Những ca khúc viết từ sứ mệnh trái tim
Trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc chiến bảo vệ biên giới, có biết bao người con đất Việt đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần máu xương ở chiến trường. Lý tưởng sống đẹp đẽ, đáng trân trọng và tự hào của các chiến sĩ đã thổi vào âm nhạc không khí vừa bi tráng vừa lạc quan. Để rồi, bằng nghệ thuật khai thác đề tài lịch sử, cảm xúc chân thành, các nhạc sĩ đã làm nên những ca khúc sống mãi với thời gian.
Trong kháng chiến chống Pháp, tên tuổi nhiều anh hùng liệt sĩ đã đi vào những ca khúc với âm hưởng tôn vinh ngợi ca qua những ca khúc như “Bế Văn Đàn sống mãi” (Huy Du), “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Bài hát Ngô Mây” (Nguyễn Đức Toàn), “Những cánh chim Hồng Gấm” (Phạm Tuyên), “Núi rừng kể mãi về anh” (Nguyễn An), “Người chiến sĩ ấy” (Hoàng Vân)…
Đã 66 năm trôi qua, ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vẫn lay động hàng triệu con tim, khắc họa sâu đậm hình ảnh người nữ anh hùng của lực lượng CAND. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ, dù chưa một lần đặt chân tới Côn Đảo, nhưng câu chuyện về người con gái vùng đất đỏ bất khuất kiên trung và niềm xúc động vô bờ đã giúp ông hoàn thành rất nhanh ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Những lời ca giản dị nhưng mạnh mẽ, quả quyết: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng cả cuộc đời/ Để chiến đấu với niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước” cùng những giai điệu tha thiết, sâu lắng đã tạc lên tượng đài người chiến sĩ bằng âm nhạc đẹp kiêu hùng mà giản dị, thanh cao. Và cho đến hôm nay, mỗi khi đứng dưới bầu trời xanh Côn Đảo, trong vi vút gió hàng dương, giai điệu của ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vẫn khiến bao người xúc động nghẹn ngào…
Tới kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi bất khuất kiên trung trở thành cảm hứng cho hàng loạt bài hát ra đời “Lời anh vọng mãi ngàn năm” (Vũ Thanh), “Nguyễn Văn Trỗi - anh còn sống mãi” (Nguyễn Đức Toàn)… Cùng những ca khúc “Dáng đứng Việt Nam” (nhạc Nguyễn Chí Vũ, phỏng thơ Lê Anh Xuân), “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (Huy Du)…
Sau này, khi đất nước thống nhất, mạch nguồn của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã cho ra đời biết bao ca khúc dạt dào cảm xúc như “Màu hoa đỏ” (nhạc: Thuận Yến, thơ: Nguyễn Đức Mậu) với những câu hát mãi vang vọng trong lòng người yêu nhạc “Có ngươi lính mùa thu ấy, ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo…”.
Hay, không biết bao người mắt nhòa lệ giữa khói hương Thành cổ Quảng Trị khi nghe ca khúc “Cỏ non thành cổ” (Tân Huyền): “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình, với người hy sinh…”. Ngoài ra là những ca khúc xúc động về những người mẹ Việt Nam anh hùng: “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” (An Thuyên), “Người mẹ của tôi” (Xuân Hồng), “Huyền thoại mẹ” (Trịnh Công Sơn)…
Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ, 3 năm trong quân ngũ ở chiến trường khốc liệt Vị Xuyên (Hà Giang) đủ cho anh thấm thía ý nghĩa của ba từ Tổ quốc – Đồng đội – Đồng bào, đủ cảm xúc cho một đời sáng tác về người lính, chưa khi nào vơi cạn. Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp 27/7, anh lại lên Vị Xuyên và hình ảnh người nhạc sĩ trong bộ quân phục ôm đàn ghi ta hát giữa những người đồng đội, giữa nghĩa trang ngàn ngàn bia mộ đã là một hình ảnh vô cùng xúc động.
Những ca khúc về người lính của anh đều bắt nguồn từ câu chuyện của chính mình, của đồng đội, là chia sẻ, tâm tình cho những người còn sống và cả những người đã hy sinh. Nếu như “Lũy đá bất tử” là khúc tráng ca về những người lính Vị Xuyên “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử/ Lời thề tuổi xuân, nước Nam hào khí vọng vang”... thì “Về đây đồng đội ơi” như một lời hội quân, là tiếng gọi của những người còn sống với những người đã hy sinh. Ca khúc ra đời từ chia sẻ của một đồng đội với Trương Quý Hải: “Chúng ta đang được sống cuộc đời mình và phần đời anh em đã hy sinh trao tặng” vì vậy mà dạt dào thân thương mời gọi: “Về đây đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào”…
Trái lại, ca khúc “Hát cho người còn sống” lại là lời nhắn nhủ của những người đã hy sinh với những đồng đội còn sống trở về: “Biên cương đã sạch bóng thù, đồng đội ơi còn sống hãy về đi…tiện đường ghé thăm nhà tôi. Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng/ Mẹ hay nước mắt, cha thường lặng lẽ…”. Ca khúc “Thư về với mẹ”, sáng tác 1984 lại là những câu hát đã ra đời ở chiến hào, giữa khoảnh khắc ngưng tiếng súng “Mẹ ơi chiều nay nhận tin con, mẹ hãy yên lòng đừng lo nhiều mẹ nhé”. Sau này, miền ký ức về các đồng đội đã giúp nhạc sĩ Trương Quý Hải cho ra đời nhiều ca khúc như “Đàn én”, “Bóng chiều Tây Nam”, “Vòng tròn bất tử”…
Một điều đặc biệt là các ca khúc của nhạc sĩ Trương Quý Hải mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe nhất khi được chính anh biểu diễn, tại những “sân khấu đặc biệt” như nghĩa trang, chiến trường xưa. Khi ấy, không phải nhạc sĩ hay ca sĩ Trương Quý Hải mà giản dị là người lính đang tâm tình với đồng đội của mình. Viết về đồng đội, về chiến tranh nhưng với Trương Quý Hải, đó là cách anh gửi gắm khát vọng hòa bình, mong muốn bình yên đất trời như tâm nguyện của mọi người lính khi ra trận.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống âm nhạc (cha là Đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan, chú ruột là GS.NSND Trọng Bằng, nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam) nên dù theo nghiệp quân y nhưng âm nhạc luôn đồng hành cùng với Đại tá, PGS.TS, nhạc sĩ Trọng Lưu. Ba năm (1984 - 1987) công tác tại Viện quân y 39 thuộc Binh trạm 30 đóng quân tại Điện Biên, anh chứng kiến không ít những mất mát, hy sinh của đồng đội trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.
Sau này, với cương vị Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều bệnh nhân của anh là thương binh trở về từ chiến trường. Miền ký ức và sự trân trọng biết ơn những người lính đã ngã xuống để bảo vệ bờ cõi, non sông nước Việt mang đến cho nhạc sĩ Trọng Lưu nhiều ca khúc thành công. Anh trăn trở khi biết bao người lính hy sinh nhưng chưa được về với quê hương qua ca khúc “Cây ngàn hát khúc ru anh” (phổ thơ Lâm Bằng).
Đứng trước những ngôi mộ vô danh, trái tim nhạc sĩ đầy day dứt để rồi không chỉ làn hương mà mộ bia cũng mang hình dấu hỏi “Hàng hàng mộ bia hàng hàng dấu hỏi/ Anh còn nằm lại đâu?”. Nhưng, những người lính ấy dẫu còn nằm lại giữa núi rừng thì họ vẫn cùng nhau hát khúc quân hành “Một, hai, đâu có giặc là ta cứ đi”... Ngay từ khi ra đời, ca khúc đã nhận được sự yêu mến của công chúng và được trao tặng giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Phía sau mỗi người con ra trận là một người mẹ ngóng trông. Vì thế, không gì diễn tả sự mất mát của chiến tranh có sức lay động hơn là hình ảnh người mẹ lặng người trong nỗi đau ly biệt: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im” (“Đất nước”, Phạm Minh Tuấn). Và, người mẹ cũng chờ con như hóa đá trong ca khúc “Mẹ gọi tên anh” của nhạc sĩ Trọng Lưu, phổ thơ Lương Hữu Quang. “Mẹ ngồi đấy nhiều năm chờ đợi/ Thành tượng người vô cảm sóng thời gian/ Bóng già in tường vôi loang lổ/ Nước mắt đức tin đông thành đá lạnh”… Mẹ vẫn chờ, với một niềm tin rằng con sẽ trở về dù “Anh đã thành áng mây Trường Sơn/ Theo gió chiều bay xa thật xa”… để lại những day dứt khó gọi tên. Ngay từ khi ra đời đến nay, ca khúc thường xuyên được biểu diễn trong các chương trình trọng thể kỷ niệm ngày 27/7 cũng như các dịp lễ lớn của đất nước. Dòng cảm hứng này còn được nhạc sĩ Trọng Lưu gửi gắm vào một loạt ca khúc như “Lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông”, “Mẹ giờ nhớ tuổi xuân anh”, “Những nàng Tô Thị”, “Tình yêu hóa đá”…
Như nhạc sĩ Trọng Lưu tâm sự: “Dù trong thời chiến hay thời bình thì hình ảnh người lính luôn giản dị, kiêu hãnh, anh hùng. Dù ở trong hoàn cảnh nào ở họ luôn toát lên vẻ đẹp thanh cao tận trung, tận hiếu tràn đầy tình yêu thương” nên trong số các ca khúc về đề tài thương binh, liệt sĩ, có không ít tác phẩm dành để ngợi ca những thương binh “tàn nhưng không phế”.
Ca khúc “Chiếc mũ sao vàng bên khung cửa” của nhạc sĩ Trọng Lưu cũng được viết để tôn vinh người lính năm xưa đã tiếp tục công cuộc dựng xây đất nước ngày nay: “Trên vầng trán nghĩ suy từng giọt mồ hôi đổ. Từng con chữ nét đỏ nét xanh trăm dạ ngàn hình, xây những công trình đất nước”... Giống như trước đó, nhạc sĩ Trần Tiến vô cùng độc đáo khi dùng hình ảnh dấu chân tròn trên cát để khắc họa chân dung người thương binh về làng làm thầy giáo với niềm kính phục tràn đầy: “Anh thương binh vẫn đến trường làng/Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương” (Vết chân tròn trên cát).
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ: “Âm nhạc đi tìm cái đẹp và ngợi ca cái đẹp. Mà những người anh hùng là tiêu biểu của cái đẹp trong lịch sử chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Vì thế, các ca khúc hay về đề tài thương binh, liệt sĩ đều mang âm hưởng lạc quan, chứa đựng vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng. Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận định, mỗi tác phẩm âm nhạc về đề tài thương binh, liệt sĩ đều được chưng cất từ cảm xúc chân thành, tiếng nói của con tim của các nhạc sĩ để gửi gắm lòng biết ơn, truyền tải thông điệp “uống nước nhớ nguồn” tới những thế hệ mai sau.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-ca-khuc-viet-tu-su-menh-trai-tim-i738685/