Nhịp đập năng lượng ngày 8/11/2023

Trung Quốc thắt chặt quản lý độc quyền về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượng; Phần Lan muốn cấm nhập khẩu LNG của Nga; Nhật Bản sẽ có phản ứng trước lệnh trừng phạt Nga của Mỹ… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 8/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Trung Quốc thắt chặt quản lý độc quyền về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượng

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 7/11, một ủy ban của Trung Quốc đã quyết định rằng nước này có kế hoạch thắt chặt quy định độc quyền trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, cùng với các ngành công nghiệp quan trọng khác.

Trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, các công ty lớn nhất ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới tính theo công suất, và các tập đoàn dầu khí khổng lồ CNOOC và CNPC.

Kế hoạch của nước này xác định các khoản đầu tư và tìm kiếm những phát hiện mới của các công ty dầu khí do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, việc xuất khẩu nhiên liệu của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc được phân bổ hạn ngạch để vận chuyển khối lượng nhiên liệu cụ thể ra nước ngoài và một phần nhập khẩu dầu thô theo phân bổ hạn ngạch, thường là vài đợt mỗi năm.

Phần Lan muốn cấm nhập khẩu LNG của Nga

Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Phần Lan Kai Mykkanen cho biết nước ông đặt mục tiêu cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga ở cấp độ lập pháp quốc gia, ấn phẩm Yle của Phần Lan đưa tin ngày 7/11. Ông Mykkanen cho biết lệnh cấm sẽ được đưa ra như một phần trong việc thực hiện gói khí đốt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Mykkanen cho biết LNG của Nga có thể bị cấm nhập khẩu vào Phần Lan trong vòng hai năm kể từ khi gói khí đốt của EU có hiệu lực.

Công ty năng lượng nhà nước Gasum của Phần Lan vẫn nhận LNG từ Nga, mặc dù số lượng này đã giảm kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022. Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống cho Phần Lan vào tháng 5/2022, khi Gasum từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Nga lên kế hoạch xuất khẩu hydro sang châu Á

Nga có thể bắt đầu cung cấp hydro cho thị trường toàn cầu vào cuối thập niên này, với người tiêu dùng tiềm năng chủ yếu ở châu Á, tập đoàn nhà nước Rosatom tuyên bố.

Chủ tịch công ty con Rosatom ở nước ngoài, Evgeny Pakermanov cho biết, Rosatom đang phát triển các công nghệ sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hydro. Ông cho biết thêm, tập đoàn này đã và đang triển khai các dự án thí điểm ở Nga để thiết lập một mô hình xử lý loại nhiên liệu này một cách hiệu quả.

“Chúng tôi có một dự án sản xuất hydro quy mô lớn ở Sakhalin. Và chúng tôi dự định thực hiện điều đó trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Trong 5 năm tới, dự án này sẽ tập trung vào cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu”, ông Pakermanov lưu ý. Ông nói thêm rằng, các điểm đến xuất khẩu tiềm năng chủ yếu là các nước châu Á, nơi được dự đoán sẽ có mức tiêu thụ mạnh, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ có phản ứng trước lệnh trừng phạt Nga của Mỹ

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết hôm 7/11 rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga, trong đó các cổ đông Nhật Bản nắm giữ tổng cộng 10% cổ phần.

Ông cho biết, dự án này rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ổn định cho Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên. Chính phủ Nhật Bản sẽ có phản ứng phù hợp để không gây tổn hại đến nguồn cung năng lượng của nước này.

Thứ Năm tuần trước (2/11), Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, nhắm vào một thực thể liên quan đến việc phát triển, vận hành và sở hữu một dự án lớn ở Siberia có tên là Arctic LNG 2. Dự án này được điều hành bởi công ty Novatek của Nga, trong khi công ty Mitsui và Tổ chức An ninh kim loại và năng lượng của Nhật Bản nắm giữ tổng cộng 10% cổ phần.

Ukraine muốn tiếp tục dừng xuất khẩu khí đốt

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất gia hạn lệnh cấm xuất khẩu khí đốt tự nhiên của nước này cho đến hết năm 2024, Reuters đưa tin. Lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra ngay sau cuộc xung đột của Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 và sau đó được gia hạn đến năm 2023.

Sắc lệnh cũng kêu gọi chính phủ tăng công suất hệ thống truyền tải khí đốt "để đảm bảo nhập khẩu khí đốt tự nhiên và giữ lượng khí đốt này trong các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất".

Ukraine từng khai thác khoảng 20 tỷ m3 khí đốt trước xung đột và khoảng 1/4 trong số đó được khai thác bởi các công ty tư nhân. Các công ty này sau đó sẽ xuất khẩu một phần nhiên liệu khai thác. Việc xuất khẩu bị dừng lại sau khi xung đột xảy ra nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-8112023-698872.html