Những hệ lụy khôn lường

Những câu chuyện của người trong cuộc cho thấy, việc xuất cảnh trái phép đi lao động tại nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn đối với người lao động cũng như chính quyền các cấp. Sự nghèo khó cộng với thiếu việc làm đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh chấp nhận rủi ro. Cá biệt, một số lao động còn bị các đối tượng xấu câu móc, lôi kéo thực hiện những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn, song rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền để người dân có việc làm sinh sống chính đáng mà vẫn tự bảo vệ mình.

Kỳ 1: Người lao động tự chuốc lấy rủi ro

Kỳ 2: Giúp người dân thay đổi nhận thức

Có chăng một giải pháp hữu hiệu?

Để có được một biện pháp thực sự hữu hiệu cho vấn đề lao động xuất cảnh trái phép sang làm việc tại Trung Quốc là điều không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của người dân ở mỗi địa phương có sự khác biệt. Những nguyên nhân chính dẫn đến trào lưu này đã rất rõ ràng. Bởi, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Việc xuất khẩu lao động chính ngạch vượt quá khả năng của những gia đình nông dân, ngư dân vì phải đóng mức chi phí rất cao so với mức thu nhập của họ, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn đạt chuẩn và quản lý giờ làm việc nghiêm ngặt, người dân còn thiếu thông tin về lao động, việc làm... Không còn cách nào khác, người lao động đành lựa chọn con đường "lao động chui".

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp người dân thay đổi nhận thức.

Thực tế những năm gần đây, địa bàn biên giới nước bạn đang đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Đồng thời, chính quyền nước bạn có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các dự án trồng cây nông, lâm nghiệp nên nhu cầu lao động phổ thông là rất lớn. Tiền thù lao trả cho một ngày công lao động tại nước bạn cao hơn nước ta nên người dân có sự so sánh và tăng ý định đi làm thuê cho bạn. Ông Mai Ngọc Hướng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, hiện, Trung Quốc chưa có luật nhập khẩu lao động nên phía bạn không khuyến khích người Việt Nam sang làm thuê. Song, họ vẫn cho phép người Việt Nam dùng sổ thông hành sang lao động trong các lĩnh vực nông - lâm, xây dựng, khai khoáng ở khu vực biên giới. Người Việt sang làm thuê chịu khó hơn và không đòi hỏi nhiều quyền lợi nên các chủ sử dụng lao động thích thuê người Việt Nam hơn. Nhưng do trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế nên việc đi làm thuê còn mang tính tự phát. Khi bị bắt, lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức đẩy đuổi qua các lối mòn biên giới, chỉ số ít được trao trả qua các cửa khẩu.

Trung tá Phạm Ngọc Thủy, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn BP Phó Bảng, BĐBP Hà Giang là người thường xuyên hội đàm với lực lượng Bảo vệ biên giới Trung Quốc nhận định rằng, phía bạn cũng rất bức xúc với tình trạng này, nhất là khi trên địa bàn họ quản lý xuất hiện hàng trăm người lạ mặt, không đăng ký nhập cảnh. Đặc biệt là các đối tượng phạm tội nước ta giả dạng người đi làm thuê để tạm trú bất hợp pháp, hoạt động phi pháp trên địa bàn họ quản lý. Ngoài ra, do chưa có thỏa thuận của các cơ quan chức năng giữa hai nước nên trong quá trình lao động, người Việt thường bị quỵt tiền lương, bị ngược đãi hay tai nạn, tử vong thì do chủ lao động và người lao động tự thỏa thuận, cơ quan chức năng không can thiệp.

Đầu năm 2013, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị về quản lý lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc và xuất khẩu lao động tại 4 huyện biên giới phía Bắc tỉnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra giải pháp cụ thể như đề xuất với Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là đối với các xã biên giới giáp với Trung Quốc; phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản thỏa thuận, khung pháp lý để các địa phương làm căn cứ đàm phán với các địa phương của Trung Quốc có nhu cầu sử dụng lao động, tạo thuận lợi cho người Việt Nam sang Trung Quốc làm việc hợp pháp... Chủ động ký kết hợp tác lao động giữa Việt Nam và Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời quản lý, kiểm soát được tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm việc. Nhanh chóng tiến hành thỏa thuận với phía Trung Quốc về việc quản lý, sử dụng lao động người Việt Nam, thống nhất với phía Trung Quốc các thủ tục, giấy tờ mà người lao động cần có để sang Trung Quốc làm việc...

Được biết, hiện, một số tỉnh biên giới Việt - Trung đã triển khai các thỏa thuận giữa hai tỉnh đối diện về việc quản lý và bảo vệ người lao động Việt Nam sang lao động trái phép tại Trung Quốc, song hoạt động này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Chung tay giúp dân "lạc nghiệp"

Thực tế, nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ việc đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, kéo theo hàng loạt nguy cơ. Làm thế nào để giúp dân thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết pháp luật vẫn luôn là giải pháp được đề xuất hàng đầu. Đại tá Lò Văn Bích, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Công an tỉnh cũng đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, BĐBP tăng cường tuyên truyền, vận động bà con không xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, nhiều người dân do kinh tế khó khăn, vẫn tranh thủ những ngày nông nhàn sang Trung Quốc với lý do thăm người thân và ở lại làm thuê tại một số đồi nương, trang trại".

Hiện, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về Quy chế bảo vệ biên giới, giúp họ nhận thức được việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc là vi phạm pháp luật, khi bị phát giác sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Thậm chí, người lao động sẽ bị bắt giam, phạt tiền và trục xuất về nước trong cảnh trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Trong hoạt động tuyên truyền, những nhân chứng như các hộ dân ở xã Bản Lang cũng được phát huy để kể lại những thủ đoạn và tác hại của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Đồng thời, khuyến nghị người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những lời rủ rê để kiên quyết từ chối và báo cáo với chính quyền, lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý.

Những mô hình chuyển đối cơ cấu cây trồng sẽ giúp bà con yên tâm lao động trên quê hương.

Tại các tỉnh nội địa, nhiều đối tượng có hành vi câu móc, lôi kéo người xuất cảnh trái phép đã bị đưa ra xử lý trước pháp luật. Nhiều đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động như Trần Thị Hạnh, Nguyễn Xuân Đức (bị cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố vì tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép) đã rất ân hận khi đẩy bản thân vào vòng lao lý và khiến nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh túng quẫn, người lao động bị lợi dụng và xâm hại...

Cùng với hoạt động tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các lực lượng Công an, đồn BP và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội kịp thời ngăn chặn không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép, đồng thời vận động những người đang cư trú và làm ăn trái phép ở nước ngoài về nước. Tại các vùng biên, vùng giáp ranh, cần tăng cường quản lý chặt chẽ về an ninh hơn nữa để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép ra nước ngoài làm việc.

BĐBP các tỉnh biên giới phía Bắc đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành và các huyện trong công tác xây dựng chính sách, các chương trình, đề án nhằm tạo sự gắn kết giữa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ, nhất là các hộ có ít đất sản xuất, các hộ giáp biên; làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại, phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng phía đối diện trong việc quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị... để người dân có thể yên tâm lao động sản xuất trên chính mảnh đất của mình.

Giúp người dân "lạc nghiệp" trên quê hương mình là điều không đơn giản, song đó là cách làm hiệu quả và bền vững nhất để giải quyết tình trạng xuất cảnh trái phép hiện nay.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-he-luy-khon-luong-v7s/