Những công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng tại quận Hoàn Kiếm

Tại thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính chị quan trọng với gần 200 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Hồ Gươm, cầu Thê Húc, Nhà hát lớn, cầu Long Biên, đền Vua Lê...

Theo số liệu thống kê từ năm 2018 quận Hoàn Kiếm, trung tâm của TP Hà Nội có quy mô dân số khoảng 155.900 người. Riêng diện tích của quận là 5,29 km2, dù diện tích của quận khá nhỏ nhưng là nơi lưu giữ 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân....

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, diện tích rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Tính đến hiện tại, quận Hoàn Kiếm là nơi lưu giữ 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng như quần thể di tích Hồ Gươm-Đền Ngọc Sơn-Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngày 31/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới.

Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc sáp nhập trên mà kiến nghị nên giữ nguyên như hiện tại, bởi Hoàn Kiếm là quận trung tâm mang đậm nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là dấu ấn Thăng Long - Hà Nội. Trong ảnh là di tích lịch sử văn hóa Nhà hát lớn Hà Nội.

Quận Hoàn Kiếm được hình thành cách đây gần 1.000 năm, có bề dày lịch sử phát triển. Trong ảnh là đình Nam Hương - ngôi đình cổ cùng trong khuôn viên, là một di tích quan trọng của quần thể danh thắng hồ Gươm.

Cách đây hơn 120 năm, nhà tù Hỏa Lò từng là nơi chứng kiến nhiều đau thương khốn cùng, cũng như tinh thần bất khuất, kiên cường khi phải đối mặt với nhục hình và cái chết của những người con Việt Nam yêu nước.

Nhà Thờ Lớn được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành đúng dịp Lễ Giáng Sinh năm 1887. Đây là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội. Trải qua bao năm tháng, Nhà thờ Lớn Hà Nội được ví như "nhân chứng" xuyên 3 thế kỷ, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của Thủ đô.

Cầu Thê Húc với sắc đỏ đặc trưng, nằm nổi bật giữa hồ Hoàn Kiếm nối với đền Ngọc Sơn. Nhờ sở hữu thiết kế độc đáo nên du khách lẫn người dân rất thích đến đây để chụp ảnh.

Vào thời vua Tự Đức, năm 1865, Nguyễn Văn Siêu hay còn được gọi là Thánh Siêu đã cho xây dựng cây cầu với độ dài 45m, nối từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến đền Ngọc Sơn, lấy tên là Thê Húc, có nghĩa là nơi ngưng tụ những hào quang sáng chói.

Tọa lạc trên Đảo Ngọc nằm giữa lòng Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn nổi tiếng với kiến trúc độc đáo cùng vẻ đẹp trầm mặc ấn tượng giữa lòng Thủ đô. Quần thể đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Bút ở quận Hoàn Kiếm là 1 địa điểm thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đều muốn ghé qua khi đến Thủ đô.

Đền Bà Kiệu là một ngôi đền tâm linh có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt nằm tại Thủ đô Hà Nội.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.

Bưu điện Bờ Hồ nằm trong khu vực hành chính đầu tiên của Hà Nội và mang phong cách cổ điển châu Âu.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thuộc phường Lê Thái Tổ, thuộc phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm. Nơi đây là điểm giao thoa của 5 con phố nổi tiếng bao gồm phố Lê Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Hàng Đào, phố Hàng Gai và phố Cầu Gỗ. Vào thời Pháp thuộc, nơi này có tên là Quảng trường tướng Négrier (Place Négrier). Đến năm 1907, các sĩ phu yêu nước đã xây dựng ngôi trường mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục trên mảnh đất này để dạy chữ Quốc ngữ cho học trò. Ngôi trường cũng chính là địa bàn hoạt động của các thành phần sĩ phu yêu nước trên khắp Hà Nội và tỉnh lân cận. Đến năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lạt cho đổi tên Quảng trường Tướng Négrier thành quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Hiện nay, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở thành một phần của phố đi bộ Hồ Gươm, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Hà Nội và du khách.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-cong-trinh-van-hoa-lich-su-noi-tieng-tai-quan-hoan-kiem-post258934.html