Những ân tình từ cơ sở
'Chân chạy' - đó là câu nói quen thuộc mà ân tình từ những người dân ở cơ sở thân thương thường gắn cho chúng tôi.
“Chân chạy” - đó là câu nói quen thuộc mà những người dân ở cơ sở thân thương thường gắn cho chúng tôi. Chọn nghề báo, gắn với nghiệp viết, có lẽ không phải riêng tôi mà các đồng nghiệp khác cũng đều rong ruổi như thế. Nhưng đổi lại, từ những chuyến đi, chúng tôi đều được trải nghiệm nhiều điều mới lạ giúp người cầm bút “sống chất”, trưởng thành hơn.
Cảm xúc từ những cung đường
Ấn phẩm báo in Báo Công Thương phát hành 3 số/tuần, kèm theo nhiều ấn phẩm như: Dân tộc thiểu số và miền núi, Kinh tế Việt Nam, truyền hình…, riêng mảng báo điện tử cập nhật thông tin liên tục, đòi hỏi những người làm báo không được phép đóng khung trong một khuôn mẫu. Không bó hẹp ở môi trường cố định, không lặp đi lặp lại một công việc hàng ngày, hàng tuần, phóng viên chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng “xách ba lô và đi”.
Nghệ An có dân số hơn ba triệu người, trong đó, gần nửa triệu người là các dân tộc thiểu số; 85% diện tích đồi núi; nơi có bốn huyện miền núi 30a và đặc biệt khó khăn; nơi có gần 500 km đường biên với nước bạn Lào… nên việc đi lại, tác nghiệp của phóng viên gặp không ít khó khăn. Từ Vinh lên đến Mường Xén - huyện lỵ của huyện biên giới 30a Kỳ Sơn bình thường phải đi mất 4 - 5 giờ đồng hồ, chưa kể, đến các xã biên giới phải mất nhiều giờ đồng hồ nữa với bao cung đường đèo, dốc quanh co nguy hiểm.
Có những chuyến ngược núi, vào tận nơi “sơn cùng, thủy tận”, đêm xuống, xin ngủ nhờ nhà dân, gặp bữa, người dân lấy thêm đôi đũa, cái bát ăn cùng. Từ những người xa lạ, nhưng cứ nghe thấy là nhà báo, phóng viên, chẳng ai khước từ, nặng nhẹ mà luôn cởi mở, hiếu khách. Trên dọc ngang những nẻo đường tác nghiệp ấy, sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của cơ sở, người dân đã phần nào giúp chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn, thêm động lực, gắn bó với nghề.
Mỗi lần đi thực tế, chúng tôi nhận được những ân tình từ cơ sở. Nhiều người sẵn sàng đùm bọc tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp phóng viên thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Đó là chuyến đi về xã Na Loi (xã vùng biên giới của huyện Kỳ Sơn). Lần đó, có tôi cùng nhà báo Mỹ Hà (báo Nghệ An) và Bích Huệ (PV Thông tấn xã ở Nghệ An). Khi xong việc ngẩng đầu lên, mặt trời đã khuất núi từ bao giờ, mấy chị em mới thu dọn máy móc, đồ đoàn đề hạ sơn. Chiều tối, con đường trở ra thị trấn bỗng nhão nhoẹt khi có trận mưa từ ban chiều đã khiến tay lái của tôi chuệnh choạng, nhiều lần suýt lao xuống ruộng. Suốt chặng đường dài, luôn trong trạng thái căng thẳng làm sao giữ cho chiếc xe không chệch đường. Đi được vài km đường lầy lội hơn, toàn bộ phần thân trước ngập trong bùn đất nhão nhoét, trời thì tối, nhà dân không có điện tối om…, mấy chị em đành bỏ xe, bỏ giày dép lội bộ vào nhà dân nhờ giúp…
Học được nhiều qua những chuyến đi
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng lớn, thiên nhiên khắc nghiệt. Còn nhớ, nhiều năm trước, có lần đi làm tin bão lũ miền núi, dọc đường không biết bao lần cứ nghĩ không đi tiếp được, nhưng rồi cả nhóm lại động viên nhau. Cho tới khi đến nơi, nhìn những rẫy lúa, nương rau đang vào vụ thu hoạch đều ngã rạp, nhuốm một màu bùn nâu, có đám lớp đất phía trên cũng bị cuốn phăng, chỉ còn trơ lại đá là đá; nhìn gương mặt bần thần, khắc khổ chất chứa lo toan, những vất vả, mệt nhọc của tôi trong buổi làm việc ấy có đáng là gì. Tôi càng thấy trân quý hơn những điều mình đang có, biết bằng lòng với hiện tại, biết nghĩ đến những điều xa xôi - nói theo ngôn ngữ các bạn trẻ là “sống chậm” để hiểu nhiều hơn về cuộc đời.
Do đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi thường xuyên phải đi công tác ở cơ sở. Có đi mới thấy, nhiều tấm gương cán bộ thương dân như chính người thân trong nhà. Đâu đó trong đời sống xã hội hiện nay, vẫn còn những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, không được lòng dân… nhưng bên cạnh đó, còn nhiều tấm gương là anh, chị cán bộ chuyên môn của huyện, xã; cán bộ Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên; hay những già làng, trưởng bản… luôn đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Đi cơ sở nhiều và hiểu biết nhiều hơn, đôi lúc, tôi tự nhủ “Lương hàng tháng của cán bộ cơ sở nhiều khi không đủ tiền điện thoại, đổ xăng, mà sao có nhiều người làm việc năng nổ, nhiệt huyết đến vậy!”.
Cũng từ các chuyến đi ấy, tôi có cơ hội gặp được những người anh, người chị, những bác nông dân thương mến, cho đến nay vẫn thường gọi điện thăm hỏi, động viên trong công việc. Đó là món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh, thêm năng lượng để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục guồng quay công việc của một nhà báo, là thông tin, phản ánh đúng sự thật về đời sống của người dân, nói lên tâm tư nguyện vọng của họ.
Tự hào với nghề, những người làm báo luôn nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, viết sao cho xứng đáng với tình cảm của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đã dành trọn vẹn và gửi gắm, để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-an-tinh-tu-co-so-258846.html