Nhớ một lần làm báo Xuân

Năm 1970, chiến tranh diễn ra càng ác liệt, Mỹ ngụy liên tục đổ quân càn quét, máy bay phản lực tới dội bom, pháo ở Giáo Đức, Kiến Văn, Cao Lãnh, Mỹ An ngày đêm không kể giờ giấc bắn vào các vùng giải phóng. Bầy trực thăng 5 chiếc từ sân bay Vĩnh Long ngày nào cũng tới rà rê bắn phá các đám tràm, lùm cây dọc các con kinh.

Đồng chí Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Một số cơ quan phải rời khỏi bờ kinh, rút vào các cánh đồng đưng bạt ngàn ở Láng Biển, Xáng Xéo... để né tránh, lợi dụng cái mênh mông, hoang dại của đưng, sậy, cỏ, lác... mà ở và hoạt động. Tiểu ban Thông tấn Báo chí, Tiểu ban Văn nghệ Hội họa, Nhà in giấy sáp (gọi là nhà in sáp) thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh cũng dời vô cánh đồng đưng giữa đám tràm Hai Cu và Xáng Xéo, giữa mùa nước nổi.

Anh em gởi mua mấy bó tre chẻ về cắt ra, đóng thành từng tấm vạc vừa một người nằm, đốn tràm cỡ cườm tay cắt khúc, chở vô các cụm đưng cao, xóc tréo làm cọc, thả đà ngang rồi lót tấm vạc lên cao hơn mặt nước, phía trên co ngọn đưng lại che kín, thành một cái tum. Người ngồi, nằm trong đó được cái là địch khó phát hiện, nhưng nắng rọi phải che thêm vải dù, trời mưa thì đội ni-lông, bên ngoài gió thổi ào ào mà bên trong bịt gió, rất nực nội, cởi trần mà lát lát phải trầm mình xuống nước cho mát, hì hục, anh em nói vui như trâu cầm phồn. Muỗi rất nhiều, nhứt là loại muỗi đen thui hai chân sau co lên, một lần chích là để lại một nốt đỏ.

Thông thường, cỡ 4 giờ sáng mọi người thức dậy. Ánh Hồng vo gạo bắc lên nồi cơm. Anh em chống xuồng đi thăm lưới, gỡ cá về làm rồi kho, mọi người xúm nhau ăn cho no. Nồi nước nấu sôi rót vô các bình ton mang theo uống trong ngày; rạng sáng, rời nơi ngủ, chống xuồng tới các tum, nhận giấu xuồng dưới các giề cỏ, lên tum đưng, kê thùng đạn luộc ngồi viết bài. Chiều về chỗ ngủ ăn cơm rồi chống xuồng đi các nơi lấy tin, viết bài.

Một đêm về khuya, mọi người đang ngủ, cơ quan báo chỉ còn “ở nhà” Mười Long, Bảy Hoàng và Tân; Hai Thọ, Tám Hải... đã đi công tác. Pháo ở chi khu Kiến Văn bắn vô. Một trái đạn pháo nổ cách anh em 5 thước. Đất, nước, sình bùn, cỏ rác... bị bốc lên, phủ xuống sàn sạt. Mười Long kêu tên từng người đều lên tiếng, rồi cùng lội ra bờ kinh mới được mấy bước, trái pháo thứ hai rơi xuống nổ tung cách 7 thước, mùng, chiếu, tấm đắp... nói chung không còn gì không bị bùn sình chụp xuống, tèm lem, ướt đẫm. Tấm vạc ngủ của Tám Hải bị một mảnh pháo chém lìa làm hai, chiếc xuồng bị lủng mấy chỗ. Anh em cuốn mùng, chiếu, quần áo... ra kinh giặt sơ sịa cho bớt bùn sình, vắt bớt nước rồi mặc lại, trải chiếu, giăng mùng trên bờ kinh, chun vào vừa lạnh vừa run, vừa cười, ngủ tiếp.

Trước đó mấy ngày, đêm đó, anh Tư Khoa ở Tiểu ban Văn nghệ Hội họa chống xuồng lại bộ phận Đài Minh ngữ của Vũ Phong uống trà. Pháo Kiến Văn bắn vô, một trái rơi ngay tum của anh nổ tung, may không thôi khỏi tìm xác anh để chôn.

Trong năm 1970, mùa khô, địch kéo quân từ Kiến Văn vô đóng đồn trên đất Chín Cai, ngay nơi hai nhà in chữ chì và nhà in sáp đóng ở đó. Chúng khui được một hầm bí mật, bắt cô Út, Bé Ba và cô Út Luyến. Anh chị em còn lại rút ra đồng đưng. Biết là giặt đóng đồn, trời chạng vạng hôm sau, anh em nhà in chì vào định giở nắp hầm bí mật lấy máy in, chữ chì, dụng cụ... giấu dưới đó mà địch chưa phát hiện. Quốc Thắng bò trước tới khoảng đất trống, địch phát hiện, bắn Quốc Thắng hy sinh, phải bỏ xác tại chỗ. Đêm sau, anh em lại mò vào, giở nắp hầm, lấy máy in đã tháo rời, các hộc chữ... mang ra vì không thể đi xa được nên phải bỏ xuống hố bom cách đó cỡ 70 thước.

Cũng năm 1970, mùa nước, nhà in sáp đóng trong cụm tràm nhỏ giữa đồng kinh Nhứt qua kinh Nhì. Bị một tên ở cơ quan bạn gần đó đi đầu hàng, ngồi trên máy bay trực thăng chỉ điểm cho trực thăng đổ quân đánh nhà in sáp. Anh chị em lặn vô đưng trốn thoát, nhưng máy in, giấy, mực... đều bị chúng lấy sạch.

Gần cuối năm, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phải khôi phục lại hai nhà in và bất cứ giá nào cũng phải ra cho được tờ báo Cờ giải phóng số Xuân Tân Hợi - 1971.

Đầu tháng Chạp, nước rút nhiều, Ban Tổ chức cho nhà in chì tiếp cận đồn Chín Cai, mò lấy lên máy in, chữ chì... giấu dưới hố bom. Cuối cùng, chở về được nhưng máy in đóng bằng gỗ đã mục, chữ chì đóng bợn phải chùi rửa. Coi như nhà in chì không hoạt động lại được. Nhà in sáp cử Quốc Hương xuống kinh Ba Mỹ Điền tìm thợ mộc, nhờ đóng khuôn in giấy sáp. Lấy tấm vải dù thay tấm lụa đóng vô khuôn để dán giấy sáp. Không có bảng kẽm và cọ thép, anh em có sáng kiến dùng giấy nhám số 0 và xin căm xe đạp mài nhọn làm cọ, để kẻ chữ tít các bài báo và tranh minh họa. Như vậy, xác định tờ báo Cờ giải phóng của tỉnh số mừng Xuân Tân Hợi - 1971 sẽ in bằng giấy sáp.

Nhà in sáp vẫn đóng trong các tum trên cánh đồng đưng phía trong kinh Xáng Xéo. Người được nhà in chì cử thêm đến giúp. Anh chị em nhà in sáp phấn khởi chuẩn bị mọi thứ từ giấy in, mực in, gạo, muối, dầu lửa... để dồn sức in số báo Xuân. Bài vở số báo được các phóng viên đi lấy tư liệu viết, đã biên tập và bố trí trang cho các bài, đưa tới nhà in, cử người đến trực tiếp coi sửa lỗi, góp ý...

Con trăng rằm tháng Chạp đã nhô lên, tròn vo, tỏa ánh sáng dịu dàng xuống cánh đồng đưng, bên ngoài trông im lìm nhưng trong lòng nó đang chứa những cơ quan, những con người vượt qua mọi khó khăn, làm việc suốt đêm ngày, khẩn trương và vui sướng. Trong một tum đưng, Quốc Hương đang cởi trần, ngồi chồm hổm, hai tay cầm con dao cắt xấp giấy in theo khuôn khổ tờ báo. Tum khác, Thu Hồng đang đánh máy bài báo vào tờ giấy sáp. Ở tum kế bên, Bảy Lệ chăm chú bên ngọn đèn dầu kẻ chữ tít bài báo. Cái radio có may áo vải màu đang phát ra vừa đủ nghe chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam...

Công việc đang tiến hành, bất ngờ tổ canh gác bên ngoài chống xuồng vào báo tin bọn biệt kích đã luồn vào, đóng ở chòm gáo bên kia bờ kinh Xáng Xéo, cách chỗ nhà in đang ở cỡ một cây số, nếu chúng đi tới chỉ mấy phút là đến. Lãnh đạo Ban họp chi bộ nhà in bàn kế hoạch đối phó. Không còn thì giờ để dời điểm. Chi bộ quyết định nhà in sáp trụ tại chỗ tiếp tục làm việc. Phải giữ tuyệt đối bí mật, Không được dùng sào chống xuồng. Người không được đứng thẳng lên. Đèn dầu phải có chá chụp lên ống khói không để hắt ánh sáng lên. Không được nói lớn tiếng và tránh tiếng khua động vì mùa nước tiếng vọng đi rất xa. Nấu ăn ban đêm, ban ngày không để khói bốc lên trên ngọn đưng. Tổ bảo vệ gác vòng ngoài, hễ địch đi tới thì nổ súng lái cho chúng đi chệch hướng.

Hạ quyết tâm xong, mọi công việc theo phân công vẫn tiến hành. Sau 4 ngày theo dõi trên cánh đồng đưng, chờ phát hiện người đi lại hoặc nơi ở để đánh phá, nhưng không phát hiện được gì, ngày 26 tháng Chạp, bọn biệt kích rút đi.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, làm việc yên tâm hơn. Đêm nào, giác khuya, chú Xuân cũng bơi xuồng chở nồi cháo cá bốc khói thơm lừng đến bồi dưỡng cho anh chị em.

Khi trang in cuối cùng in xong, anh em làm báo tới. Không phút giây nào sung sướng bằng khi sắp các trang báo lại thành tờ báo hoàn chỉnh, lật nhìn từng trang. Hoàng Dũng - phóng viên nhiếp ảnh được mời tới chụp mấy bức ảnh anh chị em tươi cười quanh số báo Xuân còn nóng hổi. Và đêm 29 tháng Chạp, trời đầy sương, các xuồng giao liên tỉnh đến nhận số báo Xuân đã được đóng gói, ghi cụ thể địa chỉ từng nơi nhận, lặng lẽ tỏa đi khắp nơi...

Vậy là Tết Tân Hợi, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân tỉnh nhà có số báo Xuân thưởng thức những ngày đầu năm mới.

NGUYỄN ĐẮC HIỀN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/nho-mot-lan-lam-bao-xuan-114796.aspx