Nhơn Trạch - trung tâm công nghiệp hiện đại của Đồng Nai
Khi mới thành lập, Nhơn Trạch là huyện nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Thế nhưng, sau 30 năm, Nhơn Trạch trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh Đồng Nai về phát triển khu công nghiệp (KCN). Đây là tiền đề quan trọng để đưa Nhơn Trạch trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ, nghỉ dưỡng, thành phố cảng vào năm 2030.
Hiện tại, nhiều KCN trên địa bàn huyện đang chuyển đổi sang mô hình KCN xanh, KCN sinh thái để phát triển bền vững.
Nơi có nhiều KCN nhất tỉnh
Ngày 1-9-1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập và 2 năm sau huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể đô thị mới Nhơn Trạch trở thành một đô thị công nghiệp, dịch vụ. Quyết định này là tiền đề để tỉnh lập quy hoạch chi tiết xây dựng và đề xuất các dự án để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.
Chỉ 1 năm sau đó, huyện Nhơn Trạch có KCN đầu tiên và nhanh chóng đón nhà đầu tư. Tiếp đến, các KCN lần lượt được thành lập và đến thời điểm này, huyện đã vươn lên dẫn đầu tỉnh với 9 KCN đang hoạt động. Hiện các KCN ở huyện thu hút 621 dự án, trong đó dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 447 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 11,2 tỷ USD; có 174 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn hơn 66 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn phát triển cụm công nghiệp tạo môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động.
Việc hình thành và phát triển các KCN đã giúp huyện Nhơn Trạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, huyện cũng phát triển hạ tầng kỹ thuật để thu hút nhiều lao động về sinh sống và làm việc. Chỉ tính riêng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung đã có khoảng 130 ngàn lao động - nguồn lực đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện tại, huyện Nhơn Trạch có 9 KCN, thu hút 621 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, khoảng 400 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 130 ngàn lao động.
Ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (Cụm công nghiệp Phú Thạnh) kể: “Hơn 20 năm trước, tôi về Nhơn Trạch đầu tư nhà máy sản xuất giày dép, lúc đó khu vực này rất hoang vu. Đến nay, khu vực này rất nhộn nhịp và phát triển. Nhà máy của công ty đã mở rộng, sản phẩm giày xuất khẩu qua hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch 5 cho biết, sau một thời gian đầu tư vào huyện thuận lợi, Hyosung liên tục tăng vốn mở rộng sản xuất. Hiện số vốn của Hyosung đầu tư vào huyện Nhơn Trạch tăng gần 4 lần. Nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài khác sau khi đầu tư vào huyện Nhơn Trạch đã tăng vốn đầu tư.
Có thể thấy, nhờ quy hoạch, định hướng đúng đắn, huyện Nhơn Trạch đã vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước và hiện nay, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 81% trong cơ cấu kinh tế, gấp hơn 16 lần so với thời điểm thành lập huyện.
Đô thị công nghiệp - thành phố cảng
Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tương lai vùng huyện Nhơn Trạch không phát triển thêm các KCN mới mà tập trung hoàn thiện, nâng cấp và chuyển đổi mô hình KCN hiện có. Theo đó, các KCN hiện hữu sẽ chuyển đổi sang mô hình KCN xanh, KCN sinh thái để phát triển bền vững.
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ chia sẻ, nhiều năm nay, các KCN trên địa bàn đã thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo đó, các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ cao, ít nhân công, ít gây ô nhiễm môi trường được ưu tiên lựa chọn. Ngược lại, dự án thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao không được lựa chọn. Các KCN ngày càng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có tiềm lực tài chính và năng lực điều hành sản xuất hiện đại.
Huyện Nhơn Trạch được xác định mục tiêu sẽ trở thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng. Hiện tại, huyện đang tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông kết nối vùng và liên vùng để thu hút dự án đầu tư chất lượng, nhất là dự án về công nghiệp, logistics, khu đô thị hiện đại. Phát triển các hạ tầng xã hội là nhà ở, trường học, cơ sở y tế, công viên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hút thêm dân cư từ nơi khác đến sinh sống.
Quyền Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết, để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hướng đến đô thị công nghiệp - thành phố cảng và thành lập thành phố vào năm 2030, huyện cần nguồn vốn lớn. Cùng với việc tính toán các nguồn lực ở địa phương như: đấu giá quyền sử dụng đất và huy động xã hội hóa, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh từng lưu ý, huyện Nhơn Trạch có lợi thế về vị trí địa lý và cảnh quan ven sông đẹp. Cùng với đó, huyện có Cảng Phước An quy mô lớn nhất tỉnh sắp đi vào hoạt động, có Cảng hàng không quốc tế Long Thành kế bên... Huyện phải tận dụng hết các lợi thế này vào thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2024 theo Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 22-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ để tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế - xã hội.