ công liên thông với các Bộ, Ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Dự kiến trong quý I/2021, sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% dịch vụ công mức độ 4 của Ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tính đến ngày 23/12/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó: Tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất cho 2.616 trường hợp; 5.859 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho 4.022 trường hợp; đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 1.706 trường hợp; đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 131 trường hợp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19.
Các dịch vụ công cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất; đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế hộ gia đình, thanh toán trực tuyến nộp tiền đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện… là những dịch vụ công mức độ 4 được nhiều người thực hiện nhất.
Việc hoàn thành cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 là một trong những thành tích nổi bật, thể hiện sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn với những lợi ích thiết thực, thân thiện.
Năm là, ngày 4/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Toàn ngành đã được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ở Trung ương đã giảm từ 24 đơn vị trực thuộc xuống còn 21 đơn vị (giảm 03 đơn vị cấp Ban), không tổ chức cơ cấu cấp phòng tại 04 đơn vị (giảm 13 đơn vị cấp Phòng); Cơ cấu, kiện toàn lại và thành lập Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng - để giải đáp, hỗ trợ, tư vấn chế độ chính sách cho người tham gia, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28.
Ở địa phương đã giảm 65 đầu mối cấp Phòng trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh; giảm 58 Bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh đóng trên địa bàn...
Sáu là, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thành công: Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam lần thứ V.
Đảng bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025
Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Đại hội đã phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; phấn đấu xây dựng ngành ngày càng phát triển, đóng góp nhiều thành tựu cho sự nghiệp an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Phát huy dân chủ, bám sát quy định về bầu cử trong Đảng, tại Đại hội, các đại biểu đã lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 26 đồng chí, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định, tiêu biểu cho trên 500 đảng viên trong toàn Đảng bộ, thể hiện được tính liên tục, kế thừa và đổi mới.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã họp Phiên họp lần thứ nhất, tiến hành bầu: Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 06 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Tiếp đó, cũng trong năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam lần thứ V.
Đại hội đã tổng kết, đánh giá kết quả, thành tựu phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho 1.400 tập thể trong toàn ngành.
Các phong trào thi đua được Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát động kịp thời, với nội dung thiết thực, sát với tình hình thực tiễn tại cơ sở, qua đó góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn Ngành.
Công tác thi đua khen thưởng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang có nhiều đổi mới tích cực, thực sự trở thành động lực thúc đẩy tập thể, cá nhân trong toàn Ngành nỗ lực vươn lên, vượt mọi khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao trình độ, kỹ năng, thay đổi tác phong phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành.
Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế làm trung tâm phục vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, đưa công nghệ thông tin vào các quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết; thực hiện công khai 27/27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Kết quả các thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính trong nội bộ ngành được đẩy mạnh. Đến nay, toàn bộ văn bản đến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được số hóa, xử lý văn bản qua phần mềm trong phạm vi toàn Ngành, thực hiện mục tiêu văn phòng không giấy tờ, tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành văn bản trong toàn ngành.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực thi nhiệm vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ trong toàn Ngành.
Tám là, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chung tay phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng cả nước hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt.
Năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chung tay cùng cả nước góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19, khắc phục khó khăn do bão lũ liên tiếp tại miền Trung - Tây Nguyên.
Ngoài việc nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành đã tự nguyện đóng góp với số tiền 2 tỷ đồng để ủng hộ “Quỹ phòng chống dịch COVID-19”.
Chia sẻ với những khó khăn do bão lũ gây ra với Nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: tổ chức phát động quyên góp tự nguyện với số tiền 1 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ; tổ chức 5 đoàn công tác do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn tới thăm hỏi, tặng quà và tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân tại các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ thiết thực cho Nhân dân trong tình hình dịch bệnh, bão lũ tác động sâu sắc tới đời sống, sức khỏe của người dân, trong năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã huy động được gần 11,6 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ tự nguyện của tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành và nguồn ủng hộ của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân tại 22 tỉnh, thành phố để kịp thời trao tặng gần 73,5 nghìn thẻ Bảo hiểm y tế và 940 sổ Bảo hiểm xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 22 địa phương. Qua đó góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta.
Chín là, hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thành công Lễ ra quân trên phạm vi toàn quốc.
Năm 2020 là năm đầu tiên Chính phủ chính thức lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân theo quy định tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Hưởng ứng tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân, lần đầu tiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên phạm vi cả nước.
Và đến tháng 7/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam - tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Kết quả, qua 2 Lễ ra quân, toàn Ngành đã vận động, phát triển được 62.522 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và 71.300 người tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình, góp phần đẩy nhanh lộ trình tiến tới Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn dân.
Với việc tổ chức đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, từ Trung ương tới cấp tỉnh và huyện, 02 Lễ ra quân đã tạo được dấu ấn trực quan trong việc nhận diện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích, tính nhân văn của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; tạo thêm sự yên tâm, tin tưởng khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình; góp phần khẳng định hình ảnh, vị thế của cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Mười là, Bảo hiểm xã hội Việt Nam - 25 năm xây dựng và phát triển.
Để nhìn lại các thành tựu sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và ghi nhận những thành tựu nổi bật trong tổ chức thực hiện các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam suốt 25 năm qua, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Quỹ Bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia Bảo hiểm xã hội.
Số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, vượt mục tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và hướng tới bao phủ Bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TWcủa Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.