Nhiều thay đổi đề thi minh họa tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố cấu trúc và đề minh họa cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025. Với những điểm mới trong cấu trúc, đề thi đã đặt ra cho các cơ sở giáo dục phổ thông thay đổi phương pháp dạy và học, cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh.
CẤU TRÚC ĐỀ THI THAY ĐỔI
Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, môn Ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn học khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Thời gian của mỗi môn thi là: Ngữ văn: 120 phút, Toán: 90 phút, các môn học khác: 50 phút.
Theo Bộ GD-ĐT, 17 cấu trúc đề thi đã được định dạng theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực, cấp độ tư duy kèm theo. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý, Chương trình GDPT năm 2018 mới thực hiện đến lớp 11, do vậy kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11.
Điểm nổi bật trong các đề thi minh họa là với các môn trắc nghiệm sẽ có 3 dạng thức câu hỏi. Thứ nhất, là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn theo phương án A, B, C hoặc D, đây cũng là dạng thức truyền thống sử dụng nhiều trong các kỳ thi. Theo đó, các môn ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này; các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.
Thứ hai, là câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng - sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng hoặc sai đối với từng ý của câu hỏi. Với dạng thức này, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức, kỹ năng mới có thể xử lý các câu hỏi trong đề thi.
Thứ ba, là câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng chắc chắn.
Học sinh Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công trong giờ học.
Với môn Ngữ văn, môn duy nhất sử dụng phương thức thi tự luận cũng có nhiều thay đổi. Về cấu trúc đề, vẫn cơ bản giống như trước đây, thế nhưng điểm mới của cấu trúc đề thi mới là các văn bản không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, hạn chế tình trạng học tủ, đoán đề của thí sinh. Đề thi sẽ kiểm tra, đánh giá toàn diện các kỹ năng đọc, tiếng việt và tạo lập văn bản của thí sinh.
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Có thể thấy, cấu trúc và đề thi minh họa được sử dụng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT năm 2018 là đánh giá năng lực theo từng cấp độ tư duy của học sinh. Với dạng thức đề thi mới này đã hạn chế tình trạng học sinh “học tủ”.
Như vậy, với việc đổi mới trong cấu trúc đề thi minh họa đã đặt ra cho các trường THPT những định hướng mới trong giảng dạy, cũng như kiểm tra, đánh giá phù hợp với tinh thần Chương trình GDPT năm 2018 đặt ra.
Thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đánh giá, ở đề Toán, dạng thức trắc nghiệm nhiều đáp án là dạng quen thuộc, chỉ ở mức độ nhận biết, yêu cầu học sinh phải nắm rõ lý thuyết. Đối với dạng 2 câu hỏi đúng - sai, đây là dạng câu hỏi mới, rất hay, mỗi câu hỏi gồm nhiều ý nhỏ và học sinh phải thực sự hiểu mới có thể trả lời được. Với dạng thức trả lời các câu trả lời ngắn trong phần 3 là một nhóm câu hỏi tự luận.
Phần lớn câu hỏi trong phần này ở mức độ vận dụng, bắt buộc học sinh phải biết cách giải quyết vấn đề, không còn lựa chọn theo kiểu “may rủi” như trước đây. Như vậy, vấn đề đặt ra theo tinh thần cấu trúc đề thi này là từng trường, từng giáo viên phải thích nghi, cập nhật, thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá học sinh, nhằm đáp ứng yêu cầu của tinh thần chương trình mới đề ra.
Cùng quan điểm với thầy Nhân Trung, thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho rằng, chương trình mới đã đặt ra rất nhiều vấn đề về đổi mới và một trong những vấn đề đó là thay đổi kiểm tra, đánh giá. Trong thời gian tới đây, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ định hướng tới các tổ chuyên môn để có sự điều chỉnh, định hướng sao cho phù hợp; đặc biệt là đối với những học sinh học theo Chương trình GDPT năm 2018 ở khối 10, 11.
Trước những thay đổi về định hướng trong đề thi của Bộ GD-ĐT được đông đảo giáo viên ủng hộ, thế nhưng, trước những thay đổi của chương trình mới, đội ngũ giáo viên vẫn chờ Bộ GD-ĐT định hướng, xây dựng nội dung đề thi gần gũi thực tiễn, không nặng về kiến thức hàn lâm như trước đây, các kiến thức học sinh học được phải được vận dụng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.