Nhóm xếp hạng đại học Việt Nam lên tiếng về sự thiếu minh bạch khi xếp hạng
Ông Nguyễn Vinh San, Đơn vị Đo lường và Đánh giá trong giáo dục, Trường ĐH Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng), thành viên nhóm xếp hạng đại học Việt Nam, chia sẻ nhóm nhận được các ý kiến chưa ủng hộ hoặc nghi ngại về chất lượng của bảng xếp hạng.
Nhóm xếp hạng đại học Việt Nam 2023 gồm có GS Nguyễn Lộc, Nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Ông Nguyễn Vinh San, đơn vị Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, Trường ĐH Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng); PGS Nguyễn Thị Lan Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), cố vấn xử lý số liệu; Ông Châu Dương Quang, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Chương trình Nghiên cứu Giáo dục Đại học Tư thục (PROPHE) tại Đại học SUNY Albany, Mỹ và 1 số các thành viên khác.
Sau hơn hai năm nỗ lực làm việc nhóm đã công bố kết quả xếp hạng 100 trường. Theo kết quả xếp hạng này 10 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế.
Theo bảng xếp hạng này, những trường ĐH có tuổi đời thấp nhưng có thứ hạng cao như: Trường ĐH Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường ĐH Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41), Học viện Tòa án (7 năm, thứ hạng 93).
Ngược lại, một số trường có tuổi đời cao song dường như có thứ hạng chưa tương xứng như: Trường ĐH Y Hà Nội (77 năm, thứ hạng 29), Trường ĐH Y Dược TP. HCM (75 năm, thứ hạng 49)...
Ngoài ra, dư luận cũng rất ngạc nhiên khi Trường ĐH D.T đứng ở vị trí thứ 5, và 1 số trường đại học khác chưa được đánh giá cao về chất lượng có vị trí khá cao, trong khi đó, nhiều trường đại học được công chúng thừa nhận lại nằm ở vị trí thấp.
Lý giải vấn đề này lãnh đạo một trường đại học ở phía Nam cho rằng có lẽ vấn đề nằm ở các trường này như số lượng các công trình nghiên cứu, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng... và một số vấn đề khác chưa được chú trọng.
"Những trường này dường như chỉ quan tâm tới giảng dạy và nghiên cứu. Trong khi những nghiên cứu ở lĩnh vực này rất khó công bố, mất nhiều thời gian, vì vậy, nếu bảng xếp hạng không phân bổ các tiêu chí không phù hợp thì sẽ có sự chênh lệch rất lớn", ông nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng có sự chênh lệch này do các tiêu chí xếp hạng không rõ ràng. Cụ thể như tiêu chí cơ sở vật chất chỉ dựa vào số m2/sinh viên là rất vô lý, bởi vì chất lượng của một trường đại học phụ thuộc vào trang thiết bị.
Đặc biệt những trường khối kỹ thuật, y sinh bắt buộc phải có trang thiết bị rất giá trị. Chưa kể những yếu tố khác như sự khai báo không thành thật, khai man số liệu, số liệu chưa được kiểm chứng, một số trường đang có dư luận về việc "mua" bài báo quốc tế, đứng tên chung bài báo với người nước ngoài để tính số lượng, trong khi đó nhóm xếp hạng không dựa vào tiền thưởng bài báo hàng năm của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Dũng một điểm bất hợp lý của bảng xếp hạng là những trường đại học không được đánh giá cao về chất lượng, chất lượng thí sinh đầu vào rất kém, điểm chuẩn 14-15, thậm chí tuyển sinh không được thì xếp hạng rất cao. Trong khi đó, những trường có uy tín, có chất lượng thì xếp rất thấp. Điều này tạo ra sự bất bình trong dư luận là bảng xếp hạng không đúng thực chất.
VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vinh San, sau khi nhóm công bố bảng xếp hạng.
Lý do nào khiến nhóm chọn các tiêu chí: Chất lượng được công nhận (30%), Dạy học (25%), Công bố bài báo khoa học (20%), Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%), Chất lượng người học (10%), Cơ sở vật chất (5%) để xếp hạng các trường đại học. Lần đầu xếp hạng đại học Việt Nam, nhóm có tham khảo tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế không?
Ông Nguyễn Vinh San: VNER (Viet Nam’s University Rankings)- Bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo, kế thừa các tiêu chuẩn, tiêu chí của các bảng xếp hạng quốc tế và các nghiên cứu công bố xếp hạng của Việt Nam trước đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính chất đặc thù của Việt Nam như: Tiêu chuẩn chất lượng được công nhận và Cơ sở vật chất.
Việc xác định các trọng số của tiêu chuẩn, tiêu chí thông qua việc chuẩn hóa và thử rất nhiều lần, dựa trên đồ thị phân bố chuẩn của Gauss để đi đến bộ trọng số phù hợp với thực trạng đại học Việt Nam hiện nay.
Sau khi công bố Bảng xếp hạng đại học đại học Việt Nam 2023, nhóm nhận được phản hồi như thế nào?
Sau khi công bố, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học. Bên cạnh sự ủng hộ, động viên nhóm thực hiện và chia sẻ, góp ý, đề ra giải pháp để phát triển của các chuyên gia thì nhóm cũng nhận được các ý kiến chưa ủng hộ hoặc nghi ngại về chất lượng của bảng xếp hạng, dữ liệu thu thập và phương pháp tính toán.
Chúng tôi trân trọng tất cả những ý kiến đó và tổng hợp để đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp thu để có thể hoàn thiện và phát triển trong thời gian tới. Chúng tôi cũng xác định đây là những bước đi đầu tiên và bảng xếp hạng cũng chỉ là một thước đo khác có thể tham khảo về chất lượng của một trường đại học.
Dư luận nghi ngờ về sự thiếu minh bạch cũng như có động cơ phía sau bảng xếp hạng mà nhóm công bố, ông nghĩ như thế nào về điều này?
Hiện tại, chúng tôi chưa tiếp nhận được những thông tin như vậy. Về động cơ và mục đích của nhóm đã được nhóm thể hiện rất rõ trên website của VNUR. Số lượng các trường đại học quan tâm đến chúng tôi cũng rất nhiều, dù một số trường chưa ủng hộ vì nghi ngờ về động cơ, chúng tôi không nghĩ nhiều về điều đó vì chúng tôi hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận.
Trong bảng xếp hạng nhóm công bố, những trường đại học vốn được đánh giá cao về chất lượng và được công chúng quan tâm như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường Y Dược TP.HCM, … tại sao có thứ hạng khá thấp? Trong khi những trường từ trước đến nay ít được đánh giá cao như D.T; M.Đ.C, TSP K.T.H.Y… lại có thứ hạng khá cao. Ông có thể lý giải vì sao?
Tôi xin phép không trao đổi về một trường đại học cụ thể, vì đánh giá của bảng xếp hạng dựa trên một Bộ tiêu chuẩn với nhiều tiêu chí khác nhau, bên cạnh các trọng số của từng tiêu chí.
Chúng ta thường có tâm lý tự xếp hạng các trường dựa trên một vài yếu tố nhất định như: lịch sử hình thành, độ “hot” của ngành/lĩnh vực đào tạo hay điểm chuẩn đầu vào mà chưa có cái nhìn đầy đủ hơn về các lĩnh vực khác mà trường đại học phải thực hiện.
Trong xếp hạng thì các trường đa ngành hay các trường định hướng nghiên cứu sẽ có lợi thế hơn các trường chuyên ngành. Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra bộ lọc để người dùng có thể so sánh các trường trong cùng lĩnh vực với nhau.
Việc xếp hạng được nhóm thực hiện từ thu thập thông tin trên website các trường đại học, vậy nhóm có tính tới những tình huống như một số trường khai man hồ sơ, trong khi đó một số trường khác thông tin chưa đầy đủ dẫn tới sự thiệt thòi khi xếp hạng?
Chúng tôi thu thập dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có báo cáo công khai và đề án tuyển sinh hàng năm của các trường đại học. Đây là các báo cáo bắt buộc các trường phải công bố và chịu trách nhiệm giải trình xã hội. Vì vậy, chúng tôi không nghĩ các trường sẽ khai man vì các trường còn chịu sự giám sát từ chính cán bộ giảng viên và sinh viên của mình.
Chúng tôi chỉ xếp hạng 191 trường có đủ dữ liệu để xếp hạng. Các trường không thu thập đủ dữ liệu thì chúng tôi không đưa vào xếp hạng.
Từ bảng xếp hạng này, ông có đề xuất gì về sự thay đổi của giáo dục đại học? Các trường cần làm gì để đúng nghĩa - trường có thứ hạng cao là trường tốt?
Các nhân tôi mong muốn các trường đại học ở Việt Nam sẽ ngày càng minh bạch hóa thông tin, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình xã hội của mình để mọi người có cái nhìn chính xác hơn về nhà trường.
Bên cạnh đó các trường phải không ngừng nâng cao chất lượng ở tất cả các lĩnh vực của nhà trường: Nhân lực, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất, phục vụ cộng đồng… và thúc đẩy quốc tế hóa, vươn mình ra khu vực và quốc tế.
Khi các thông tin được minh bạch và tường minh thì xã hội sẽ không còn nghi ngờ về vị thứ xếp hạng của các trường đại học.