Nhớ mãi tiểu đoàn 'vai trăm cân, chân vạn dặm'
Một tiểu đoàn vận tải đặc biệt được thành lập trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khốc liệt nhất với hơn 500 cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chuyên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Đó là Tiểu đoàn vận tải nữ 232, hay còn gọi với tên thân thương 'Tiểu đoàn bà Thao' với khẩu hiệu 'Vai trăm cân, chân vạn dặm'
Những chiến công vang dội
Tháng 3/1968, Cục Hậu cần Quân khu 5 thành lập Tiểu đoàn vận tải nữ 232 với thành viên là hơn 500 cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi không ngại khó khăn, gian khổ, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, cõng thương binh về tuyến sau điều trị, mở đường cho xe ra chiến trường. Đại đội trưởng Tiểu đoàn Bắc Hải (Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Đà – Nguyễn Văn Trỗi) Phạm Thị Thao được điều động sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232.
Với khẩu hiệu "vai trăm cân, chân vạn dặm" và lấy phương châm "Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ", hay "Không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả", những cô gái ở tuổi xuân xanh mỗi ngày mang trên vai hàng trăm kg lương thực, đạn dược, băng rừng, vượt dốc, đi liên tục "Không để bộ đội ở chiến trường đói rét, thiếu vũ khí, thiếu lương thực và súng đạn".
Nhớ lại những tháng ngày gian khổ nhưng anh hùng đó, bà Phạm Thị Thao cho biết, trong chiến tranh, hy sinh là không tránh khỏi, nhiều nữ chiến sĩ của Tiểu đoàn 232. Năm 1969, Tiểu đoàn 232 về đóng quân tại Rạch Đại Lộc, vận chuyển hàng phục vụ cho chiến trường Quế Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Chu Lai (Quảng Nam). Ban ngày gùi đạn, ban đêm xuống đồng bằng gùi lương thực, gạo muối về phục vụ cho mặt trận. "Có lần 13 chị em nhận nhiệm vụ gùi hàng xuống Quế Sơn, khi trở về bị địch phát hiện, 6 chị đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại nơi đó" - bà Thao ngậm ngùi.
Dấu chân các cô gái Tiểu đoàn 232 đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9 Nam Lào góp phần cùng tiền tuyến làm nên những chiến công vang dội trên toàn Quân khu 5. Thời điểm đó, ai đến chiến trường Quân khu 5 cũng đều biết đến Tiểu đoàn vận tải nữ 232, hay còn được gọi với cái tên bình dị "Tiểu đoàn bà Thao".
Tháng 10/1972, Tiểu đoàn vận tải nữ 232 giải thể, các thành viên trong tiểu đoàn được điều chuyển công tác sang nhận nhiệm vụ mới. Trong 4 năm, Tiểu đoàn 232 đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng ra tiền tuyến, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao cho, xứng đáng với danh hiệu "Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng vai sắt".
Nữ tiểu đoàn trưởng anh hùng
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, bà Phạm Thị Thao (SN 1949, quê Hòa Hải, Hòa Vang, Đà Nẵng; nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã tích cực tham gia du kích. Mới 14 tuổi, bà đã được bầu làm Bí thư đoàn thanh niên tại địa phương. Năm 1966 (17 tuổi), bà tham gia thanh niên xung phong vào Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Đà. Đến năm 1967 bà được điều động sang làm đại đội trưởng Tiểu đoàn Bắc Hải. Và năm 1968 chính thức là nữ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải nữ 232.
Bà Thao cho biết, khi được giao nhiệm vụ là tiểu đoàn trưởng, bà rất băn khoăn có thể đảm đương công việc được giao hay không. Nhận nhiệm vụ, biến băn khoăn thành những nỗ lực hành động. Ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, bà Thao còn ở vai trò người chị, người bạn để chia sẻ, động viên các chị em trong tiểu đoàn cùng vượt qua gian khổ.
Trong một lần làm nhiệm vụ, đồng đội của bà là chính trị viên Đại đội 1 Huỳnh Thị Lưu bị địch bắn bị thương, bà đã cõng đồng đội qua sông, sau đó, trở lại lần 2 để cõng 2 bao gạo. Câu chuyện đã trở thành bài học của lòng yêu nước, của một đồng đội, một thủ lĩnh.
Cái tên "Tiểu đoàn bà Thao" dần ở thành nỗi ám ảnh của lính Mỹ tại chiến trường Quân khu 5. Nữ thủ lĩnh của tiểu đoàn cũng vì vậy trở thành mục tiêu mà lính Mỹ truy tìm và treo thưởng cho ai tìm ra bà. "Thời điểm đó, mỗi ngày tôi phải dùng một kí hiệu riêng khi đi làm nhiệm vụ"- bà Thao kể.
Sau ngày giải phóng, bà Thao tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao đến khi về hưu vào năm 2002. Từ đó, bà cùng những đồng đội còn may mắn trở về sau chiến tranh, cùng nhau đi tìm lại những hài cốt của những đồng đội đã hy sinh, cùng nhau giúp đỡ những đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống. Hàng chục hài cốt đồng đội đã được tìm lại chỉ bằng trí nhớ, kí ức của những cô gái tải đạn.
Vũ Lê
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nho-mai-tieu-doan-vai-tram-can-chan-van-dam-176449.html