Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Cường Thịnh
Đẩy mạnh phong trào Cựu chiến binh (CCB) thi đua phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, Hội CCB xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB điển hình với các mô hình kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế tại chỗ, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Bằng nghị lực, ý chí của người lính Cụ Hồ với hơn 10 năm rèn luyện trong quân ngũ, sau khi trở về địa phương, CCB Lương Văn Đông ở thôn Đồng Lần đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu, tận dụng thế mạnh của gia đình là đất đồi rộng, ông đầu tư trồng keo, bồ đề, quế kết hợp chăn nuôi. Khi cây còn nhỏ, chưa khép tán, ông trồng xen ngô, sắn để lấy thức ăn chăn nuôi với phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Có những thời điểm ông nuôi lợn đến 40 con/lứa, giúp gia đình có nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống, nuôi con cái ăn học, trưởng thành. Nhận thấy, khe nước xung quanh nhà chỉ để trồng khoai mon, rau muống, hiệu quả kinh tế thấp, ông Đông đã đầu tư cả mấy trăm triệu đồng để cải tạo, đắp bờ làm ao với diện tích mặt nước trên 6.000 m2 để nuôi cá. Những năm gần đây, cùng với nuôi bán cá thương phẩm, ông còn khai thác dịch vụ câu cá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đặc biệt, năm 2021, sau khi bán keo, bồ đề và nửa héc-ta quế 20 năm tuổi, ông Đông thu về gần tỷ đồng để xây ngôi nhà mới khang trang với chi phí hơn 1 tỷ đồng.
CCB Lương Văn Đông chia sẻ: "Với đặc thù ở nông thôn thì phải cần vận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở địa phương nên gia đình tôi đã nuôi trồng, phát triển những cây, con, dịch vụ phù hợp, ít rủi ro mà hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tôi tích cực tìm hiểu, cập nhật nhu cầu thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Để giảm sức lao động, tôi đã chuyển toàn bộ hơn 10 ha đất đồi sang trồng quế và chăn nuôi thì tập trung vào nuôi cá thương phẩm, khai thác làm dịch vụ câu cá. Cùng đó, chuyển nghề từ chăn nuôi lợn sang nuôi chim cảnh, chim bồ câu, nuôi ong lấy mật với gần 40 đàn nên tôi đã duy trì thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm”.
CCB Nguyễn Văn Kim cùng thôn Đồng Lần cũng với hơn 10 năm được tôi luyện trong môi trường quân ngũ và hiện nay dù đã gần 80 tuổi, con cái đều trưởng thành nhưng ông Kim vẫn phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng để vừa phù hợp với điều kiện sức khỏe tuổi già vừa khai thác được thế mạnh về đất đai.
Để triển khai mô hình này, từ những diện tích ruộng kém hiệu quả, ông Kim đầu tư cải tạo thành ao nuôi cá và mỗi năm cho thu trên 30 triệu đồng từ bán cá thịt. Gần chục năm trở lại đây, ông đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
CCB Nguyễn Văn Kim chia sẻ: "Với tôi, lao động chân tay với những công việc phù hợp là một cách tốt nhất để vừa tập thể dục rèn luyện sức khỏe vừa tạo ra hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Dù làm công việc gì, nhưng nếu chú trọng nghiên cứu kỹ về đầu ra cho sản phẩm và kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp thì đều cho kết quả tốt.
Hiện nay, để phù hợp với sức khỏe, tôi đã bỏ nuôi lợn; ngoài nuôi vịt, cá và hơn 90 đôi chim bồ câu, tôi chuyển sang tập trung nuôi trên 200 con dúi để vừa bán con giống vừa bán dúi thịt, vì dúi chăm sóc đơn giản, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là mía, tre, nứa có sẵn, chi phí thấp... mà sản phẩm khi bán lại được giá cao”.
Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ cũng như thực hiện hiệu quả phong trào "CCB gương mẫu”; "CCB giúp nhau xóa đói, giảm nghèo làm kinh tế giỏi”, hiện nay, ngoài 2 hội viên Nguyễn Văn Kim, Lương Văn Đông thì Hội CCB xã Cường Thịnh còn nhiều hội viên có mô hình kinh tế tiêu biểu. Điển hình như hội viên Đào Đức Viết, Nguyễn Viết Chiến, Nguyễn Tạ Ka, Nguyễn Viết Hiển, Nguyễn Văn Sơn...
Đây là những tấm gương sáng về ý chí, tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương để hội viên CCB nói riêng và thế hệ trẻ và nhân dân học tập, noi theo.