Trò Rối nước ở làng Nội Rối xưa

Do nhiều nguyên nhân mà đến nay nghệ thuật múa rối (rối nước, rối cạn) trên đất Hà Nam đã mai một, thất truyền, nhưng qua hệ thống thư tịch và hồi cố của các bậc cao niên, trước kia ở một số nơi có phường rối hoạt động, chúng tôi đã từng bước tìm hiểu dấu tích về múa rối trên địa bàn tỉnh, trong đó có phường rối nước ở làng Nội Rối (xã Bắc Lý, Lý Nhân). Việc phát hiện, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước của làng Nội Rối, Chương Lương (Bắc Lý) và qua các nguồn thư tịch cổ cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về nghệ thuật múa rối trên đất Hà Nam. Đồng thời, là cơ sở để cơ quan quản lý chuyên ngành trong thời gian tới có biện pháp khôi phục, tiến tới lập hồ sơ khoa học múa rối nước đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Rối nước làng Nội Rối có từ bao giờ, không ai còn nhớ rõ, chỉ biết phường rối đã tồn tại hàng trăm năm và thất truyền vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước. Theo các cụ cao niên trong làng, tên đầu tiên của làng là Phú Nội, do làng có nghệ thuật múa rối nước nên làng lấy hai chữ: “Nội” của tên làng cũ và “Rối” ghép lại đặt tên cho làng.

Làng Nội Rối xưa định lệ: Hằng năm, từ mùng một đến mùng 10 tháng ba âm lịch, làng mở hội với sự tham gia của bốn giáp. Cùng với tế lễ, hội làng còn có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian (hát chèo, đấu cờ tướng, leo cầu kiều, bắt vịt…) nhưng nhộn nhịp, đông vui nhất là múa rối nước ở ao đình.

Trước năm 1945, làng vẫn còn nhà rối (thủy đình) nhưng do chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên nên một thời gian sau thủy đình đã bị hủy hoại, hiện chỉ còn nền, móng trên gò đất nổi giữa hồ nước phía đông đình làng. Thời đó, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người trong phường rối phải bỏ làng phiêu bạt khắp nơi kiếm kế sinh nhai, người ở lại chuyển sang làm công việc khác. Đến nay, những người gắn bó và giữ bí quyết về nghề múa rối nước không còn.

Để tìm hiểu sâu hơn về nghề múa rối nước, chúng tôi đã về làng Nội Rối gặp và ghi lại câu chuyện từ một số cụ cao niên từng được các bậc tiền nhân kể cho nghe về múa rối nước của làng. Xin được chắp nối những thông tin bước đầu về múa rối nước ở làng Nội Rối để độc giả tham khảo:

Tượng Ổi Lỗi và nhóm tượng rối thờ tại đình làng Chương Lương, xã Bắc Lý.

Về quy trình tạo hình con rối:

Cũng như nhiều làng rối khác, người dân Nội Rối thường chọn gỗ sung già, nhẹ, dễ nổi trên mặt nước để tạo ra các con rối. Gỗ sung chọn làm con rối phải có thớ mịn, không có vết sâu đục, không có mấu, không dễ gãy. Người thợ cắt gỗ thành những khúc vừa kích thước con rối, bóc vỏ, để cho gỗ khô dần (con rối sẽ bị sũng nước và mục nếu gỗ không được phơi khô kiệt).

Trong nghệ thuật múa rối nước, vai trò tạo hình rất quan trọng. Tạo hình con rối có hai việc chính: Một là tạo hình mặt, chân tay, thân hình con rối; hai là mặc quần áo, trang điểm cho con rối gỗ trở thành nhân vật trong các tích trò. Đạo cụ gắn với con rối phải thích hợp với nhân vật mà con rối đảm nhiệm. Một điều đáng chú ý nữa là trong tạo hình nhân vật cho mỗi con rối, nghệ nhân phải có trí tưởng tượng phong phú, bay bổng và luôn nghĩ đến cái lạ, cái đẹp. Khâu cuối cùng là khâu người thợ phủ sơn lên bề mình con rối theo các bước: Sơn phủ (bằng một lớp sơn ta trộn với đất sét, sau đó dùng viên cuội đánh bóng, rồi dùng đá màu mài cọ thân rối trong nước); Sơn lót (người thợ sơn con rối thêm vài lần nữa để lấp kín mọi vết nứt, sau khi khô, cứ mỗi lớp sơn lại dùng một viên đá để đánh bóng); Thếp bạc (trong lúc sơn chưa khô, người thợ dán lên những lá quỳ dài 3cm, rộng 4cm).

Nghệ thuật biểu diễn rối nước:

Nghệ nhân rối của làng dùng các thanh tre được nối với nhau bằng dây thừng cho nhẹ để điều khiển con rối thực hiện những chuyển động từ đơn giản đến phức tạp. Tiết mục biểu diễn của phường rối gồm các tích trò: “Đốt pháo mở cờ”, “Múa Tứ linh”, “Đánh cá”, “Bật cờ”, “Múa Tễu”, “Canh nông”, “Múa Sư tử”, “Đấu mã”, “Chăn vịt, đánh đáo”, “Đua thuyền”… phản ánh sinh động cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt, tập tục tín ngưỡng truyền đời của cư dân trồng lúa nước. Đồng thời, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “tương thân, tương ái” mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Các tích trò thường được biểu diễn trên nền nhạc chèo truyền thống.

Cũng giống như nghệ thuật rối nước dân tộc, nghệ thuật rối nước làng Nội Rối vốn xuất thân từ những trò không lời, thu hút người xem bằng tài năng, khéo léo của các nghệ nhân tạo hình, nghệ nhân điều khiển. Nghệ thuật rối nước làng Nội Rối do được sinh ra trên cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống vì thế những nghệ nhân múa rối ở đây đã biết tận dụng triệt để âm nhạc của chèo để làm nền cho các tích trò rối nước thăng hoa. Nhạc cụ ở phường rối gồm: Bộ gõ (trống đại, trống trung, trống tiểu, thanh la, nạo bạt, mõ, chiêng); Bộ hơi (sáo, kèn, tiêu...); Bộ dây (hồ, líu, nhị, đàn tranh, đàn tam…).

Tiết mục biểu diễn của nghệ nhân múa rối nước lôi cuốn dân làng không chỉ bởi những hình ảnh trên sân khấu mà còn bởi âm thanh náo hoạt, rộn rã của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng sáo trong các tiết mục: “Bật cờ”, “Múa Lân”, “Múa Tứ linh”…. Những khúc nhạc chèo làm nền cho tiết mục rối nước, khi vui tươi, rộn rã (với làn điệu Xẩm xoan, Tứ quý, Lưu thủy, Sắp qua cầu, Sắp cổ phong...), lúc lại ngân nga da diết (với làn điệu Vỉa, ngâm Sổng…) tạo nên hiệu ứng bất ngờ lôi cuốn người xem.

Rối nước làng Nội Rối là sự kết tinh óc sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người dân nơi đây qua bao đời. Xưa kia, rối nước của làng chiếm vị trí độc tôn trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được người dân Nội Rối tự hào gọi là trò "Ổi lỗi".

Tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật múa rối nước ở Nội Rối, chúng tôi còn phát hiện thêm một số thông tin rất đáng chú ý. Đó là ở đình Chương Lương, thôn Chương (cùng xã Bắc Lý) hiện còn lưu giữ tượng chân dung “Đệ tứ thập bát Ổi Lỗi (tên cổ chỉ múa rối) Văn Chất tôn thần” và 18 đầu rối. Trước kia, làng Chương hằng năm có nhiều ngày tế lễ, trong đó ngày 15 tháng bảy âm lịch (tưởng niệm ngày hóa), ngày 12 tháng tám âm lịch (kỷ niệm ngày sinh) của Thập bát quốc Ổi Lỗi tôn thần. Trong hai ngày này, có nghi thức trình diễn 18 đầu rối kèm với bài ca chúc tụng.

Tượng Thập bát Ổi Lỗi tôn thần Văn Chất được đặt trên ngai rước quanh làng. Sau đó, đám rước trở lại đình làm lễ yên vị ngai thần với nghi thức trang trọng, dân làng xin phép rước 18 đầu rối, tức 18 trùm rối của 18 nước chư hầu của nhà Minh (theo thần phả) biểu diễn trước sự chứng kiến của Thành hoàng Văn Chất.

Trở lại với nguồn gốc nghệ thuật múa rối nước của dân tộc, chứng cứ cổ nhất về loại hình nghệ thuật này là đoạn miêu tả trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi): “Lòng sóng rung rinh. Rùa vàng nổi nên đội ba quả núi. Nước chảy nhịp nhàng rùa nở phô vẩy đẹp, chuyển động bốn chân và nhe răng, trợn mắt phun nước biểu diễn, điệu sáng sủa trên mặt nước tràn đầy. Động này, cửa nọ tranh nhau mở, xuất hiện nhiều thiên thần nhuần nhị, nét mặt thanh tân, há đâu phải vẻ đẹp dương thế. Tay mềm mại múa điệu hồi phong, mắt nhìn mây biếc và ca khúc vân hội. Chim phượng có sừng hợp nhau thành đôi. Tất cả đều múa phô diễn”.

Qua đoạn văn miêu tả trên thì thấy múa rối nước thời Lý đã có được kỹ thuật tinh vi và đạt đến trình độ nghệ thuật cao, được đưa vào biểu diễn ở cung đình thì chắc chắn nó phải qua một thời gian hình thành, phát triển nơi thôn dã, là trò vui trong các hội hè, đình đám… Văn bia còn nói rõ: Vua Lý Nhân Tông rất ưa thích loại hình nghệ thuật này và đích thân cho chế mô hình loại hình rối nước rùa vàng để thưởng thức cảnh thần tiên khi gặp lúc trung thu trời đẹp. Và một trong những điểm danh lam thắng cảnh để ông vui trò lúc nhàn rỗi là chùa Đọi. Vì vậy, trong lễ hội chùa Đọi, trò múa rối nước là một phần tái hiện cảnh nước non thanh bình thời Lý, những ý tưởng nhân văn của Lý Nhân Tông và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây thuở ấy.

Việc phát hiện, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước của làng Nội Rối, Chương Lương (Bắc Lý) và qua các nguồn thư tịch cổ cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về nghệ thuật múa rối trên đất Hà Nam. Đồng thời, là cơ sở để cơ quan quản lý chuyên ngành trong thời gian tới có biện pháp khôi phục, tiến tới lập hồ sơ khoa học múa rối nước đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đỗ Văn Hiến (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/tro-roi-nuoc-o-lang-noi-roi-xua-122048.html