Những giả thuyết trái chiều về nguồn gốc biến chủng Omicron
Omicron đang lây lan rộng ở phạm vi toàn cầu nhưng giới khoa học trên thế giới vẫn trong quá trình tìm kiếm câu trả lời về nguồn gốc thực sự của biến chủng này.
Một số báo cáo cho biết một biến chủng mới của virus corona, với số đột biến cao bất thường, xuất hiện từ cuối tháng 11, sau khi nhiều trình tự gene lộn xộn được đưa vào cơ sở dữ liệu toàn cầu.
Đó là biến chủng Omicron, được phát hiện từ một loạt các ca nhiễm khác nhau: Các sinh viên đại học ở thủ đô Pretoria của Nam Phi, phái đoàn ngoại giao ở Botswana và một du khách Nam Phi cách ly trong khách sạn ở Hong Kong.
Sau khi lây lan ra gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 6 lục địa, giới chức y tế trên thế giới cố gắng ngăn chặn sự phát triển chóng mặt của Omicron, còn các nhà khoa học vẫn đang đi tìm lời giải về nguồn gốc của biến chủng này.
Theo David Stuart, giáo sư sinh học cấu trúc tại Đại học Oxford, vấn đề bí ẩn của Omicron ở chỗ "cả loạt đột biến như vậy lại tránh được các nỗ lực truy tìm trong một thời gian dài".
Các đặc điểm di truyền của Omicron khá giống với các biến chủng lưu hành năm ngoái, như Beta và Delta. Sarah Otto, giáo sư sinh học tiến hóa tại Đại học British Columbia, cho biết: “Omicron dường như đã lẩn trốn được gần một năm".
Có thể liên quan đến người suy yếu miễn dịch
Việc giải thích cho nguồn gốc và sự phát triển của Omicron đã tạo ra nhiều quan điểm trái chiều.
Giả thuyết phổ biến nhất của các nhà virus học là Omicron đã có hàng tháng để đột biến ở một người bị ức chế miễn dịch có nhiễm trùng mạn tính. Các ý kiến khác cho rằng quá trình tiến hóa đã được tăng tốc do thuốc kháng Covid-19, còn virus bị lai tạo thành một chủng mới tấn công ngược lại vào con người.
Theo Richard Lessells, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, mặc dù Nam Phi là nơi đầu tiên đối mặt với Omicron, rất có thể biến chủng này có nguồn gốc từ một khu vực khác.
Một nhóm nhà nghiên cứu ở Nam Phi, bao gồm Lessells, cho biết một bệnh nhân HIV từng bị mắc Covid-19 trong hơn 6 tháng. Người này được phát hiện nhiễm virus có chứa chuỗi đột biến tác động đến protein gai.
Một nghiên cứu ở Anh cũng cho thấy quá trình tương tự diễn ra ở một bệnh nhân Covid-19 bị ung thư máu.
Lessells giải thích rằng phản ứng miễn dịch của một bệnh nhân HIV không được điều trị sẽ quá yếu để loại bỏ virus, nhưng đủ mạnh để thúc đẩy quá trình tiến hóa. Điều này cho phép virus đột biến mà không bị phát hiện vì nhiều bệnh nhân không có triệu chứng nên không được xét nghiệm.
“Cách tiến hóa này có vẻ hiếm, song lại là lý do hợp lý cho sự xuất hiện của Omicron”, Lessells nói.
Hơn một nửa trong số 37,7 triệu người nhiễm HIV trên thế giới đều sống ở phía đông và nam châu Phi.
Riêng tại Nam Phi, khoảng 1,9 triệu người nhiễm HIV không được phát hiện hoặc không được điều trị, theo dữ liệu của UNAIDS, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS.
Jonathan Li, Giám đốc phòng thí nghiệm chuyên khoa virus học Harvard ở Boston, từng rất ngạc nhiên khi hai biến chủng nguy hiểm là Beta và Omicron, xuất hiện ở miền Nam châu Phi - một khu vực có nhiều người bị ức chế miễn dịch do nhiễm HIV.
Otto cho biết: “Số ca nhiễm cao, lượng vaccine thấp tại một nơi mà HIV bủa vây hàng chục năm nay cho thấy khả năng số người bị suy giảm miễn dịch bị mắc Covid-19 là rất cao".
Sản sinh từ thuốc kháng virus
Một giả thuyết khác về nguồn gốc Omicron do nhà virus học William Haseltine đưa ra. Ông cho rằng đột biến xuất phát từ loại thuốc điều trị virus Covid-19 của hãng dược phẩm Merck. Ông nhấn mạnh Nam Phi là một trong những nơi được chọn để thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir từ tháng 10/2020.
Loại thuốc này tạo ra "một vụ nổ lõi", phá vỡ khả năng tái tạo của virus, khiến nó không thể lây lan khi đột biến đạt đến một mức độ nhất định.
Các cơ quan quản lý của Anh và EU cho phép sử dụng Molnupiravir trong trường hợp khẩn cấp, song một số nhà khoa học cảnh báo rằng các đặc tính gây đột biến của thuốc, trong một số trường hợp nhất định, có thể tạo ra các biến chủng nguy hiểm hơn.
Những lo ngại này cũng được các chuyên gia đặt ra tại cuộc họp của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ.
Haseltine nói: “Đây là một loại virus bị đột biến rất nặng và có cùng mô hình với Molnupiravir. Tôi cho rằng việc điều đó có thể là nguyên nhân".
Người phát ngôn của Merck cho biết: “Không có bằng chứng nào chỉ ra rằng tác nhân kháng virus đã góp phần tạo ra vào các biến chủng mới". Theo hãng Merck, cáo buộc của ông Haseltine không có cơ sở khoa học và vô căn cứ.
Tiếp tục nghiên cứu
Khi có càng nhiều bộ gene được giải mã trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu sẽ ghép các gốc của Omicron với nhau. Lessells cho biết mỗi bộ gene từ các khu vực có phạm vi giám sát gene hạn chế sẽ giúp khám phá “các nhánh còn thiếu” của hệ thống Omicron.
Hơn 1.300 chuỗi Omicron đã được tải lên Gisaid, một kho lưu trữ gene toàn cầu, từ ngày 22/11.
Theo Stuart Ray, giáo sư y khoa tại Đại học Johns Hopkins, việc giải trình tự gần đây cho thấy giả thuyết Omicron đã lây lan mà không bị phát hiện ở khu vực không được lấy mẫu bằng xét nghiệm gene là "không khoa học".
Ray giải thích: “Khi chúng tôi nhận thêm dữ liệu trình tự, tất cả đều là các bộ gene được tập hợp chặt chẽ. Sẽ có nhiều sự đa dạng hơn nếu virus lan rộng mà không bị phát hiện".
Lý thuyết cho rằng đột biến phát sinh ở động vật trước khi truyền sang cho con người “không phải hoàn toàn viển vông nhưng kém thuyết phục”. Ray nói thêm: “Khi bạn theo dõi sự di chuyển của các loại virus của người trong động vật, chúng sẽ tích lũy các đột biến phù hợp với vật chủ, chứ không phải con người".
Trở lại Nam Phi, các nhà y học và nhà khoa học nhấn mạnh rằng các quốc gia phương Tây cũng nên nắm được sự tiến hóa của Omicron.
Giáo sư Ian Sanne, giám đốc đơn vị nghiên cứu HIV tại Đại học Witwatersrand, cho biết: “Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy bệnh nhân số 0. Nhưng chúng ta phải ngăn lịch sử lặp lại".