Như vẫn có ba trong cuộc đời!
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các cấp, các ngành ở Trung ương, ở tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ba-Đại tướng Chu Huy Mân, lòng con không khỏi bồi hồi xúc động.
Nỗi nhớ ba càng thêm da diết khôn nguôi và biết bao kỷ niệm ngày còn bên ba cứ thế ùa về. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ba, 17 năm từ ngày ba “về với thế giới người hiền”, nhưng với chúng con, ba vẫn sống mãi trong từng câu chuyện, từng kỷ vật.
Cứ mỗi độ tháng ba về, con lại thầm nghĩ, thế là gần đến ngày sinh của ba. Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, 17 tuổi đứng trong hàng ngũ của Đảng, 93 tuổi đời, 76 tuổi Đảng cho đến khi đi xa, ba đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho Đảng, cho cách mạng, cho quê hương, cho dân tộc... Chặng đường ba đã đi qua, biết bao khó khăn, chông gai, gian khổ, cam go... Nhìn lại sự nghiệp cách mạng rất đỗi tự hào của ba, con càng thêm tự hào hơn, bởi dù ở bất kỳ vị trí nào, cương vị gì, ba vẫn luôn tận tâm, tận lực, luôn giữ trọn lời thề son sắt trong ngày được kết nạp Đảng: “Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Nếu bị địch bắt, bị tra tấn cực hình, dụ dỗ, mua chuộc tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”. Ba đã làm tròn sứ mệnh của mình trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân, để lại trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi con người, mỗi vùng đất mà ba đã đi qua những tình cảm sâu sắc mà nhiều người không dễ gì quên được.
Trong số tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ba có niềm tự hào riêng và cũng là niềm tự hào của chúng con, bởi ba là vị Đại tướng duy nhất so với những Đại tướng cùng thời được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ rất sớm (tháng 12-1930). Sinh thời, số tuổi Đảng của ba luôn trùng với tuổi của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm bao nhiêu năm ngày thành lập thì tuổi Đảng của ba cũng là bấy nhiêu năm, chẳng khi nào nhầm. Sau này, chúng con biết thêm, ba cũng có vinh dự đặc biệt là từ rất sớm, cả hai lần bộ đội ta làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Trung Quốc (tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949) và cố vấn quân sự giúp quân đội Pathet Lào (1954-1957), ba đều được nhận chỉ thị từ Bác Hồ kính yêu. Ba đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Người và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm ngời sáng tinh thần quốc tế vô sản chân chính của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Viết về ba-một con người vô cùng tình cảm, con lại nhớ tới mẹ. Con được nghe kể, năm 1952, Tỉnh ủy Bắc Giang đã “xe duyên” cho ba và mẹ, một anh lính chiến trận với một cán bộ hội phụ nữ. Rồi sau đó, cũng như biết bao người phụ nữ Việt Nam thời chiến, mẹ đã vượt lên tất cả, chịu thương, chịu khó thay chồng nuôi dạy con cái trưởng thành... Con cũng được biết, tên của con và các em được ba mẹ đặt để lưu lại kỷ niệm, sự gắn bó, ân tình với những vùng đất mà ba mẹ đã từng công tác, chiến đấu. Con sinh ở Hà Nội nên ba đặt tên Hà, em trai Thế Sơn sinh ở Sơn La và em gái út Minh Châu sinh ở Thuận Châu, Tây Bắc.
Suốt cuộc đời binh nghiệp, thời gian ba sống và chiến đấu ở chiến trường nhiều hơn ở nhà, khó có thể nhớ hết những chiến dịch, những trận đánh mà ba đã từng trải qua. Năm 1964, sau khóa huấn luyện tại Học viện Quân sự cấp cao M. V. Frunze (Liên Xô), ngay khi về nước, ba lên đường vào chiến trường miền Nam liên tục cho đến ngày thống nhất đất nước. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ấy, như bao bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ chúng con có mẹ ở bên và những câu chuyện mẹ kể về ba, bởi thế mà hình ảnh thân thương của ba luôn gần gũi ở bên chúng con.
Con nhớ những lần ba từ chiến trường về họp, tranh thủ ghé thăm nhà, khi đó gia đình mới có được chút thời gian bên nhau. Sau này khi lớn lên, con và các em dần hiểu thêm về công việc và cuộc đời binh nghiệp của ba qua những câu chuyện từ các đồng đội của ba. Mọi người thường kể rằng, ba rất nghiêm khắc trong kỷ luật chiến trường nhưng cũng rất đỗi thương yêu bộ đội. Ở mỗi điểm đơn vị đóng quân, ba thường nhắc bộ đội trồng lại 2-3 gốc sắn mỗi khi nhổ 1 gốc sắn lên để các đồng đội đến sau có sắn ăn. Hay như chuyện ba tự tay chọn và chặt vát một gốc tre già để thay xẻng làm dụng cụ đào công sự, qua đó khích lệ tinh thần của bộ đội vượt qua khó khăn, đánh thắng quân thù. Đồng đội của ba còn kể lại, ở căn cứ đóng quân của Quân khu 5 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ba là người đứng đầu nhưng sinh hoạt rất giản dị. Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng vẫn ngăn nắp, gọn gàng. Ở đó có vườn cam Vinh được ba đưa giống từ quê hương Nghệ An vào trồng với ước muốn là sẽ có những trái cam để mời đồng đội sau mỗi trận chiến đấu...
Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, hơn ai hết, ba thấu hiểu những mất mát, hy sinh của bộ đội nên tình yêu thương, sự quan tâm của ba với đồng chí, đồng đội thật dung dị và rất đỗi đời thường. Con nhớ năm 1977, ba giữ trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay những ngày đầu tiên nhận công tác, ba đã yêu cầu cơ quan văn phòng nắm lại trong Tổng cục có bao nhiêu chị em đã qua chiến tranh mà chưa xây dựng gia đình và giao cho các cơ quan có kế hoạch chăm lo đời sống riêng cho chị em... Chỉ một việc làm nhỏ bé thôi nhưng con cảm nhận rõ ở ba tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương mọi người. Những câu chuyện về bài học triết lý cuộc đời mà ba thường dạy chúng con “người với người sống để yêu thương nhau” vẫn và sẽ còn mãi theo con đến suốt cuộc đời.
Sau này, khi ba tuổi đã cao, chúng con hiểu thêm nhiều hơn về ba từ những câu chuyện của các chú, các cô trong những lần gặp mặt truyền thống, mừng xuân, chúc thọ được tổ chức đầm ấm tại nhà mình... Ba vẫn luôn lấy mình làm tấm gương vô cùng kỷ luật, kiên trì, nghiêm túc trong mọi việc để cho chúng con tự học, tự rèn. Con còn nhớ, mẹ mong con theo học ngành y vì theo mẹ con phù hợp với ngành này. Còn ba, trong sâu thẳm ba luôn mong muốn chúng con vào lực lượng vũ trang để được tôi luyện trong môi trường Quân đội. Bởi thế, con đã lựa chọn học ngành y theo mong muốn của mẹ và vào học tập, phục vụ trong Quân đội theo ước muốn của ba. Tự hào về ba, chúng con nối tiếp bước ba trở thành những người lính, xứng đáng là con của ba, xứng đáng với cuộc đời cách mạng đầy sôi động và rất đỗi vinh quang của ba.
Cuộc đời và sự nghiệp của ba đầy ắp những sự kiện, những vất vả gian lao, thậm chí cả những lúc cận kề sống-chết. Con gái của ba luôn thấu hiểu trong trái tim ba vẫn sục sôi nhiệt huyết cách mạng, vẫn muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho Đảng, cho Tổ quốc và ba luôn suy nghĩ làm được những gì tốt đẹp cho đời. Con không thể quên được hình ảnh của ba trăn trở bên những trang bản thảo cuốn sách “Người chính ủy trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, dù lúc đó sức khỏe của ba không tốt. Để rồi, mong muốn, tâm huyết cả cuộc đời ba muốn gửi gắm lại cho mai sau đã thành hiện thực khi cuốn sách được xuất bản trước ngày ba đi xa.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ba, 17 năm từ ngày ba đi xa, nhưng với chúng con, ba vẫn luôn ở đây, gần gũi, yêu thương như ngày nào. Căn nhà nhỏ của gia đình ta vẫn thấp thoáng bóng dáng, bước chân ba mỗi sớm, mỗi chiều; vẫn văng vẳng đâu đây tiếng ba nói, cười; vẫn đầy ắp tình yêu thương ba, mẹ dành cho các con. Cuộc đời, sự nghiệp và những điều tốt đẹp của ba để lại cho thế hệ mai sau vẫn còn đó, hiện hữu trong công việc hằng ngày của các con, cháu và mỗi cán bộ, chiến sĩ, trong từng câu chuyện của những người đồng chí, đồng đội của gia đình... Tình yêu thương, nụ cười ấm áp của ba vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm và luôn đẹp mãi trong lòng chúng con!
Đại tá, bác sĩ CHU MINH HÀ
(con gái Đại tướng Chu Huy Mân)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhu-van-co-ba-trong-cuoc-doi-721756