Những góc khuất đằng sau chương trình thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản
Một phụ nữ Campuchia 23 tuổi, được hứa hẹn sẽ có con đường phát triển kỹ năng chuyên môn và tương lai tốt đẹp hơn ở Nhật Bản, nhưng thay vào đó, cô lại bị mắc kẹt trong cơn ác mộng.
Được tuyển dụng theo chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật của đất nước, cô cáo buộc rằng mình đã bị người quản lý trang trại dâu tây nơi cô làm việc cưỡng hiếp nhiều lần, bị ép phá thai và bị đe dọa trục xuất nếu cô chống cự.
Vào thứ Hai, cô đã đệ đơn kiện tại Tokyo, yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 80 triệu yên (tương đương 521.700 USD). Các tổ chức nhân quyền cho rằng vụ việc này đã làm rõ sự bóc lột trong chương trình thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản, vốn đang gây ra nhiều sự chỉ trích.
Trong các tài liệu tòa án, người phụ nữ giấu tên cáo buộc rằng người quản lý 58 tuổi của trang trại đã cưỡng hiếp cô "gần như hàng ngày" từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023. Mặc dù cô đã phá thai, các cuộc tấn công tình dục vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, người quản lý này đã phủ nhận các cáo buộc và khẳng định rằng những hành vi này là tự nguyện.
Đáng chú ý, đây không phải trường hợp duy nhất. Hai phụ nữ Campuchia khác làm việc tại cùng trang trại cũng tham gia vụ kiện, cáo buộc bị chính người đàn ông này tấn công tình dục. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng đây là ví dụ điển hình về sự bóc lột trong một hệ thống mà những lao động nước ngoài dễ dàng trở thành nạn nhân của lạm dụng, và đã gọi chương trình này là một dạng "nô lệ thời hiện đại".
Chương trình đào tạo thực tập sinh nước ngoài, được ra đời từ năm 1993, ban đầu nhằm mục đích giúp lao động từ các quốc gia đang phát triển học hỏi kỹ năng nghề nghiệp để trở về xây dựng đất nước mình. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động cho rằng thực tế, chương trình này lại trở thành công cụ để thu hút lao động giá rẻ, dễ bị bóc lột.
Các nhà tuyển dụng bị cáo buộc trả lương thấp, ép thực tập sinh làm thêm giờ không lương và sống trong điều kiện tồi tệ. Thêm vào đó, việc quy định visa chỉ cho phép lao động làm việc cho một chủ lao động duy nhất khiến thực tập sinh gần như không có khả năng thay đổi công việc nếu bị lạm dụng.
Chính phủ Nhật Bản gần đây đã công bố thay đổi chính sách cho phép thực tập sinh được phép chuyển nhà tuyển dụng, nhưng vẫn còn nhiều nghi ngại về tính hiệu quả của những thay đổi này. "Những người tham gia chương trình này không được coi là con người mà là công cụ lao động", ông Ippei Torii, giám đốc Mạng lưới đoàn kết người di cư Nhật Bản cho biết. "Hầu hết phụ nữ tham gia chương trình đều từng bị quấy rối tình dục".
Các vụ lạm dụng như vậy không phải là chuyện hiếm. Từ năm 2014 đến 2016, Bộ Lao động Nhật Bản đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong của lao động thực tập sinh nước ngoài do tai nạn lao động, trong đó có những trường hợp được cho là "karoshi" – tử vong do làm việc quá sức.
Tỷ lệ tử vong của thực tập sinh nước ngoài cao gấp đôi so với lao động Nhật Bản. Và vào năm 2023, hơn 9.700 thực tập sinh trong tổng số khoảng 410.000 người đã bỏ trốn khỏi chủ lao động của mình, phản ánh tình trạng sống và làm việc khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng.
"Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng, nếu chính quyền Nhật Bản đối xử như vậy với lao động Nhật Bản, liệu công chúng sẽ phản ứng như thế nào?", Teppei Kasai, quan chức của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Nhật Bản, chia sẻ. "Chính phủ đang sử dụng chương trình 'đào tạo' này để thu hút lao động giá rẻ, trong khi lại áp đặt những hạn chế khiến người lao động không thể thay đổi công việc. Điều này là phân biệt đối xử có hệ thống và là nô lệ hiện đại".
Mặc dù chính quyền Nhật Bản cam kết sẽ xóa bỏ chương trình thực tập sinh vào năm 2027, nhiều người hoài nghi rằng điều này sẽ không mang lại thay đổi thực sự.
Với ông Kasai, sự chậm trễ trong việc bãi bỏ chương trình thực tập sinh là không thể chấp nhận được. "Nếu họ bãi bỏ chương trình sớm hơn, có thể những vụ việc như thế này đã được ngăn chặn".
Các tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động cho rằng vụ việc này cần phải là lời cảnh tỉnh không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho các quốc gia khác đang phụ thuộc vào lao động nhập cư mà không bảo vệ quyền lợi của người lao động.