Những cây cầu 'sát thủ'
Những cây cầu được xây lên với sứ mệnh nối hai bờ vui, người dân dễ dàng đi qua những dòng sông lớn để giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội. Ấy vậy mà, chẳng biết từ bao giờ, một số cây cầu bất đắc dĩ bị 'đổi chức năng' trở thành những cây cầu với biệt danh 'xóa nợ', 'cầu chết', 'cầu giải thoát', 'cầu sát thủ'...
Liên tục “rơi nước mắt” chứng kiến cảnh nhảy cầu
Cầu Long Biên - cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành, là một trong những biểu tượng đã đi vào lòng biết bao nhiêu thế hệ người dân Thủ đô với bao kỷ niệm đẹp về thời tuổi trẻ. Nhưng ít ai biết rằng, cây cầu sắt cổ kính hơn trăm tuổi vẫn rung rinh với hàng chục chuyến tàu hỏa đi lại liên tục cũng “rơi nước mắt” khi chứng kiến nhiều người dại dột gieo mình vào vùng nước xoáy của sông Hồng để chấm dứt cuộc sống…
Ông Nguyễn Khoa, 70 tuổi (Long Biên, Hà Nội) từng gắn bó gần hết cuộc đời với cây cầu sắt này đã chứng kiến biết bao trường hợp nhảy cầu tự tử. Theo ông Nguyễn Khoa, với 101 lý do kết thúc cuộc đời: thất tình, bệnh tật, mâu thuẫn gia đình, gia cảnh khó khăn nhưng có lẽ bị phá sản do cờ bạc chiếm số lượng lớn.
Ông có thói quen hay đi bộ trên lan can cầu từ bờ sông này sang bờ sông kia ngày ngày suốt bao năm nay. Hồi còn trẻ, đã bao lần ông chứng kiến cảnh gieo mình tự tử mà không kịp chạy tới ngăn. Thấy người chết trước mắt mà không cứu được, ông Khoa thấy day dứt. Vì lẽ đó, ông đã rút ra kinh nghiệm… “phách vị”… người muốn tự tử để cứu sớm.
Theo ông Khoa, người chuẩn bị “giải thoát” sẽ có những biểu hiện như: Đứng trên cầu mặt buồn rười rượi, nghĩ điều gì đó mà không để ý tới xung quanh, nhìn xuống dòng sông đang chảy xiết, dựng xe đạp, hay xe máy gần thành cầu để dễ dàng trèo lên xe, vượt qua lan can cầu nhảy xuống… Khi nhận thấy những biểu hiện này, ông Khoa thường tới gần, khơi gợi chuyện trò để họ có thể trút được nỗi lòng. Lúc ấy, ông Khoa lựa lời khuyên nhủ họ bỏ ý định gieo mình xuống dòng sông sâu. Không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.
Có lần ông Khoa chuyện trò, khuyên nhủ nhẹ nhàng nhưng vẫn bị một thanh niên đáng tuổi cháu mình mắng nhiếc, chửi rủa với câu rất khó nghe: “Ông rỗi hơi à mà đứng đây lải nhải với tôi. Tôi bây giờ chỉ muốn chết để giải thoát món nợ hơn một tỷ đồng tôi thua cờ bạc. Ông có trả nợ giùm tôi không mà bảo tôi sống. Tôi sống để bọn giang hồ nó giết tôi à?”.
Những lúc này, ông Khoa trở thành “nhà tư vấn miễn phí” kể những câu chuyện, hoàn cảnh tương tự và họ đã đối mặt với hiện tại, bản lĩnh đứng lên chăm chỉ làm việc, không chơi bời, trả nợ dần. Sau một thời gian họ đã trả nợ và bắt đầu hồi phục kinh tế…
“Dường như, một số người thấy tôi nhiệt thành lại thật thà nên họ tin tưởng, đã tĩnh tâm và thay đổi ý định “bán mạng cho hà mã”. Lấy xe ra về và không quên cám ơn tôi. Cứu được thêm một người, tôi thấy vui lắm.” - ông Khoa phấn khởi.
Nhưng không phải lúc nào ông Khoa cũng vô tình đi ngang gặp người “muốn chết” để mình có cơ hội cứu. Vậy nên, cầu Long Biên vẫn chứng kiến những cảnh “trẫm mình”.
Cầu Hóa An là một trong những cây cầu lớn bắc qua sông Đồng Nai, nằm trên tuyến QL 1K, kéo dài từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) qua thị xã Dĩ An (Bình Dương) rồi tới quận Thủ Đức (TP HCM). Cây cầu này là “bến đáp” để một số người tìm đến cái chết. Theo những người dân ở đây, lan can cầu không cao như những cây cầu khác. Vì thế, người có ý đồ tự tử, khi đi bộ ngang qua cầu có thể leo nhanh qua lan can rồi ùm một cái là đã ở dưới mặt nước, khiến cho những người khác đang qua cầu bị bất ngờ, trở tay không kịp.
Anh Trịnh Xuân Chiến, 45 tuổi, dân vạn chài kể: “Người ta nhảy cầu tự tử ở đây khá nhiều. Chúng tôi đang đánh bắt cá trên sông nghe kêu cứu của người dân trên hồ. Khi lặn xuống tìm cứu, lúc cứu được, lúc lại không tìm thấy. Thường họ hay nhảy cầu vào ban đêm nên càng khó tìm. Chỉ còn nước chờ trời sáng đi mò tìm vớt xác lên thôi. Buồn!”. Dường như khá nhiều người tự tử nơi đây, dân Hóa An, dân Biên Hòa mới gọi cây cầu này là cầu “xóa nợ”, với ý nghĩa rằng đây là nơi đã có nhiều người tìm đến cái chết để xóa đi cái nợ đời.
10 người nhảy cầu, may ra chỉ cứu được 1 người
Cây cầu được mệnh danh là “xóa nợ tiền” đệ nhất Việt Nam có lẽ là cầu Gò Dầu ở thị trấn Gò Dầu, Tây Ninh. Trong những cây cầu bắc ngang qua sông Vàm Cỏ Đông, Gò Dầu có thể xếp vào hàng những cây cầu lớn. Trước đây, cây cầu này chẳng có biệt danh gì cả. Nhưng từ khi casino bắt đầu xuất hiện bên kia cửa khẩu Mộc Bài hồi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cầu Gò Dầu đã bị dân Tây Ninh gọi ngay là cầu “xóa nợ”.
“Số phận” cầu Gò gắn với biệt danh buồn ấy là bởi cây cầu nằm ngay trên con đường dẫn tới cửa khẩu Mộc Bài - cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia - và chỉ cách cửa khẩu này chừng mươi cây số. Khi các sòng bạc đua nhau mọc lên bên kia cửa khẩu Mộc Bài, dân Sài Gòn, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai…, ào ào rủ nhau lên Mộc Bài để qua bên kia biên giới hòng kiếm nhiều tiền bằng cuộc đỏ đen. Phong trào sang Campuchia đánh bạc cuốn theo không ít người dân huyện Gò Dầu, từ đại gia tới người nghèo.
Họ trở thành con bạc “khát máu” từ lúc nào. Và những đồng tiền mồ hôi nước mắt hay vay nợ lãi cao đều “tan theo những lá bài”. Bị các chủ nợ đòi riết, thậm chí chặt ngón tay gửi về nhà ép gia đình trả nợ. Không có tiền, hoảng loạn, bí bách, họ đã qua cầu Gò nhảy sông tự tử như để “xóa nợ” trần gian. Nước dưới chân cầu Gò Dầu có luồng xoáy. Người nhảy xuống bị cuốn đi rất nhanh. Mặt nước dưới chân cầu Gò Dầu lại thường bị phủ kín bởi lục bình. Khi thấy có người nhảy xuống, dân sống sát chân cầu, dù có sẵn ghe xuồng ở đó, cũng không thể ra cứu kịp thời vì bị lục bình cản trở. Vì thế, 10 con bạc nhảy cầu Gò Dầu, may ra chỉ cứu được 1 người. “Nếu nhảy từ trên xuống khó là khó lòng sống nổi” – người dân quanh đó nhận định.
Số người quẫn trí nhiều và bất thường đến mức chính quyền địa phương phải nghĩ ra giải pháp… giăng lưới ở hai bên thành cầu để “bắt” người nhảy xuống.
Lại có chiếc cầu mệnh danh “cầu xóa buồn phiền”. Đó là cây cầu Rạch Miễu (Mỹ Tho). Theo Công an TP. Mỹ Tho và Công ty CP BOT cầu Rạch Miễu, từ khi cầu khánh thành, sử dụng vào tháng 1/2009 đến nay đã có hơn 40 trường hợp người dân chọn phần tĩnh không thông thuyền của cầu dây văng làm nơi… kết thúc cuộc đời. Có đủ mọi nguyên nhân tự tử, thất tình nhảy cầu, bệnh nan y nhảy cầu, mắc nợ đầm đìa, cuộc sống bế tắc cũng nhảy cầu, thậm chí có trường hợp rủ bạn nhậu bạn không chịu nhậu cũng… chạy lên cầu nhảy xuống sông. Hầu như năm nào cũng xảy ra vài ba vụ nhảy cầu tự tử và lần nào các cơ quan hữu trách cũng rất vất vả để tìm nạn nhân.
Cầu “giã biệt” hay cầu “xóa nợ” là tên gọi khác được nhiều người dân xứ Huế dành cho cây cầu Dã Viên. Bởi sau khi đưa vào sử dụng, cây cầu phải chứng kiến hàng chục người tìm đến để tự kết liễu đời mình vì áp lực, bệnh tật, mâu thuẫn chuyện tình cảm hay túng quẫn, nợ nần. Trái với hình ảnh những ngày đầu đông đúc người dân đi bộ, hóng mát thì ngày nay không khí càng về khuya càng u uất bởi ám ảnh với những vụ tự tử liên tiếp xảy ra. Ông Đình Văn Tam (43 tuổi, phường Đúc, TP Huế) ngồi hóng mát dưới chân cầu Dã Viên, nói: “Chưa thấy cây cầu nào như cây cầu này, bình quân tháng nào cũng có người tự tử. Mà đặc biệt, nhảy xuống cây cầu này thì hiếm ai còn sống sót”.
Nhiều người tìm đến cầu Bính, cây cầu đẹp nhất đất Cảng Hải Phòng để tự tử. Một số người may mắn khi cận kề cái chết được lực lượng chức năng và người dân “giằng co” với thần chết để đưa họ trở về với cuộc đời. Mới đây trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại toàn bộ diễn biến vụ nhảy cầu Bính tự tử đã khiến người xem không khỏi rợn người. Đó là một phụ nữ chừng 40 tuổi ngồi vắt vẻo ngoài lan can cầu Bính. Nhiều người chứng kiến tìm đủ mọi cách khuyên can nhưng không được. Giữa sự sống và cái chết chỉ là cái buông tay. Hàng trăm người đứng bên thành cầu đồng loạt kêu thất thanh khi người phụ lao mình xuống sông từ vị trí cao nhất của cầu. Đến khi rơi xuống nước rồi nạn nhân nhanh chóng nổi lên lóp ngóp trên mặt nước, nhiều người đứng trên bờ hô hoán, nhưng khó có ai dám ra tay khi dưới sông thăm thẳm không thuyền bè qua lại. Nạn nhân sau vài phút vùng vẫy trên mặt nước đã bị dòng nước xiết nhấn chìm và cuốn đi…
Chị Hoàng Lê, người bán trà đá gần đó than: “Vì mưu sinh tôi ngồi bán trà nước dưới chân cầu. Gớm, có đận, vài hôm lại có người nhảy cầu. Rồi họ vớt xác, thịt trương phềnh, trắng bệch. Tôi kinh hãi, ớn lạnh. Những lần đầu chứng kiến cảnh đó, tôi còn không ăn uống được, ngủ cũng bị ám ảnh. Trong hàng ngàn lý do, nhưng tôi thấy, lý do đầu tiên là họ đớn hèn, không dám đối mặt với cuộc sống, chạy trốn cuộc sống khiến cho gia đình thêm đau đớn, tủi hổ, ảnh hưởng xã hội và cây cầu thơ mộng bỗng bị mang tiếng xấu là “cây cầu giải thoát”, “cầu tự tự”, “cầu sát thủ”… Khổ ghê!”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nhung-cay-cau-sat-thu-547254.html