Nhu cầu lớn, Bình Dương đối mặt thách thức phát triển nhà ở xã hội

Bình Dương, một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã nổi lên như một trung tâm kinh tế phát triển nhanh chóng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Với hơn 2 triệu lao động; trong đó, phần lớn là công nhân nên tỉnh đang đối mặt với thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho lực lượng lao động này.

Nhu cầu nhà ở công nhân, lao động lớn

Theo thống kê, Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, chiếm diện tích khoảng 12.700 ha, thu hút một lượng lớn lao động từ khắp nơi đổ về. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% số lao động này có chỗ ở ổn định. Phần lớn còn lại phải thuê trọ trong các khu nhà trọ tự phát, với điều kiện sống không đảm bảo và chi phí sinh hoạt cao.

Một khu Nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Một khu Nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Phát triển nhà ở cho công nhân đã được quy định trong Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ: Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Các văn bản này chi tiết hóa các quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở cho công nhân, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, điều kiện và thủ tục xét duyệt. Luật Nhà ở 2014 nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở cho công nhân, tạo điều kiện để họ có chỗ ở ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động. Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về các điều kiện, quy trình, thủ tục để công nhân có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội.

Dù có các quy định pháp lý rõ ràng, song tại Bình Dương việc triển khai các quy định này vẫn gặp nhiều bất cập, khiến người lao động khó tiếp cận được nhà ở xã hội. Dù đối với một tỉnh công nghiệp như Bình Dương là rất bức thiết.

Anh Nguyễn Hoàng Huy, một lao động tại Bình Dương, chia sẻ rằng người thu nhập cao có thể chứng minh thu nhập của bản thân dễ dàng, nhưng người thu nhập thấp muốn chứng minh lại gặp nhiều khó khăn và thủ tục phức tạp. Với mức lương 11 triệu đồng/tháng, anh không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không đủ điều kiện vay ngân hàng mua nhà ở thương mại.

Thêm vào đó, các điều kiện mua nhà ở xã hội rất ngặt nghèo, điều kiện thường trú và tạm trú ở địa phương là những rào cản lớn. Ngoài ra, việc nhiều công nhân không có đủ thông tin về các chính sách hỗ trợ và các dự án nhà ở xã hội, dẫn đến họ không biết cách tiếp cận và đăng ký mua nhà. Số lượng căn hộ nhà ở xã hội hạn chế trong khi nhu cầu rất lớn, dẫn đến cạnh tranh cao. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn thường bị thiệt thòi trong quá trình xét duyệt.

Chị Mai Ngọc, một viên chức làm việc ở Bình Dương, cho biết: “Việc đăng ký mua, thuê hay thuê mua một căn hộ nhà ở xã hội phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp. Nếu thuận lợi, có thể mua được nhà, nhưng nếu không may dữ liệu cập nhật không khớp với xác nhận của địa phương, sẽ gặp rắc rối. Việc làm thủ tục hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương cũng gặp nhiều khó khăn, hồ sơ đầy đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được giải ngân”.

Tại Bình Dương, thực tế một số dự án nhà ở xã hội giá mềm từ 200-300 triệu đồng/căn với diện tích sàn 15m2 và tổng diện tích 30m2 trên địa bàn tỉnh hiện không đảm bảo chất lượng, dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng chỉ sau vài năm sử dụng. Điều này ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của công nhân, tạo ra tâm lý không muốn đầu tư vào nhà ở xã hội.

Bất cập trong chính sách và thực hiện

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, việc phát triển nhà ở cho công nhân tại Bình Dương là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Việc cải thiện các quy định pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường quỹ đất và nguồn vốn, nâng cao chất lượng nhà ở, và phát triển các gói vay ưu đãi sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định xã hội.

Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hầu hết đã có chủ. Ảnh: Chí Tưởng -TTXVN

Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hầu hết đã có chủ. Ảnh: Chí Tưởng -TTXVN

Ông Nguyễn Bá Phương, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có ba dự án nhà ở xã hội, trích từ dự án nhà ở thương mại, có khả năng cung cấp khoảng 1.000 căn hộ. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương chưa cân đối được ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đối ứng với nguồn vốn Trung ương thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là chương trình cho vay mua nhà ở xã hội.

Quỹ tiền hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội tại ngân hàng đã cạn, và trong năm 2024, chưa có vốn mới nào từ Trung ương hay tỉnh được cấp để cho người dân tiếp cận vay mua nhà ở xã hội. Ngân hàng đã trình bày những khó khăn này với UBND tỉnh Bình Dương, và UBND tỉnh sẽ quyết định ký việc ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với cán bộ, công chức, viên chức mua nhà ở xã hội theo cơ chế của địa phương.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết các cơ quan chức năng của sở đã nắm bắt được những khó khăn và đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan ban ngành liên quan. Sở đã tổ chức các hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Đến nay, các kiến nghị đã được tiếp thu và quy định rõ hơn trong Luật Nhà ở về các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo đó, điều kiện là chỉ cần người dân chưa có nhà ở thuộc sở hữu tại tỉnh, thành phố có dự án nhà ở xã hội; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội đó hoặc sở hữu nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu. Cùng với đó là điều kiện về thu nhập phải đáp ứng quy định của Chính phủ đối với từng đối tượng cụ thể hoặc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, Luật Nhà ở mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về nhà ở xã hội để xác định nhu cầu và có kế hoạch đầu tư, phục vụ cho công tác xét duyệt đối tượng.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua-bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Việc xét duyệt các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải qua nhiều bước, gây khó khăn cho việc tiếp cận.

Việc xác định giá bán, cho thuê, cho mua nhà ở xã hội phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định, kéo dài thời gian do phải chờ kết quả kiểm toán, làm chậm trễ thời gian huy động vốn của doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Tỉnh cũng đã có những kiến nghị trình lên Bộ Xây dựng cũng như Trung ương để gỡ khó cho các doanh nghiệp và người lao động.

Mục tiêu năm 2024, Bình Dương sẽ xây dựng và cung cấp khoảng 6.600 căn hộ nhà ở xã hội ra thị trường, phát triển khoảng 8.000 đến 10.000 căn hộ. Tính đến nay, Bình Dương đã đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội độc lập trên diện tích 140 ha đất với gần 1,4 triệu m2 sàn xây dựng, cung cấp trên 34.000 căn hộ; trong đó, 11 dự án nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách, giá bán nhà ở thấp nhất 5,6 triệu đồng/m2 và cao nhất là 14,89 triệu đồng/m2. Ngoài ra, tỉnh còn 32 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với diện tích đất khoảng 85 ha.

Phía Sở Xây dựng, Phó giám đốc Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với các chủ đầu tư nhà ở xã hội trong việc công khai, minh bạch về giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Các thông tin công khai còn phải có số căn hộ đã bán, đã cho thuê; danh sách chi tiết các căn hộ còn tồn cần phải có trên website của dự án để người dân dễ dàng tiếp cận.

Nơi có dự án nhà ở xã hội cũng cần tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh của từng thôn, khu phố để người dân dễ dàng tiếp cận với dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, rà soát, xử lý các đối tượng cò mồi, môi giới thu tiền chênh lệch trái quy định của người dân.

Bằng cách tập trung vào những giải pháp này, Bình Dương có thể tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho công nhân, giúp họ yên tâm làm việc và đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp mà còn là sự đầu tư vào tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài của ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương.

Theo "Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", tỉnh đang tập trung vào 10 nhóm đối tượng gồm: người có công, hộ nghèo và cận nghèo, người thu nhập thấp, người lao động, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.

Huyền Trang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhu-cau-lon-binh-duong-doi-mat-thach-thuc-lon-phat-trien-nha-o-xa-hoi/333267.html