Nhìn lại 40 năm cuộc khủng hoảng con tin Iran
40 năm trước, vào ngày 4/11/1979, một nhóm sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ (ĐSQ) tại Tehran, bắt giữ hơn 60 nhà ngoại giao và công dân Mỹ làm con tin. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Mỹ và Iran, đánh dấu một bước ngoặt thù địch giữa hai nước, khiến quan hệ song phương rơi vào trạng thái căng thẳng tột cùng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các con tin người Mỹ bị bắt cóc, bịt mắt đứng bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Tehran. (Nguồn: Reuters)
Hàng năm, tại Thủ đô Tehran, toàn bộ đất nước Iran vẫn phấn khích kỷ niệm ngày 4/11 với các cuộc tuần hành trên đường, hô to các khẩu hiệu bài trừ Mỹ.
Lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ (Ayatollah) Ali Khamenei tuyên bố, dù hàng chục năm đã trôi qua, song Mỹ vẫn không thay đổi, vẫn tiếp tục hành vi thù địch, gây hấn đối với Iran. Tuy nhiên, Tehran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ đối thủ truyền kiếp và việc tổ chức đàm phán với Mỹ sẽ không giải quyết các vấn đề của Iran.
Vốn tiến triển không mấy tốt đẹp nhưng quan hệ giữa Mỹ - Iran từng có giai đoạn được cải thiện. Năm 2015, sau khi hai nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, quan hệ hai bên thực sự rơi vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đồng thời, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên quốc gia Hồi giáo này.
Căng thẳng Mỹ - Iran đã có lúc sắp bùng nổ thành xung đột vũ trang, khi Mỹ năm nay đã điều thêm quân cùng các khí tài quân sự tới Trung Đông, với tuyên bố đối phó với các mối đe dọa hiện hữu từ Iran. Một vài va chạm nhỏ quân sự đã xảy ra. Iran từng cảnh báo, sẽ không có một cuộc chiến tranh “chớp nhoáng” nào giữa Mỹ và Iran, mà nếu có thì sẽ là một cuộc chiến lan rộng.
Tính toán sai lệch của Mỹ
Tại sao quan hệ giữa Mỹ và Iran lại trầm trọng tới mức như vậy? Có thể nói là do sự tính toán sai lệch về tình hình của Mỹ trước, trong và sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran.
Sự phẫn nộ của Iran với Mỹ bắt nguồn từ cuộc đảo chính do CIA thiết kế vào năm 1953 nhằm lật đổ Thủ tướng dân cử Mohammad Mossadeq và củng cố quyền lực của Shah (Quốc vương) Mohammad Reza Pahlavi.
Ebrahim Asgharzadeh, một trong những người đứng đầu nhóm sinh viên chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ trong cuộc phỏng vấn với AP. (Nguồn: AP)
Theo AP, tháng 8/1978, CIA báo cáo với Nhà Trắng rằng: “Iran hiện không ở trong giai đoạn cách mạng hay thậm chí là tiền cách mạng. Tuy người dân Iran không hài lòng với sự kiểm soát chính trị chặt chẽ của Shah nhưng nó không phải là mối đe dọa với chính phủ Iran”.
Tháng 1/1979, trước áp lực của phe chống đối thân Khomeini, Quốc vương Shah buộc phải rời Iran và sang Ai Cập khi mắc bệnh hiểm nghèo. Sau đó một tháng, cuộc Cách mạng Hồi giáo chính thức diễn ra.
Lúc đó, Mỹ phần nào nhận ra mối nguy hiểm mà các nhà ngoại giao, nhân viên chính phủ, cố vấn quân sự và điệp viên của họ phải đối mặt. Mỹ rút số nhân viên dân sự và quân sự khỏi Iran từ 1.400 người xuống còn khoảng 70 trong thời gian này.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Carter vẫn muốn xây dựng quan hệ với chính phủ cách mạng Iran. Bởi trước đó, Mỹ đã bán hàng tỷ USD vũ khí cho Shah, bao gồm cả máy bay chiến đấu F14-Tomcat. Mỹ lúc đó cần sự hỗ trợ của Iran để theo dõi các tín hiệu và các vụ thử tên lửa ở Liên Xô và từ lâu đã coi Shah là “bức tường vững chắc” chống lại sự bành trướng của Liên Xô.
Những điều này đã khiến Mỹ coi nhẹ việc thay đổi thể chế ở Iran và phớt lờ cảnh báo về chính quyền mới. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và chính phủ cách mạng Iran chính thức sụp đổ khi Tổng thống Carter cho phép Shah rời Cairo tới New York để chữa căn bệnh hiểm nghèo. Động thái này của ông Carter được coi là đã châm ngòi cho cuộc đột kích và chiếm đóng ĐSQ Mỹ của nhóm sinh viên hồi giáo Iran.
ông Ebrahim Asgharzadeh.
Trả lời phỏng vấn AP, Ebrahim Asgharzadeh, một trong những người đứng đầu nhóm sinh viên chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ nói rằng ông thực sự hối hận vì những gì đã xảy ra và cho rằng chính từ cuộc khủng hoảng này đã khiến cho tình hình quan hệ Mỹ - Iran ngày một xấu đi tới tận ngày nay.
Theo ông, diễn biến cuộc chiếm đóng đã diễn ra quá nhanh, vượt qua khỏi tầm kiểm soát mà chính ông cũng không thể tưởng tượng được là sẽ tồi tệ đến như vậy. Ông khuyên rằng không ai nên theo bước chân của mình, mặc cho vụ việc được ghi lại trong lịch sử Iran là một hành động anh hùng.
444 ngày bị giam cầm
Ngày 4/11/1979 là ngày kỷ niệm 15 năm nhà Vua Iran trục xuất giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ Ayatollah Khomeini khỏi nước này. Khi đó, cảnh sát Iran gần như “mất tích” và để cho hàng trăm sinh viên ủng hộ Đại giáo chủ Khomeini đang nắm quyền trèo hàng rào và chiếm đóng tòa nhà ĐSQ chỉ trong vòng ba tiếng rưỡi. Kết quả, hơn 60 người trong ĐSQ đã bị bắt làm con tin.
Theo các nhà quan sát, vụ chiếm đóng này là cách thức để các nhà hoạt động cách mạng sinh viên Iran tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ và đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ nước Cộng hòa Hồi giáo.
Đại giáo chủ Khomeini là người kiểm soát tình hình con tin, từ chối mọi lời kêu gọi thả tự do cho con tin, ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu chấm dứt cuộc khủng hoảng trong một cuộc bỏ phiếu và được toàn bộ thành viên nhất trí. Tuy nhiên, hai tuần sau khi chiếm đóng ĐSQ, ông Khomeini đã bắt đầu thả tự do cho những ai không phải người Mỹ, toàn bộ phụ nữ và người mang quốc tịch Mỹ song thuộc dân tộc thiểu số, với lý do họ thuộc nhóm những người bị chính phủ Mỹ áp bức. 52 tù nhân còn lại vẫn nằm trong tay Khomeini 14 tháng sau đó.
Hình ảnh các nhân viên sứ quán bị bịt mắt và khống chế đã gây ra làn sóng giận dữ ở Mỹ, tạo áp lực đòi chính phủ nước này phải hành động quyết liệt. Cho dù rất cố gắng, cựu Tổng thống Jimmy Carter vẫn không thể giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng con đường ngoại giao. Ông không chấp nhận các yêu sách của Tehran, đòi Washington phải trao trả Shah để xét xử và phải xin lỗi vì những hành động của mình, khiến cho cuộc khủng hoảng ngày một tồi tệ.
Do phương pháp ngoại giao thất bại, ông Carter buộc phải sử dụng đến vũ lực và yêu cầu Lầu Năm góc lên kế hoạch giải cứu. Ngày 24/4/1980, chiến dịch mang tên "Móng vuốt Đại Bàng" được vạch ra và giao cho lực lượng biệt kích Delta tinh nhuệ của quân đội Mỹ thực hiện. Tuy đã được tính toán kỹ càng, nhưng thực tế lại không diễn ra như kế hoạch, "Móng vuốt Đại bàng" thất bại thảm hại khiến tám quân nhân Mỹ thiệt mạng và không có con tin nào được giải cứu.
Ba tháng sau, cựu hoàng Iran qua đời vì ung thư ở Ai Cập, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Tháng 11/1980, ông Carter thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống trước Ronald Reagan thuộc Đảng Cộng hòa. Ít lâu sau, với sự hỗ trợ của các trung gian người Algeria, Mỹ và Iran đã bắt đầu đạt được các cuộc đàm phán thành công.
Ngày 20/1/1981, Tổng thống Ronald Reagan chính thức nhậm chức, Mỹ đã giải phóng gần 8 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Iran và các con tin đã được trao trả sau 444 ngày bị giam cầm. Ngày hôm sau, cựu Tổng thống Jimmy Carter sang Tây Đức để chào đón những người Mỹ trên đường trở về nhà.
Nhiều sử gia nhận định cuộc khủng hoảng con tin ở Iran đã cản bước ông Jimmy Carter tới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Chính ông cũng cho rằng thất bại của "Móng vuốt Đại bàng" đã góp công lớn cho chiến thắng của đối thủ Cộng hòa Ronald Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980.
Cuộc khủng hoảng con tin Iran đã chấm dứt từ 40 năm trước, song đến ngày hôm nay, quan hệ Mỹ-Iran vẫn đang bị “giam cầm” trong vòng xoáy thù địch không lối thoát. Những tiếng hô chống đối Mỹ vẫn vang vọng trong các cuộc tuần hành và lãnh đạo Iran vẫn luôn gọi Mỹ là “kẻ thất hứa” khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước hạt nhân Iran ký năm 2015.
Hiện tại, ĐSQ Mỹ tại Tehran vẫn đang bị "đóng băng" và đã không có dấu chân của nhà ngoại giao Mỹ nào tới đây trong nhiều năm. Những gì còn sót lại của Đại sứ quán Mỹ được Basij - một lực lượng bán quân sự có sứ mệnh đối phó với những thế lực chống chính phủ - đứng ra quản lý. Tòa nhà này được sử dụng một phần để làm bảo tàng, trưng bày hiện vật về cuộc chiếm giữ ĐSQ năm 1979 và phần còn lại được dùng làm không gian sinh hoạt cho sinh viên.
Tương tự, Đại sứ quán Iran tại Washington vẫn để trống từ khi Tổng thống Carter trục xuất các nhà ngoại giao Iran trong cuộc khủng hoảng. Tòa nhà hiện chịu sự quản lý của Bộ Ngoại giao Mỹ và không ai được phép vào trong.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhin-lai-40-nam-cuoc-khung-hoang-con-tin-iran-104142.html