Những định hướng lớn cho một thời kỳ phát triển của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị HỒ XUÂN HIẾU trả lời phỏng vấn.

- Thưa ông! Trong những năm qua, mặc dù chịu sự tác động của thị trường, thiên tai, dịch bệnh nhưng Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị vẫn hoạt động ổn định và có bước phát triển, duy trì được mức tăng trưởng bình quân 20%/năm, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đề nghị ông cho biết các chỉ tiêu cơ bản đạt được năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023?

- Thưa ông! Trong những năm qua, mặc dù chịu sự tác động của thị trường, thiên tai, dịch bệnh nhưng Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị vẫn hoạt động ổn định và có bước phát triển, duy trì được mức tăng trưởng bình quân 20%/năm, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đề nghị ông cho biết các chỉ tiêu cơ bản đạt được năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023?

- Năm 2022, doanh thu của công ty đạt 1.400 tỉ đồng; nộp ngân sách địa phương 67 tỉ đồng; thu nhập bình quân cho gần 600 lao động đạt mức 13 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động gián tiếp tại địa phương. Hằng năm, người dân thu về hơn 1.000 tỉ đồng từ việc bán các sản phẩm nông nghiệp cho công ty. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện tốt nhiệm vụ tỉnh giao như dự trữ hàng hóa để bình ổn giá, phòng, chống thiên tai và phục vụ tết Nguyên đán cho Nhân dân.

Năm 2022 Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành công ty đã thống nhất chỉ đạo, tiếp tục đổi mới công nghệ thiết bị, đầu tư nhà xưởng, mua sắm phương tiện, nâng cấp tài sản, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tổng mức đầu tư toàn công ty trong năm 2022 gần 150 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ hơn 100 tỉ đồng, còn lại gần 50 tỉ đồng mua sắm, nâng cấp, sửa chữa tại các đơn vị cơ sở như các nhà máy chế biến sắn, cao su, nông sản....

Công ty cũng đã đầu tư xây dựng “Trung tâm chế biến lúa gạo hữu cơ Quảng Trị” theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng. Đến nay, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; quyết định phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích 9,9 ha. Công ty đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện đầy đủ các thủ tục trước khi triển khai xây dựng (giai đoạn 1 dự kiến 25 tỉ đồng).

Vụ đông xuân 2022-2023 công ty đã triển khai liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ thương hiệu SEPON với diện tích khoảng 210 ha lúa hữu cơ tại 5 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Trồng và sản xuất thử nghiệm cây dong riềng tại Hướng Hóa, Đakrông. Ngày 9/4/2023, công ty chính thức cho ra mắt sản phẩm “Miến dong hữu cơ SEPON”.

Gian hàng nông sản hữu cơ của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị -Ảnh: Đ.T.T

Gian hàng nông sản hữu cơ của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị -Ảnh: Đ.T.T

Năm qua, năng suất tại các nhà máy chủ lực của công ty tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Kết quả thực hiện vượt cao so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra về sản lượng như: tinh bột sắn kế hoạch sản xuất 58.000 tấn, thực hiện đạt 65.576 tấn; cao su sản xuất và gia công thực hiện được 8.059 tấn; thức ăn chăn nuôi kế hoạch 4.200 tấn, thực hiện đạt 4.352 tấn; viên nén kế hoạch 3.500 tấn, thực hiện được 10.200 tấn...

Các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước khác được mở rộng, phát triển về số lượng và chủng loại mới. Duy trì và phát triển thêm mạng lưới tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cung cấp nguồn hàng ổn định cho các siêu thị lớn và các đối tác uy tín. Xây dựng quảng bá được thương hiệu sản phẩm, tham gia các kênh phân phối, hội chợ trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của tỉnh. Mạnh dạn nhập thêm các mặt hàng mới, chất lượng cao góp phần tạo nên thương hiệu công ty.

Về kinh doanh khách sạn dịch vụ du lịch, doanh thu dịch vụ du lịch năm 2022 đạt 22,073 tỉ đồng. Riêng trong tháng 4/2022 doanh thu đạt trên 4 tỉ đồng.

Nét nổi bật nhất của công ty trong những năm gần đây là hợp tác với hơn 60.000 hộ nông dân trồng 6 loại cây: lúa, ngô, cao su, gỗ rừng, sắn, dong riềng. Từ việc bán sản phẩm và xuất khẩu nông sản ra thế giới, hằng năm công ty đã giúp bà con nông dân thu về hơn 1.000 tỉ đồng/năm.

Trong quan hệ quốc tế, công ty tiếp tục hợp tác tốt với tổ chức PUM Hà Lan, nghiên cứu xúc tiến sản xuất thức ăn cho bò từ ngô sinh khối. Liên kết với các tổ chức nước ngoài hỗ trợ tư vấn, tập huấn về sale và marketing, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, công ty đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng 100% phân hữu cơ SEPON và các dưỡng chất từ thân lá cây non, cá, ốc, xương, vỏ trứng... để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng; áp dụng mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái để phun trực tiếp trứng gà trộn sữa tươi bổ sung dưỡng chất cho cây lúa.

Hiện nay, công ty đang hợp tác với người dân các địa phương trong tỉnh sản xuất và chế biến gạo hữu cơ, gạo VietGAP, gạo ATVSTP. Vùng lúa hữu cơ của SEPON chiếm 76 ha trong tổng số 210 ha lúa chất lượng cao. Đầu ra sản phẩm lúa, gạo hữu cơ SEPON là 10% ưu tiên cho người dân trồng lúa, 40% thị trường trong nước và 50% còn lại tập trung cho thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư đồng bộ dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất lúa gạo hữu cơ như hệ thống nhà kho, kho gạo thành phẩm với tổng lượng tích trữ 1.000 tấn, dây chuyền sấy, xay xát và đánh bóng gạo.

Đáng chú ý là năm 2022, toàn công ty đã có 74 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất- kinh doanh với các đề tài, sáng kiến lớn như: “Thiết kế lắp đặt dây chuyền thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà dùng cho cây lúa và các loại cây trồng khác” tại Nhà máy viên năng lượng làm lợi gần 500 triệu đồng; sáng kiến nghiên cứu, đưa ra “Quy trình lưu trữ men kỵ khí, kích hoạt và bổ sung men kỵ khí cho hệ thống các hồ biogas phủ bạt” tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn làm lợi hơn 500 triệu đồng... Năm 2022 có 2 sáng kiến cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Năm 2022, công ty được bình chọn là “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” lần thứ 3; Giải thưởng “Sao vàng đất Việt” lần thứ 2. Các tổ chức, đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh công ty được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất-kinh doanh phát triển, đề nghị ông cho biết những định hướng lớn của công ty trong những năm tiếp theo là gì?

- Năm 2023 và những năm tiếp theo dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến các hoạt động sản xuất-kinh doanh của công ty. Xác định rõ thuận lợi và khó khăn, Đảng bộ công ty tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch đặt ra. Trong năm 2023, phấn đấu đạt doanh thu 1.500 tỉ đồng, nộp ngân sách 70 tỉ đồng, lợi nhuận 17 tỉ đồng. Phấn đấu thu nhập bình quân của người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng. Nguồn vốn được bảo toàn và phát triển.

Để đạt được các chỉ tiêu cơ bản trên, toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty tăng cường đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong các quyết sách của công ty; xây dựng định hướng đúng, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để ứng phó kịp thời. Tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường mới, bạn hàng mới trong nước và nước ngoài. Phát triển sản phẩm mới, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, dự báo rủi ro.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa hữu cơ ở Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - Ảnh: Đ.T.T

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa hữu cơ ở Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - Ảnh: Đ.T.T

Phát huy các thế mạnh kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu. Có kế hoạch thu mua, dự trữ để cung ứng hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường theo chủ trương của tỉnh.

Về mảng kinh doanh khách sạn dịch vụ du lịch, chú trọng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển dịch vụ khác biệt, tăng sự liên kết hợp tác dịch vụ trong nước, quốc tế, nhằm thu hút khách, tạo dấu ấn về điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng.

Chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn vốn vay có lãi suất thấp, các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các gói ưu đãi cho nông nghiệp và các nguồn vốn đối ứng khác để vận dụng hợp lý trong sản xuất-kinh doanh và đầu tư.

Công tác quản lý tài chính phải chặt chẽ, duy trì tốt công tác khoán quản, quản trị kiểm tra kiểm soát, không để hàng tồn kho cao, nợ khó đòi phát sinh mới.

Chỉ đạo thực hiện hoàn thành tiến độ xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo hữu cơ tại Hải Lăng. Nghiên cứu trồng cây dong riềng với diện tích lớn hơn tại các địa phương trong tỉnh những vụ tới. Triển khai xây dựng văn phòng đại diện tại Đà Nẵng để chủ động trong kinh doanh, mở rộng thị trường...

Đặc biệt, trong quá trình phát triển, công ty tiếp tục bám theo hai trục chính là an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Tiếp tục hợp tác sâu và rộng với người dân và chính quyền địa phương phát triển mạnh mảng nông sản. Trong mảng nông sản, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là cây lúa hữu cơ. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai gần, thế giới sẽ biết đến Quảng Trị thông qua các sản phẩm nông sản hữu cơ mà tiêu biểu là gạo hữu cơ do công ty sản xuất.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Tâm (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nhung-dinh-huong-lon-cho-mot-thoi-ky-phat-trien-cua-cong-ty-co-phan-tong-cong-ty-thuong-mai-quang-tri/181505.htm