Hà Nội: Những công dân đầu tiên nhận Thẻ Căn cước

Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

Chiều 1-7, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) tổ chức lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và công bố dịch vụ xác thực điện tử.

Tại buổi lễ, C06 đã trao Thẻ Căn cước, Giấy chứng nhận căn cước cho 10 công dân đầu tiên, là những công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, người từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

 Những công dân đầu tiên ở Hà Nội nhận Thẻ Căn cước. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Những công dân đầu tiên ở Hà Nội nhận Thẻ Căn cước. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định... Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố.

Theo C06, Thẻ Căn cước có giá trị tương đương Căn cước công dân. Với công dân đang sử dụng Căn cước công dân còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang Thẻ Căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi. C06 cho biết, Luật Căn cước giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

 Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng C06 thông tin tại lễ phát động. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng C06 thông tin tại lễ phát động. Ảnh: ĐỖ TRUNG

C06 cho biết, công dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công sẽ giảm bớt các thủ tục xác minh thông tin, có thể chia sẻ thông tin của mình để tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông... Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng C06, hiện nay, công dân có thể đăng ký và sử dụng các tiện ích từ tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử (VNEID).

“Việc định danh chính xác cá nhân trên môi trường số là bước chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích chính, đặc biệt giúp cho việc minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử”, Thiếu tướng Cương cho biết.

Tại lễ phát động, Cục trưởng C06 đề nghị lực lượng cảnh sát quản lý hành chính bám sát chỉ đạo của Bộ Công an để triển khai quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, cam kết hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao từ pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, công nghệ, giải pháp, an ninh, an toàn và nhân lực vật lực.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ha-noi-nhung-cong-dan-dau-tien-nhan-the-can-cuoc-post747222.html