Nhu cầu nhân lực ngành Điều dưỡng ngày càng cao, cơ hội việc làm lớn

Với đặc thù của công tác chăm sóc, người học cần có phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức trách nhiệm cao, có lòng trung thực, sự ân cần và cảm thông sâu sắc...

Cùng với nhu cầu về kinh tế là nhu cầu về cải thiện sức khỏe của con người, điều dưỡng chính là một trong những ngành quan trọng trong khối ngành Sức khỏe, có vai trò lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe con người.

Chính vì vậy, ngành Điều dưỡng ngày càng khẳng định vị thế của mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đây cũng là một ngành học đang được nhiều thí sinh quan tâm.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nông Phương Mai - Trưởng Khoa Điều Dưỡng, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết, nhà trường là một trong những cơ sở giáo dục có Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng trình độ cử nhân sớm trong cả nước.

Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng hiện tại đảm bảo sự tương thích trong chuỗi chuẩn đầu ra, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá của tất cả các học phần nhằm đáp ứng chuẩn năng lực của Điều dưỡng Việt Nam.

Sinh viên ngành Điều Dưỡng tại Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên sẽ được học và phát triển các kiến thức cơ bản, cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành Điều dưỡng từ cơ bản đến nâng cao và kỹ năng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh.

Các học phần chuyên ngành chính mà sinh viên được đào tạo: Điều dưỡng cơ bản; Huấn Luyện kỹ năng Điều dưỡng; Điều dưỡng cộng đồng, Điều dưỡng Tâm thần; Quản lý Điều dưỡng; Điều dưỡng Bà mẹ và trẻ em; Điều dưỡng Sản phụ khoa; Điều dưỡng Người trưởng thành; Điều dưỡng Người già; Điều dưỡng Hồi sức cấp cứu; Điều dưỡng Thảm họa; Điều dưỡng Hộ gia đình, Điều dưỡng Truyền nhiễm; Phục Hồi chức năng; Y học cổ truyền; Điều dưỡng thảm họa; Kiểm soát nhiễm khuẩn và tính chuyên nghiệp.

Các học phần trên được lồng ghép cùng với các kiến thức cơ bản (Chính trị - Giáo dục thể chất – Giáo dục Quốc Phòng an ninh – Tin học – Ngoại ngữ), những kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên (Kỹ năng giao tiếp - Kỹ năng phối hợp làm việc nhóm - Kỹ năng ra quyết định - Kỹ năng làm việc độc lập) sẽ rèn luyện cho sinh viên những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, năng lực chăm người bệnh toàn diện, … giúp sinh viên trở thành người điều dưỡng đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng, sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Một góc khuôn viên Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quang, Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng chia sẻ, khoa Điều dưỡng được thành lập từ năm 2009 với mục tiêu: Đào tạo cử nhân điều dưỡng có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ đúng đắn, có kiến thức khoa học cơ bản vững chắc, có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề theo tiêu chuẩn năng lực nghề điều dưỡng ở trình độ đại học, có sức khỏe, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, tự học và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, mục tiêu của chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với sứ mạng –tầm nhìn - triết lý giáo dục của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và của Khoa Điều dưỡng.

Về chương trình đào tạo đại học ngành Điều dưỡng, đối với hệ chính quy là 4 năm, đối với hệ liên thông từ trình độ cao đẳng là 2 năm và dự kiến từ năm 2029, nhà trường sẽ đào tạo ngành Điều dưỡng hệ chính quy theo chương trình tiên tiến dạy học bằng tiếng Anh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Văn Quang (thứ 2 từ trái sang, hàng đầu tiên) thăm một trong các cơ sở tiếp nhận điều dưỡng Trường đại học Y Dược Hải Phòng tại Nhật Bản vào tháng 5 năm 2023. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về những thuận lợi trong công tác tuyển sinh ngành Điều Dưỡng, theo cô Mai, với sự gia tăng của dân số thế giới cùng với sự già hóa dân số nhanh sẽ dẫn đến nhu cầu cần nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nguồn nhân lực Điều dưỡng ngày càng lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, người Điều dưỡng có thể hành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các cơ sở y tế, các cơ sở đào tạo, các tổ chức y tế công lập và ngoài công lập ở Việt Nam và ở nhiều nước trên thế giới.

Đồng thời, ngành học này cũng mang lại cơ hội phát triển bản thân thông qua việc học hỏi kiến thức và kỹ năng mới cũng như trải nghiệm thực tế trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Theo thầy Quang, về giảng dạy, khoa luôn đổi mới phương pháp giảng dạy dựa trên năng lực, tiếp cận vấn đề để đáp ứng tốt chuẩn đầu ra của ngành.

Các chương trình giảng dạy, sách và các giáo trình luôn được cập nhật, biên soạn cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, tư liệu sách tham khảo của khoa có đầy đủ đầu sách phục vụ cho các cán bộ học tập và nghiên cứu, trong đó có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh.

Cùng với đó, nhiều đề tài nghiệm thu cấp cơ sở, bài báo được tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế cũng được nhà trường cập nhật đầy đủ.

Tuy nhiên vì là ngành đặc thù nên cũng còn gặp một số khó khăn, cô Mai chia sẻ, yêu cầu về ngưỡng điểm sàn của khối ngành sức khỏe còn cao so với mặt bằng chung các ngành đào tạo khác. Bởi đặc thù của khối ngành sức khỏe là chăm sóc con người nên cần đội ngũ thí sinh có kiến thức, năng lực và đạo đức tốt.

Bên cạnh đó, khi đại dịch COVID 19 xảy ra, chúng ta đã chứng kiến sự vất vả, hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế nói chung và đội ngũ Điều dưỡng nói riêng, chính vì vậy, một số thí sinh và phụ huynh có tâm lý sợ vất vả khi theo học ngành này.

Ngoài ra, học phí của các ngành/các trường thuộc khối ngành sức khỏe tương đối cao so với mặt bằng chung các ngành nghề khác, đây có thể là một rào cản đối với một số thí sinh. Tuy nhiên, với xu thế tự chủ đại học, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo thì học phí trong khối ngành sức khỏe tăng sẽ là một điều tất yếu trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Cũng theo cô Mai, là một ngành thuộc khối ngành sức khỏe, để học tập và thành công trong ngành Điều dưỡng, người học cần có ý thức trách nhiệm cao, có lòng trung thực, có sự ân cần và cảm thông sâu sắc, có tính mềm mỏng và nguyên tắc cũng như tính khẩn trương và tự tin.

Bên cạnh đó, người học cũng cần có lòng say mê nghề nghiệp, khả năng tự định hướng học tập cao, biết quan sát và đánh giá người bệnh, chăm chỉ rèn luyện các kỹ năng chăm sóc để có được Kiến thức chuyên môn vững vàng, năng lực thực hành chăm sóc thành thạo, chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ tốt cũng là một lợi thế cho sự thành công của người Điều dưỡng trong giai đoạn sắp tới.

Để có kết quả học tập tốt, sinh viên Điều dưỡng cần có mục tiêu học tập rõ ràng, lập kế hoạch học tập cụ thể, chi tiết và thực hiện học tập chăm chỉ theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Trong quá trình học tập, sinh viên cần không ngại học hỏi, tìm kiếm các tài liệu tham khảo thêm cho mỗi chủ đề đang học tập, tích cực tham gia thảo luận. Sinh viên ngành Điều dưỡng cũng cần rèn luyện cho mình sức khỏe tốt để có thể tập trung hiệu quả trong việc học tập và làm việc. Thành công trong ngành Điều Dưỡng không chỉ đến từ kiến thức mà còn từ tinh thần, sự kiên trì và sự đam mê. Hãy luôn tự tin cố gắng nỗ lực hết mình và luôn tự hành về ngành nghề mà mình đã lựa chọn!

- Tiến sĩ Nông Phương Mai, Trưởng Khoa Điều Dưỡng, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên -

Tăng cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên ngành Điều dưỡng

Theo Phó Giáo sư, Tiến Sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quang, bên cạnh những giờ học lý thuyết được giảng dạy tại các giảng đường của trường, sinh viên sẽ được học các môn cơ bản, cơ sở ngành được bố trí học tại các phòng thực hành của trường.

Môn Tiền lâm sàng được bố trí tại tại các phòng thực hành tiền lâm sàng của trường; Môn Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng và Gia đình được bố trí thực tập tại Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế.

Khi thực hành điều dưỡng lâm sàng sẽ được bố trí tại các khoa lâm sàng thuộc các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hải Phòng: Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng; Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng; Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng; Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng…

Còn khi thực tập tốt nghiệp sinh viên sẽ được bố trí học tại các khoa lâm sàng bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh.

Chia sẻ về vị trí việc làm cho sinh viên ngành Điều Dưỡng khi tốt nghiệp, cô Mai cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Điều Dưỡng có thể hành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các cơ sở y tế, các cơ sở đào tạo, các tổ chức y tế y tế công lập và ngoài công lập ở Việt Nam và ở nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm đến việc hợp tác với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Nhà trường thường xuyên giữ mối liên hệ với Sở Y tế các tỉnh, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên cả nước, tiếp nhận thông tin về tuyển dụng nhân lực.

Đồng thời, trường cũng đã và đang tích cực tìm kiếm các đối tác hợp tác tại Nhật, Đức, Úc để kết nối, tạo thêm cơ hội thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Điều dưỡng sau tốt nghiệp.

Nhà trường đã có 02 cựusinh viên ngành Điều dưỡng thi đỗ chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng Quốc gia của Nhật và hàng trăm cựu sinh viên ngành Điều dưỡng đang chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở của Đức và Nhật Bản.

Khoa Điều Dưỡng, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cũng liên tục mở rộng các quan hệ hợp tác với các trường đại học lớn trên thế giới, phải kể đến đó là chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên với trường Đại học Kristianstad, Thụy Điển; Đại học Agen, Pháp; Đại học Brest, Pháp; Đại học Laval, Canada; Đại học Burapha, Thái Lan; Đại học Đài Bắc và Đại học Quốc lập Cao Hùng của Đài Loan.

Nhờ đó giảng viên và sinh viên khoa có thêm cơ hội trải nghiệm, giao lưu học tập, trao đổi kiến thức, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng như giao lưu văn hóa, mở rộng thêm tầm nhìn và thấy được tiềm năng của ngành Điều dưỡng.

Ngoài ra, sinh viên Điều dưỡng có thể đăng ký học tiếng Nhật và tiếng Đức, tiếng Hàn để có thể làm việc dài hạn tại các nước này sau khi ra trường.

Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, lớp Cử nhân Điều dưỡng K19B, Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, trong quá trình học tập, khi bắt đầu bước vào môn chuyên ngành, sinh viên khi học sẽ được tạo ra các tình huống trước để rèn luyện trước khi bước vào thực tập.

Lan Anh chia sẻ, nhân viên điều dưỡng sẽ là người tiếp xúc gần nhất và thường xuyên nhất với người bệnh. Chính vì vậy, sinh viên cũng cần phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp để có thể truyền đạt rõ nhất đến với bệnh nhân.

Ngoài ra, là một nhân viên y tế nên cũng cần cũng cần có sự ân cần, ấm áp để có thể quan tâm chăm sóc với bệnh nhân để có thể phối hợp với các bác sĩ trong quá trình điều trị.

Để ghi nhận và tôn vinh giá trị nghề nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của người điều dưỡng, năm 1965, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đã chọn ngày 12 tháng 5 hằng năm (là ngày sinh của bà Florence Nightingale – người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại) là ngày "Quốc tế Điều dưỡng" để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của Bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc con người, đặc biệt là chăm sóc người bệnh.

Năm 2024, ICN đưa ra thông điệp "Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng - Our Nurses, Our Future. Economic power of Care".

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhu-cau-nhan-luc-nganh-dieu-duong-ngay-cang-cao-co-hoi-viec-lam-lon-post242621.gd