Nhìn từ cuộc khủng hoảng truyền thông Canada
Mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn đối với các phương tiện truyền thông tin tức của Canada, trước tiên là do sự thụ động và bất lực của chính phủ trong nhiều thập kỷ khi không hạn chế sự hợp nhất của các phương tiện truyền thông, và hiện đang chứng kiến các cơ quan tin tức lớn nhất đất nước bị các công ty đầu tư cổ phần tư nhân và các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ thôn tính.
Đạo luật Tin tức trực tuyến (C-18) thiếu sáng suốt của Ottawa đã khiến Tập đoàn công nghệ Meta chặn người dùng nước này truy cập tin tức trên các nền tảng xã hội Facebook và Instagram. Chỉ có Google đã thực hiện lời hứa cấp 100 triệu CAD (75 triệu USD) mỗi năm cho một quỹ tin tức. Câu hỏi đặt ra là tương lai sẽ ra sao?
Thay vì các gói cứu trợ và trợ cấp bắt buộc đơn lẻ, cần có một chiến lược rõ ràng để hỗ trợ các phương tiện truyền thông tin tức vạch ra một lộ trình khả thi về tương lai. Đây là chủ đề của một cuộc đánh giá liên bang được định hướng bởi các chuyên gia nghiên cứu ngành báo chí và truyền thông thay vì các nhà vận động hành lang cho các chủ sở hữu phương tiện truyền thông, những người dường như hầu hết đã để mắt tới Ottawa cho đến nay.
Giáo sư ngành báo chí Magda Konieczna của Đại học Concordia (Quebec, Canada) lưu ý trong cuốn sách “Báo chí không lợi nhuận” xuất bản năm 2018 về việc các phương tiện truyền thông tin tức phi lợi nhuận ở Mỹ đã phát triển mạnh mẽ như thế nào theo luật thuế của nước này, cho phép họ chấp nhận các khoản quyên góp từ thiện. Thật không may, Canada lại tụt hậu về vấn đề này và mặc dù Ottawa cuối cùng đã cho phép các phương tiện truyền thông tin tức tuyên bố phi lợi nhuận vào năm 2019 và đưa ra một số ưu đãi về thuế tạo điều kiện cho họ, nhưng rất ít cơ quan truyền thông đi theo con đường này.
Đã có nhiều phương án đề xuất để khắc phục tình trạng này trong giới truyền thông Canada. Một là kêu gọi cắt nguồn tài trợ liên bang cho các chủ sở hữu nước ngoài như là cách duy nhất để loại bỏ các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ vốn sở hữu 98% chuỗi báo chí thống trị của Canada, mặc dù giới hạn được cho là 25%. Cần có hành động triệt để nhằm loại bỏ “căn bệnh ung thư” đã gây đau khổ cho các phương tiện truyền thông tin tức của Canada kể từ năm 2010, trong đó hơn 500 triệu CAD đã đổ sang phía Nam để trả nợ cho các nhà tư bản kền kền. Việc rút các khoản trợ cấp của Tập đoàn truyền thông Postmedia (Canada) có thể sẽ khiến nhiều phương tiện truyền thông tin tức địa phương mang tính lịch sử nhất nhanh chóng phá sản, nhưng dù sao đó cũng là điều không thể tránh khỏi với cách mà chúng hiện đang đi vào hoạt động.
Ottawa khi đó sẽ phải can thiệp ngay lập tức để giữ cho các nhật báo lớn như Ottawa Citizen, Montreal gazette, Edmonton Journal và Vancouver Sun tồn tại và xuất bản cho đến khi một kế hoạch giải cứu toàn diện được thực hiện. Các bên liên quan trong cộng đồng nên tham gia vào nỗ lực này, như đã từng thấy ở Montreal dưới thời nghị sĩ đảng Tự do Anthony Housefather.
Một thay đổi quan trọng cần được thực hiện đối với các chương trình hỗ trợ truyền thông là đưa các hãng tin tức này ra khỏi tầm tay của các quan chức liên bang để giúp khôi phục niềm tin của công chúng vào báo chí, vốn đã sụt giảm gần đây với tất cả các khoản viện trợ của chính phủ. Số tiền thu được từ gói cứu trợ trị giá 595 triệu CAD bắt đầu vào năm 2019 đã được Cơ quan Thuế vụ Canada miễn trừ, trong khi C-18 được cho là sẽ được Ủy ban Phát thanh - Truyền hình và Viễn thông Canada (CRTC) giám sát.
Thay vào đó, cần có một cơ quan cấp phép độc lập để tách biệt nguồn tài trợ cho tin tức khỏi ảnh hưởng chính trị hoặc doanh nghiệp. Bản thân các khoản trợ cấp cho báo chí không gây lo ngại cho tự do báo chí, mà chỉ là cách chúng được phân bổ. Canada từ lâu đã trợ cấp cho các phương tiện truyền thông một cách vô tội vạ, từ trợ cấp bưu chính ban đầu đến giảm giá cước điện báo cho đến các thông báo bắt buộc của chính phủ, tất cả hiện nay hầu như đã biến mất. Báo chí ở các nước khu vực Scandinavi được trợ cấp rất nhiều, tuy nhiên những quốc gia này hằng năm vẫn đứng đầu bảng xếp hạng thế giới về tự do báo chí.
Hai là, Canada vẫn cần quyết định xem điều gì cần hỗ trợ và điều gì không cần trước khi tính đến phương thức hỗ trợ. Một nền dân chủ hoạt động tốt cần công dân của mình nhận thức được điều gì đang xảy ra với các thể chế chính phủ của họ, tiền thuế của họ đang được chi tiêu như thế nào và hệ thống đang hoạt động tốt ra sao. Công chúng cũng quan tâm đến tình trạng trật tự trong xã hội và nền kinh tế, vì vậy cần khuyến khích báo cáo về hệ thống tư pháp cũng như về kinh doanh và công nghệ. Tin tức về thể thao hoặc giải trí hầu như không cần thiết và nên được ưu tiên thấp hơn. Người hâm mộ của các đội thể thao, nghệ thuật và giải trí khác nhau đã tận dụng lợi thế của việc phân phối chi phí thấp do Internet mang lại để công khai và phân tích kỹ lưỡng các trò tiêu khiển yêu thích của họ rồi.
Các trang web cung cấp tin tức toàn diện về cộng đồng nên được ưu tiên. Các ấn phẩm trực tuyến đã bùng nổ trên khắp Canada trong những thập kỷ gần đây, nhưng nhiều ấn phẩm giống tạp chí hơn và chủ yếu là bình luận. Rất ít ấn phẩm trực tuyến có thể đưa tin về một sự kiện thường lệ như cuộc họp hội đồng thành phố. Trong khi bình luận báo chí có thể có giá trị trong việc kết nối các điểm trong các vấn đề thì việc đưa tin lại quan trọng hơn để tạo ra nhiều điểm kết nối hơn. Một trong những vấn đề lớn nhất của báo chí gần đây là tỷ lệ bình luận/tin tức tăng vọt, điều này cần được khắc phục bằng cách cung cấp thêm tin tức.
Nhiều đề xuất giá trị về cách hỗ trợ tin tức đã được đưa ra trên khắp thế giới sau cuộc suy thoái 2008-2009 khiến doanh thu báo chí giảm mạnh, gây ra nỗi lo sợ về việc sớm phá sản. Do đó, có rất nhiều cách để cứu vãn một phương tiện truyền thông tin tức tiềm năng và một loạt chương trình đã được triển khai ở các quốc gia khác, trong đó có những chương trình tốt nhất nên được xem xét áp dụng ở Canada.
Các mô hình sở hữu mới nên được xem xét để thay thế công ty hoạt động vì lợi nhuận, vốn được yêu cầu về mặt pháp lý để tối đa hóa giá trị cổ đông với chi phí báo chí. Trong cuốn sách “Giải cứu giới truyền thông” năm 2016 của mình, nhà kinh tế học người Pháp Julia Cagé đã đề xuất mô hình nửa vời giữa một quỹ và một công ty phát hành cổ phiếu. Tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có thể chấp nhận các khoản quyên góp được khấu trừ thuế để đổi lấy cổ phần sở hữu không được giao dịch công khai để tránh tích lũy. Độc giả và nhân viên cũng sẽ nắm giữ cổ phần, giúp phân tán quyền biểu quyết trong toàn tổ chức.
Điều quan trọng nhất sẽ là một hệ thống quyết định ai sẽ nhận được bao nhiêu tiền tài trợ. Phương pháp tín dụng thuế hiện tại nên được loại bỏ để chuyển sang quỹ mà Google đã đồng ý đóng góp. Một trong nhiều vấn đề với tín dụng thuế, như báo cáo năm 2017 của Diễn đàn Chính sách công (PPF) đã chỉ ra, là chúng không cần phải dùng đến báo chí và “thậm chí có thể được áp dụng cho lợi nhuận của công ty, vì lợi ích của các cổ đông và giám đốc điều hành”. Đó là kết quả của gói cứu trợ năm 2019 khi cựu Giám đốc điều hành Postmedia Paul Godfrey nghỉ hưu với gói lương vượt quá 5 triệu CAD trong năm đó, bao gồm tiền thưởng và quyền chọn mua cổ phiếu.
Thay vì dựa vào các quan chức, các bên liên quan hoặc những người được gọi là “chuyên gia” để quyết định ấn phẩm nào nhận được bao nhiêu tiền tài trợ, một đề xuất gần đây của nhà phân tích truyền thông Mỹ Ken Doctor khá đơn giản. Ông cho rằng, “khen thưởng số lượng nhân viên phòng tin tức địa phương - không phải số lượng nhân viên công ty hay số lượng nhân viên công ty tin tức quốc gia. Hãy bỏ tiền vào nơi cần thiết: trả tiền cho một thế hệ nhà báo chuyên nghiệp mới để làm công việc cho các nền dân chủ địa phương”. Một khả năng thậm chí còn đơn giản hơn sẽ được các chuyên gia thực sự đưa ra - đó là độc giả. Ottawa thực sự đã có ý tưởng hay về khoản tín dụng thuế 15% cho người đăng ký đối với ấn phẩm kỹ thuật số được bao gồm trong gói cứu trợ năm 2019. Tuy nhiên, nó không cung cấp nhiều hỗ trợ vì nó bị giới hạn ở mức 75 CAD một năm và phải được nộp đơn xin trên tờ khai thuế hằng năm.
Điều có thể hiệu quả hơn là cung cấp trước một khoản lợi ích gia tăng. Trong cuốn sách “Cái chết và cuộc sống” về nền báo chí Mỹ xuất bản năm 2010, Robert McChesney và John Nichols đề xuất một hệ thống chứng từ tương tự như hệ thống thường được sử dụng trong việc phân bổ kinh phí công cho các trường học.
Người nộp thuế có thể được cấp khoản tín dụng vài trăm USD hằng năm mà họ có thể sử dụng để đặt mua các ấn phẩm mà họ lựa chọn, điều này sẽ có thêm lợi thế là giúp giảm bớt lo ngại về ảnh hưởng hoặc sự thiên vị của chính phủ. Nếu bạn là một nhà báo bảo vệ môi trường tự do và yêu thích tờ Toronto Star và The Narwhal, bạn có thể sử dụng tiền để đăng ký theo dõi National Post. Điều này cũng có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản để cung cấp các gói đăng ký hợp lý, có lẽ với việc một số nhà xuất bản có cùng quan điểm sẽ cùng nhau cung cấp các gói hấp dẫn.
Cuối cùng, đi đến vấn đề hóc búa là tiền sẽ đến từ đâu? Khoản đóng góp hằng năm trị giá 100 triệu CAD mà Google hứa hẹn chỉ là bước khởi đầu, vì Quỹ Truyền thông tin tức Canada mạnh gấp nhiều lần quy mô đó có thể dễ đàng được tích lũy từ các nguồn thích hợp.
Đầu tiên sẽ là số tiền thu được từ C-18, lần đầu tiên đánh thuế và quản lý các dịch vụ âm thanh và video kỹ thuật số. Dự kiến nó sẽ mang lại ít nhất 830 triệu CAD mỗi năm, tối thiểu 10% trong số đó sẽ được phân bổ để tạo nội dung tin tức. Sau đó là thuế dịch vụ kỹ thuật số 3% theo kế hoạch, sẽ nhắm vào các công ty lớn kiếm doanh thu từ quảng cáo trực tuyến và ước tính sẽ sớm mang lại 1,4 tỷ CAD mỗi năm. Chỉ dành 5% trong số đó cho tin tức sẽ bổ sung thêm 70 triệu CAD vào quỹ, nâng con số này lên 253 triệu CAD mỗi năm.
Tuy nhiên, nguồn tài trợ dồi dào nhất và bị bỏ qua nhiều nhất đối với hệ thống truyền thông Canada là lợi nhuận độc quyền không được kiểm soát mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet như Bell, Rogers và Telus kiếm được với tỷ suất lợi nhuận khoảng 45% chỉ để cung cấp cho người dân quyền truy cập trực tuyến. Doanh thu của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã tăng vọt từ 13 tỷ CAD lên ước tính 15,3 tỷ CAD chỉ trong 2 năm qua.
Một khoản thu (không phải thuế) lấy lại 5% doanh thu đó, tương tự như khoản thuế 5% mà các công ty truyền hình cáp phải đóng góp cho Quỹ Truyền thông tin tức Canada để trợ cấp cho nội dung phát sóng, sẽ cung cấp thêm 751 triệu CAD cho quỹ tin tức và vẫn dành cho ISP tỷ suất lợi nhuận khoảng 40%. Điều này sẽ mang lại cho truyền thông Canada hơn 1 tỷ CAD mỗi năm và nó sẽ góp phần nuôi dưỡng một hệ sinh thái tin tức trực tuyến đáng ghen tị. Chỉ là, đừng mong đợi các công ty viễn thông tham lam sẽ chi tiền mà không cần đấu tranh.