Những bảng cấm vô tri vô giác

Ở những nơi công cộng, các bảng cấm được đặt với mục đích tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức để mọi người ứng xử một cách văn minh, đúng mực. Thế nhưng, trên thực tế, các loại biển cấm này đều trở nên vô hiệu lực bởi thái độ thờ ơ của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Ở những nơi công cộng như công viên, đường giao thông, bệnh viện, trường học… các loại biển cấm như: “Cấm xả rác bừa bãi”, “Cấm dẫm lên cỏ”, “Cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức”, “Cấm hút thuốc nơi công cộng”, “Dừng đèn đỏ, chứng tỏ văn minh”… được đặt san sát nhau và như một lời cảnh tỉnh để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người về cách ứng xử trong cuộc sống.

Thế nhưng, trước thái độ thờ ơ của một số người, những biển cấm này đã trở nên vô hiệu lực và nó như vật thể vô hình trong không khí.

Phóng viên đã khảo sát tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP.HCM như: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (nối quận 1 với quận Bình Thạnh), Bến Nhà Rồng (quận 4), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên Gia Định (quận Gò Vấp)… Mặc dầu các biển báo được đặt ở vị trí trung tâm, dễ quan sát nhưng vẫn có rất nhiều người thản nhiên vượt đèn đỏ, câu cá, xả rác, hút thuốc.

Thậm chí, một số bạn trẻ còn ngang nhiên dẫm lên cỏ xanh để chụp hình sống ảo. Hành động đó dù xuất phát từ sự vô tình hay cố ý thì nó cũng thể hiện ý thức và cách sống của mỗi người. Đây không chỉ là căn cứ để xã hội nhìn nhận, đánh giá mà hành động đó còn trực tiếp gây nên nhiều hậu quả xấu như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, nguy hiểm đến tính mạng của người khác…

Cạnh đó, những hành động thiếu ý thức của người lớn còn vô tình gieo vào đầu con trẻ những tư duy, suy nghĩ lệch lạc rồi dần dần, chúng sẽ bắt chước theo và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Những biển cấm vô hiệu lực. Ảnh: Internet

Đoàn Trang Nhung, sinh viên trường đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Bản thân mình thấy, mọi người đều phớt lờ trước các biển báo cấm, chỉ có một số ít là nghiêm chỉnh chấp hành. Theo mình, cần phải xử lí mạnh bằng cách phạt tiền để răn đe, nâng cao ý thức của mọi người. Cạnh đó cần tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các bạn trẻ để cùng nhau tuân thủ và ứng xử văn minh”.

Theo quan điểm của chị Trịnh Thị Yến Thanh – Bí thư Đoàn phường Bình An, quận 2 thì đa số những người làm công tác xã hội, tầng lớp tri thức mới thực sự quan tâm đến sự tồn tại của các biển cấm nơi công cộng còn đa số mọi người đều không quan tâm hoặc vô tình lãng quên nó. Chị cũng chia sẻ thêm cách tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên và người dân về các biển cấm thông qua các hoạt động thực tiễn, ví dụ như thử thách “Tuyên truyền biển báo cấm xả rác đến 10 người xung quanh”…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nhung-bang-cam-vo-tri-vo-giac-162136.html