Những điều đọng lại sau phiên phúc thẩm vụ cô giáo Dung ở Nghệ An
Có lẽ đã đến lúc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử các vụ án liên quan đến quy chế thu chi nội bộ.
Sau tất cả những tranh cãi thì vụ án cô giáo Dung ở Nghệ An đã tạm khép lại bằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, khác biệt quá lớn trong nhận định của hai cấp tòa lại là rào cản trong việc thuyết phục sự đồng thuận của người dân về một bản án hợp tình, hợp lý.
Hiến pháp 2013 trao đặc quyền xét xử cho tòa án, quyền phán xét một chủ thể có tội hay không. Về nguyên tắc, bản án hình sự của bất cứ cấp tòa nào một khi có hiệu lực pháp luật thì phải được tôn trọng và thực thi nghiêm minh. Tuy nhiên, hiệu lực pháp luật và hiệu lực xã hội lại là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Bản án phúc thẩm vụ cô giáo Dung đã có hiệu lực pháp luật và phải được thực thi là điều không thể chối cãi. Thế nhưng hiệu lực xã hội lại là vấn đề còn nhiều tranh cãi, bởi đơn giản, phán quyết này chưa tạo ra sự thuyết phục tuyệt đối dưới góc độ áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Dư luận không thể bị thuyết phục khi phán quyết của hai cấp tòa lại có sự khác biệt quá lớn với nhau. Nếu như cấp sơ thẩm cho rằng cô Dung phạm tội hai lần nên tuyên mức án năm năm (60 tháng tù) thì cũng với những tình tiết đó, tòa phúc thẩm lại nhận định khác đi và chỉ tuyên phạt 15 tháng tù.
Văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng quy tắc xử sự chung và được áp dụng thống nhất khi thực tế có những điều kiện, hoàn cảnh đã được dự liệu. Các tình tiết của vụ án mang tính khách quan, một khi đã được đánh giá đầy đủ, toàn diện thì cho dù là ai đi chăng nữa cũng phải lựa chọn quy phạm tương ứng để áp dụng. Điều này mang tính bất biến. Tất nhiên, mỗi con người khác nhau thì sẽ có cách tư duy, lập luận khác nhau nhưng tính quy phạm phổ biến của pháp luật và tính khách quan của sự vật, hiện tượng không cho phép việc áp dụng pháp luật có sự khác biệt quá lớn như vậy.
Tòa án cấp sơ thẩm đã không thuyết phục được các cơ quan tiến hành tố tụng khác thì cũng khó có thể thuyết phục được người dân tin tưởng vào cách áp dụng pháp luật của mình. Theo một thiên hướng tự nhiên, khi đã không đồng thuận với bản án sơ thẩm, người dân cũng khó có thể cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn bởi phán quyết của tòa phúc thẩm.
Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: “Nếu cô Dung không bị bắt tạm giam thì liệu tòa có tuyên miễn hình phạt cho cô Dung, giống như trường hợp cô Nguyễn Thị Hương - nguyên kế toán của trung tâm, cấp dưới của cô Dung (không bị tạm giam) hay không?”. Và liệu có phải do cô Dung bị tạm giam gần 15 tháng nên tòa phúc thẩm tuyên mức án 15 tháng tù để không đẩy bất cứ cơ quan tiến hành tố tụng nào vào con đường nghiệt ngã là bị bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?
Ngoài ra, để có được bản án phúc thẩm tuyên 15 tháng tù, bên cạnh nhận định không phạm tội hai lần, tòa phúc thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” cho cô Dung. Trong khi đó, tòa sơ thẩm lại khẳng định cô Dung không thỏa điều kiện áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
Điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS quy định tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Tuy hiện nay chưa có văn bản giải thích cụ thể thế nào là “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” nhưng sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao đã giải đáp về vấn đề này. Về mặt nguyên tắc, “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” là hai tình tiết giảm nhẹ khác nhau và tùy vào từng trường hợp mà tòa án xem xét, áp dụng nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Từ đầu đến cuối, cô Dung cho rằng mình không phạm tội nên không thể có tình tiết “ăn năn hối cải”. Tuy nhiên, tình tiết “thành khẩn khai báo” thì hoàn toàn thỏa mãn bởi bản chất của tình tiết này thể hiện ở việc bị cáo đã khai nhận rõ ràng, đầy đủ và đúng sự thật về các hành vi mà họ đã thực hiện. Đáng tiếc, tòa sơ thẩm đã kết luận cô Dung không có tình tiết giảm nhẹ này. Một lần nữa, dư luận lại thắc mắc về sự khác biệt lớn trong nhận định của hai cấp tòa.
Những thắc mắc không có lời đáp ấy cứ lởn vởn đâu đó như một rào cản trong tiến trình thuyết phục sự đồng thuận của người dân về một bản án hợp tình, hợp lý. Rất có thể sắp tới đây, vụ án sẽ hoàn toàn khép lại và trôi vào dĩ vãng nếu không có kháng nghị từ cơ quan có thẩm quyền, thế nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ nếu như tiếp tục xuất hiện những vụ án tương tự trong tương lai.
Có lẽ đã đến lúc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử các vụ án liên quan đến quy chế thu chi nội bộ. Điều này là cần thiết, không chỉ có giá trị đối với các trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các tỉnh, thành, mà còn có ý nghĩa cho tất cả đơn vị sự nghiệp công lập trong phạm vi cả nước.