Những đóa hoa bất tử

Một chiều đông buốt giá, tôi có hẹn với Tiến sĩ Đặng Tiến Trường - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y. Bước vào tòa nhà Giải phẫu, Phẫu thuật thực hành nằm lặng lẽ phía cuối con đường trong khuôn viên của Học viện, trong tôi dâng lên niềm xúc động.

Cảm giác yên an, ấm áp lạ thường, khác hẳn với sự tưởng tượng ban đầu khi chưa đặt chân đến đây. Bởi ở đó có những con người cao cả, những câu chuyện thiêng liêng, những sự sống khởi nguồn từ cái chết…

Người thầy thầm lặng

Phòng lưu trữ tiêu bản nằm ngay tầng một của tòa nhà. Trong không gian tĩnh lặng ấy là những tủ bảo quản xác hiến ở nhiệt độ âm sâu. Nhờ thế, xác hiến được lưu trữ trong thời gian dài mà không bị phân hủy bởi các điều kiện môi trường, nấm, vi khuẩn và có thể được sử dụng nhiều lần trong thực tập y khoa.

Buổi lễ tri ân, gặp mặt thân nhân những người đã hiến xác cho khoa học tại Học viện Quân y.

Cách đó không xa là phòng tưởng niệm tập trung. Ban thờ, tượng Phật, đèn nến, đồ lễ và hai chiếc tủ chứa bình tro cốt của những người đã hiến tặng thân thể cho y học, tất cả đều được bài trí tôn nghiêm, trang trọng. Mặc dù trời rét căm căm, nhưng tôi lại cảm nhận được sự ấm áp trong phòng tưởng niệm. Trong tiếng kinh cầu văng vẳng, Tiến sĩ Đặng Tiến Trường nhẹ nhàng chia sẻ: “Theo quy định, xác hiến sau 5 năm, cũng có trường hợp kéo dài 10 năm phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại bộ môn Giải phẫu sẽ được đưa đi hỏa táng. Sau đó nếu người nhà có yêu cầu thì chúng tôi sẽ bàn giao cho gia đình. Còn nếu người hiến xác trước khi mất có nguyện vọng được thờ cúng tại phòng tưởng niệm tập trung này thì họ sẽ mãi yên nghỉ, gắn bó với nơi đây. Tên, tuổi, quê quán, năm sinh năm mất của những người hiến xác sẽ được lưu đầy đủ. Bao năm qua, đó là những vị khách đặc biệt ở tòa nhà giải phẫu”.

Đến tận bây giờ, Tiến sĩ Đặng Tiến Trường vẫn không thể nào quên kỷ niệm đặc biệt 20 năm trước. Khi ấy, anh là học viên năm thứ 2 của Học viện Quân y và bắt đầu học môn Giải phẫu. Cảm giác hồi hộp, tò mò, xúc động ngày nào khi được học tập, thực hành trên xác vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí anh. Được thực hành trên xác là cơ hội quý báu để hiện thực hóa kiến thức học trong sách vở. Hình hài, cấu trúc bên trong của một con người bằng xương bằng thịt sẽ được quan sát một cách trực quan nhất. Vì thế, với rất nhiều thế hệ học viên bác sĩ quân y tại Học viện, giải phẫu là môn học bước ngoặt, là cánh cửa đầu tiên dẫn lối vào thế giới của y học.

Với mỗi khóa học mới, học viên được dự lễ tri ân, tham quan các khu vực thực hành và thắp hương tri ân người hiến xác tại phòng tưởng niệm, được phổ biến các quy định về việc học tập trên tiêu bản và xác hiến. Những buổi học diễn ra thật đặc biệt. Những bóng áo blouse trắng nhẹ nhàng đi lại, những câu trao đổi nhỏ nhẹ, những ánh nhìn chăm chú. Dường như cả thầy và trò đều không muốn phá vỡ đi không khí trang nghiêm, thanh tịnh. Mọi thao tác thực hiện trên xác đều phải thật nhẹ nhàng, nâng niu với sự trân trọng, biết ơn. Họ hiểu rằng đây không phải là mô hình, học cụ, phương tiện học tập bình thường, mà là cơ thể của một con người thật. Một hành trình sống đã khép lại, nhưng hành trình cống hiến cho y học lại mở ra. Không có gì cao cả hơn khi đã chấm dứt cuộc sống của mình lại dùng thân xác ấy làm thành quà tặng cho sự sống. Xác hiến như người thầy thầm lặng, là đóa hoa bất tử, bước khởi đầu của bao thế hệ học viên trước khi trở thành bác sĩ quân y thực thụ.

Ở Học viện Quân y, từ năm 2015 đến nay, năm nào cũng tổ chức lễ tri ân, gặp mặt thân nhân của những người hiến xác để bày tỏ sự trân trọng, biết ơn những người đã hiến thi thể để phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập. Sự tri ân, thành kính không chỉ thể hiện trong buổi lễ tri ân, mà hàng ngày hàng giờ, khi có điều kiện là thầy cô sẽ bồi đắp, lan tỏa cho học viên. Tất cả các ngày trong năm, sáng nào cũng vậy, cán bộ nhân viên của bộ môn sẽ thay nhau thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ người đã khuất. Mùng một, hôm rằm, ngày lễ tết ở đây cũng ấm cúng như một gia đình. Việc thờ cúng được thực hiện đều đặn, chu đáo hàng ngày, như một hành động thường quy. Đến ngày giỗ, bộ môn tiến hành làm lễ thắp hương và thông báo tới gia đình. Nếu gia đình có điều kiện đến thì tham dự cùng.

Người thân có thể đến thăm viếng thân nhân bất kỳ lúc nào. Ở tòa nhà này, cán bộ nhân viên của bộ môn luôn được chứng kiến những cuộc hội ngộ đặc biệt. Sẽ không có những đau đớn, tiếng khóc bi thương. Thay vào đó là những lời thủ thỉ tâm sự, như đang thăm người thân đi công tác xa nhà. Bất kỳ ai đến đây cũng cảm thấy yên lòng, vì người thân của họ luôn được trân trọng, thờ cúng chu đáo. Không giống như những điều ban đầu họ nghĩ, rằng xa gia đình thì hương hồn của người thân không được chăm lo một cách đầy đủ, hương lạnh khói tàn.

Ngành giải phẫu luôn cần xác hiến

Đã tròn 10 năm thi thể anh B.V.Đ, sinh năm 1980 ở Hà Nội nằm lại Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y. Câu chuyện về anh vẫn được các cán bộ, nhân viên ở đây nhắc đến với nỗi xúc động và tình cảm trân quý. Đang là sinh viên đại học, anh Đ. chẳng may bị tai nạn, chấn thương nặng dẫn đến bị liệt. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão tuổi trẻ khép lại một cách tàn nhẫn, Đ. ngày ngày chống chọi với những cơn đau, những đợt điều trị kéo dài. Nhưng chính trong những ngày tháng đó, anh vẫn muốn mình là người có ích, không muốn bỏ phí quãng đời còn lại của mình.

Phòng tưởng niệm những người đã hiến tặng cơ thể cho Y học tại Học viện Quân y.

Mặc dù bị liệt, phải ngồi xe lăn nhưng Đ. vẫn vừa điều trị vừa dạy học miễn phí cho nhiều em nhỏ. Và một tâm nguyện nữa, sau khi rời xa cuộc đời, anh muốn chia sẻ phần thi thể còn lại của mình cho y học. Khi biết được ý định hiến xác của anh, mẹ anh nhất định không đồng ý. Hành trình thuyết phục người thân kéo dài cho đến tận lúc anh sắp lìa sự sống. Những lời cuối cùng trong cơn hấp hối, anh vẫn đau đáu nguyện vọng đó. Mẹ và em thương Đ., gạt nước mắt thực hiện ý nguyện của anh. Họ đã liên hệ với bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y để hiến xác của người thân.

Là một trong những người tham gia tiếp nhận thi thể anh Đ., Tiến sĩ Đặng Tiến Trường vẫn nhớ rõ, một ngày năm 2013, khi nhận được thông tin của gia đình anh Đ., nhóm tiếp nhận đã lập tức lên đường. Vì anh Đ. có nguyện vọng hiến xác vô thời hạn nên thi thể của anh vẫn được sử dụng tốt trong nghiên cứu, thực hành đến tận bây giờ. Điều đặc biệt ý nghĩa là mẹ và em của anh Đ. lúc đầu còn hoang mang, lo lắng, nhưng sau rất tin tưởng, yên tâm khi anh nằm lại Bộ môn giải phẫu. Thấu hiểu được tâm nguyện của người thân, chính họ đã xin được hiến xác vào đây sau khi qua đời.

Việc tiếp nhận, xử lý, bảo quản xác hiến là một công việc đặc thù. Với các cán bộ của bộ môn giải phẫu, mỗi lần đi tiếp nhận xác hiến là một cuộc chạy đua với thời gian. Bởi việc tiếp nhận và xử lý xác phải được thực hiện trong ngày khi người hiến xác tử vong. Lần nhận thi thể hiến gần đây nhất là năm 2021 trong thời kỳ chống dịch COVID-19 căng thẳng. Thời điểm đó, đến tận nửa đêm mà nhóm tiếp nhận vẫn chuẩn bị mọi mặt để sáng sớm hôm sau lên đường đi Thái Nguyên đón “vị khách đặc biệt”.

Hành động hiến xác cho y học là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo Tiến sĩ Trường, từ những năm 1990 trở lại đây, công tác tiếp nhận và bảo quản thi thể hiến tại Học viện Quân y ngày càng tăng. Đến nay, tổng số đơn hiến xác đã nhận là hơn 1.000 hồ sơ, đã phát hơn 1.000 thẻ đăng ký hiến xác. Thẻ đăng ký hiến xác sẽ là cơ sở để sau khi người đăng ký hiến xác qua đời, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác lấy xác để sử dụng cho mục đích đã đăng ký.

Số lượng xác hiến lưu trữ tại Bộ môn Giải phẫu so với trước kia đã nhiều hơn, tuy nhiên so với định hướng phục vụ cho công tác đào tạo thì còn hạn chế. Quá trình tuyên truyền vận động người hiến xác phục vụ khoa học vẫn là con đường còn nhiều chông gai khi vấp phải những quan niệm “chết phải toàn thây”; khi người dân chưa hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa cao đẹp của hiến xác cho y học; khi chính sách đối với người hiến xác, thân nhân người hiến xác chưa hoàn thiện. Tuy thế, cán bộ nhân viên Bộ môn Giải phẫu không bao giờ nản chí. Bởi họ hiểu dù xã hội có phát triển đến đâu thì ngành giải phẫu vẫn luôn cần xác hiến. Vai trò của “những người thầy thầm lặng” vẫn không gì có thể thay thế được trên hành trình học tập của những y bác sĩ mang sứ mệnh cứu người.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-doa-hoa-bat-tu-i719069/