Nhiều tỉnh xin thêm chỉ tiêu tuyển giáo viên
Nghệ An là một trong những địa phương xin tăng chỉ tiêu tuyển giáo viên với số lượng lớn; tỉnh này xin bổ sung gần 8.000 giáo viên mầm non và phổ thông.
Tại hội nghị toàn ngành giáo dục diễn ra ngày 31/10, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xin bổ sung 7.843 giáo viên mầm non và phổ thông nhằm đáp ứng tốt việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hỗ trợ xây dựng mô hình xã hội hóa các trường PTDT nội trú, bán trú ở miền núi và vùng khó khăn...
Ông Trung cho biết, Nghệ An có 5 huyện miền núi cao, địa hình rộng lớn, hơn 1.000 điểm trường lẻ (phần lớn ở bậc biểu học).
Tương tự, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập. Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ nên tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về hợp đồng nhân viên làm công tác chuyên môn trong các cơ sở giáo dục khi thành lập mới hoặc khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác nhưng trường chưa kịp thời tuyển dụng mới.
Với Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập giảm 47 trường, 301 điểm trường và hơn 2.000 biên chế. Chủ trương của địa phương trong việc sáp nhập trường là ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên, nhất là các địa bàn miền núi. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang khiến nhiều nơi thiếu giáo viên, Quảng Nam sẽ tổ chức thi tuyển hằng năm để bổ sung kịp thời.
Ông Tài đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển. Theo ông, với vùng đồng bào dân tộc miền núi, giáo viên mầm non chỉ cần có trình độ trung cấp, giáo viên tiểu học chỉ cần có trình độ cao đẳng (theo quy định hiện hành, giáo viên bậc tiểu học phải có bằng đại học).
Ở góc độ đào tạo ngành sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất: “Cần sắp xếp hệ thống các trường, đặc biệt là hệ thống đào tạo giáo viên để tránh chuyện đầu tư dàn trải, không tập trung nguồn lực đầu tư để có những trường trọng điểm, dẫn đầu.
Các địa phương hoàn toàn có thể đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm. Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai cùng với các trường đại học sư phạm. Nhưng tôi nghĩ rằng, riêng Bộ GD&ĐT, riêng ngành GD&ĐT sẽ không thể triển khai tốt nếu không có sự tham gia của các địa phương", GS Minh chia sẻ.
Lắng nghe các đề xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy Đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.
“Tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh, thành ngoài vấn đề trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Đề nghị Bộ GD&ĐT sau hội nghị có kiến nghị mạnh mẽ về vấn đề này", Phó Thủ tướng lưu ý.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-tinh-xin-them-chi-tieu-tuyen-giao-vien-ar578297.html