Những bóng hồng trong làng báo ở vùng cao Lai Châu

Làm báo ở địa bàn vùng cao, biên giới như Lai Châu, với nam giới đã khó, với nữ giới càng khó khăn gấp bội phần. Công tác, làm việc ở các cơ quan với nhiều loại hình báo chí khác nhau, nhưng các nhà báo, phóng viên nữ nơi đây có một điểm chung là lòng yêu nghề, nhiệt huyết, sự dấn thân để có thể mang những thông tin nóng hổi tới công chúng.

"Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, đầu tiên phải kế đến đường giao thông đi lại vất vả. Vào mùa mưa các cung đường đèo rất nguy hiểm, đá có thể rơi bất cứ lúc nào. Thứ hai là trình độ dân trí người dân rất thấp, nên việc khai thác thông tin không dễ dàng chút nào".

"Địa bàn vùng cao biên giới, tôi và ê kíp thường phải có chuyến đi dài ngày và phải di chuyển bằng xe máy, đôi khi phải đi bộ nhiều giờ mới đến được điểm tác nghiệp. Có hôm trời mưa, xe hỏng giữa đường, tôi và đồng nghiệp phải đẩy xe hàng cây số".

Các nhà báo nữ thường xuyên có mặt ở cơ sở để thu thập tư liệu để phản ánh

Các nhà báo nữ thường xuyên có mặt ở cơ sở để thu thập tư liệu để phản ánh

Đó là chia sẻ của các phóng viên, nữ nhà báo đang công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lai Châu và Báo Lai Châu trong hành trình “khai sáng” bản làng, thực hiện nhiệm vụ "cầu nối" giữa ý Đảng - lòng dân. Mỗi chuyến đi là một hành trình, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng họ luôn tìm cách khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị Nguyễn Quỳnh Trang ở Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lai Châu đến nay đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề, nhưng vẫn đang chỉ hưởng chế độ cộng tác viên. Điều này đồng nghĩa với việc chị không có bất cứ chế độ nào của cơ quan chủ quản và nguồn thu nhập duy nhất của chị chỉ là nhuận bút hàng tháng. Vừa lo thiên chức của người vợ, người mẹ, vừa đảm đương nhiệm vụ cơ quan giao sao cho công tư vẹn toàn, chị phải dành hơn 100% sức lực để làm việc, thế nhưng chị vẫn cứ say nghề, vẫn miệt mài về cơ sở để thu thập thông tin, viết bài. Chị cho biết, mỗi chuyến đi, mỗi bản làng đều cho chị những trải nghiệm khác nhau và đều rất đáng trân quý.

Niềm vui của nữ phóng viên Đài PT - TH tỉnh Lai Châu bên những khuôn hình ứng ý

Niềm vui của nữ phóng viên Đài PT - TH tỉnh Lai Châu bên những khuôn hình ứng ý

"Chuyến đi gần nhất cũng mang rất nhiều cảm xúc, là hành trình chinh phục đỉnh hoa đỗ quyên, với độ cao 2.619 mét. Là phóng viên, trong hành trình leo núi, tôi luôn phải cố gắng bám đoàn, thậm chí là phải đi trước để có thể quay được những hình ảnh của các thành viên trong đoàn. Mỗi bước chân đi dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi đều tự nhủ để cố gắng vượt qua chính mình. Khi lên đến đỉnh được gặp những vạt rừng hoa đỗ quyên xinh đẹp, mọi mệt mỏi trong tôi tan biến hết. Tôi tự hào về nghề phóng viên đã cho tôi những trải nghiệm thú vị", chị Nguyễn Quỳnh Trang nói.

Cập nhật thông tin đều đặn trên báo điện tử và duy trì hơn 20 số báo thường kỳ, báo cuối tuần và báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao mỗi tháng, khối lượng công việc này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ người làm báo ở Báo Lai Châu. Để các ẩn phẩm được phát hành đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng, cung cấp cho độc giả, khán giả kịp thời và nhanh nhất, ngoài tin tức thời sự, đòi hỏi mỗi nhà báo, phóng viên của tòa soạn phải duy trì sản xuất đều đặn từ 15 – 20 bài viết mỗi tháng.

Nữ phóng viên Báo Lai Châu tác nghiệp tại vùng lũ

Nữ phóng viên Báo Lai Châu tác nghiệp tại vùng lũ

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Tổng Biên tập Báo Lai Châu cho biết: Tính cả đội ngũ phóng viên ký hợp đồng là cộng tác viên, đơn vị hiện có chưa đến 20 người trực tiếp sáng tạo tác phẩm, trong đó hơn 80% các phóng viên, nhà báo là nữ. Để bao quát được thông tin, địa bàn, trung bình mỗi huyện, thành phố được đơn vị bố trí 2 phóng viên phụ trách. Điều đó, đồng nghĩa với việc người viết phải sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực, loại hình báo chí. Khó khăn là vậy, nhưng suốt những năm qua, đội ngũ các phóng viên, nhà báo và cộng tác viên của đơn vị đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Các nhà báo nữ ở Lai Châu có thể tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh

Các nhà báo nữ ở Lai Châu có thể tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh

"Có những thời điểm có bạn nữ đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vào thời điểm mưa lũ gần 1 tháng ở trong địa bàn đó không về được với gia đình. Lúc đó thông tin lại mất liên lạc, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tác phẩm gửi về tòa soạn cho kịp thời. Khó khăn là vậy nhưng các bạn nữ phóng viên của Báo Lai Châu cũng không bao giờ nản lỏng. Các bạn rất là tâm huyết, trách nhiệm và là một lực lượng luôn tiên phong trong các lĩnh vực; để làm sao đảm bảo được tác phẩm đem đến cho khán giả những thông tin nhanh nhất và chính xác nhất", bà Vũ Thị Thu Hương chia sẻ.

Ông Nguyết Viết Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Lai Châu cho biết, hội viên của Hội Nhà báo Lai Châu hiện có gần 100 người, trong đó hội viên nữ chiếm một nửa. Đây là một trong những khó khăn của các cơ quan báo chí địa phương, khi phải đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền ở một địa bàn khó, địa hình rộng lại chia cắt. Thế nhưng, những thành công trong hoạt động Hội có sự đóng góp không nhỏ của các nữ phóng viên, nhà báo. Những trận mưa lũ, sạt lở ở vùng sâu, vùng xa; hay lúc phải vào tâm dịch khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát... đâu đâu cũng in dấu chân các nữ nhà báo.

Phóng viên Thu Trang, Báo Lai Châu đã có hơn 20 năm bám bản, bám biên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại địa phương

Phóng viên Thu Trang, Báo Lai Châu đã có hơn 20 năm bám bản, bám biên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại địa phương

"Với sự nhạy cảm và tinh tế, các nhà báo nữ thường xuyên mang đến các góc nhìn nhân văn và sâu sắc được thể hiện trong các bài viết và các phóng sự. Họ thường xuyên khai thác được các câu chuyện đời thường, có nhiều cảm xúc, góp phần làm tăng tính thuyết phục. Nhà báo nữ ở địa phương là những tấm gương về sự nỗ lực, kiên trì, nhất là tính sáng tạo, truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác. Qua đó khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xã hội, rồi theo đuổi sự nghiệp và đóng góp cho cộng đồng", ông Nguyết Viết Mạnh chia sẻ.

Sau hơn 20 năm chia tách, thành lập, tỉnh Lai Châu đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đang phấn đấu đến năm 2030 vươn lên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Trong từng chặng đường phấn đấu, có những đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo, trong đó có các nữ phóng viên. Vượt qua những khó khăn, thử thách, đội ngũ những người làm báo nữ nơi đây đã, đang dần khẳng định mình, trở thành những “bóng hồng” tỏa sáng trên mặt trận văn hóa tư tưởng ở vùng đất "phên dậu" của Tổ quốc.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-bong-hong-trong-lang-bao-o-vung-cao-lai-chau-post1102474.vov