Nhiều thập kỷ sau khi mất, sức ảnh hưởng của Diana tới đâu?

Trong 'Dianaworld', Edward White đã trình bày về ảnh hưởng văn hóa của Công nương Diana sau một phần tư thế kỷ, theo The Washington Post.

Diana, Công nương xứ Wales, có còn quan trọng không? Rất nhiều điều lớn khác đã xảy ra kể từ vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng của bà ở Paris năm 1997: Như vụ khủng bố 9/11, Chiến tranh Iraq, Brexit hay đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cái tên Diana vẫn được nhắc đến mỗi khi đến gần thời gian kỷ niệm ngày mất của bà. Như nhà viết tiểu sử Edward White đã chứng minh một cách tài tình trong Dianaworld: An Obsession, sức ảnh hưởng của Diana vượt lên cả tử vong.

Hai mảnh ghép trái ngược

Ngoài việc cung cấp thông tin chi tiết về cuộc đời của Diana, White còn trình bày về ảnh hưởng văn hóa của Công nương Diana tận sau một phần tư thế kỷ. Quý bà Diana Spencer lần đầu tiên bước lên sân khấu thế giới vào năm 1981 như biểu tượng của sự cũ kỹ, một người học trường nội trú thay vì trường trung học tự do, một dòng dõi quý tộc giữa thời đại văn hóa punk nổi loạn đang nở rộ, một cô dâu trẻ trong thời kỳ các thiếu nữ tôn vinh lối sống phóng khoáng.

Tuy nhiên, bà nhanh chóng trở thành một nhân tố thay đổi, một luồng gió mới trong giới hoàng gia cổ hủ. Diana không chọn những cuộc dạo chơi trang trọng, thay vào đó, gặp gỡ người hâm mộ ở cự ly gần, trò chuyện, chia sẻ và trao những cái ôm siết chặt. Bà đã tạo nên tin tức lớn khi bắt tay một bệnh nhân AIDS. Diana là một Công nương hiện đại nhưng lại có sức mạnh kết nối, chữa lành, điều được White gọi là hai mảnh ghép tưởng như hoàn toàn trái ngược nhưng lại gắn kết và tạo nên sức mạnh mới cho Diana.

 Diana được giới truyền thông gọi là Công nương trong lòng người dân Anh. Ảnh: CNN

Diana được giới truyền thông gọi là Công nương trong lòng người dân Anh. Ảnh: CNN

White, trước đây là tác giả của The Twelve Lives of Alfred Hitchcock, đôi khi sử dụng phong cách học thuật quá mức trong tác phẩm về Diana. Tuy nhiên, đó dường như để phân định ranh giới với những tin đồn đã quá nhiều về Diana. Ông cũng dành nhiều không gian cho cảm xúc của những người bình thường, những con người đã bày tỏ suy nghĩ của họ trong dự án Quan sát quần chúng tại Đại học Sussex hay trong lịch sử truyền miệng tại Thư viện Anh. Hầu hết đều chưa bao giờ gặp Diana, nhưng "coi bà là một sự hiện diện quan trọng trong cuộc sống của họ", ông viết.

Dư âm trong chính trị-xã hội Anh

Nếu cảm xúc của mọi người về Diana chưa đủ hấp dẫn thì phân tích của White về ảnh hưởng của Diana đối với chế độ quân chủ và nền chính trị - xã hội Anh hay hơn nhiều. Sau khi chia tay Hoàng tử Charles, bà đã thành lập một liên minh bán chính thức với Tony Blair và phong trào Lao động mới của ông.

Công nương tin vào một chế độ quân chủ cải cách còn Blair hứa hẹn về một nước Anh hậu Thatcher, "trong đó tham vọng cho bản thân và lòng trắc ẩn với người khác có thể dễ dàng hòa hợp với nhau".

Diana hy vọng rằng khi Blair trở thành thủ tướng, ông sẽ bổ nhiệm bà làm đại sứ thương hiệu lưu động cho nước Anh dù "không ai, kể cả Diana, thực sự biết một vị trí như vậy có thể đòi hỏi điều gì", White lưu ý.

 Cuốn sách ra mắt ngày 29/4. Ảnh: Amazon.

Cuốn sách ra mắt ngày 29/4. Ảnh: Amazon.

Điều đó không bao giờ xảy ra vì Blair không chấp thuận việc Diana bị lôi kéo vào quỹ đạo của tỷ phú Mohamed al-Fayed, chủ sở hữu Harrods, người được cho là có liên quan với một âm mưu hối lộ các thành viên Quốc hội.

Blair khuyên Diana tránh xa al-Fayed, nhưng Diana, thay vào đó lại xa lánh thủ tướng và bắt đầu hẹn hò với con trai của Fayed. Cả hai đã cùng tử vong trong vụ tai nạn kinh hoàng.

Những gì diễn ra sau đó ở Anh là chưa từng có: quốc tang quá xúc động, đến nỗi một người quan sát, thủ tướng tương lai Boris Johnson, đã gọi đó là "lễ hội đau buồn". Trong khi đó, trước thềm tang lễ, Nữ hoàng Elizabeth II đã bị giới truyền thông chỉ trích về sự cứng rắn trước vụ tai nạn của Diana và sau đó phải nhượng bộ công chúng.

Phần nào những diễn biến này khiến Hoàng gia Anh thay đổi. Họ đã từ bỏ sự cứng rắn, ngày càng cởi mở về cảm xúc của mình, tránh xa những hoạt động bảo trợ khoa trương để tập trung vào loại bỏ tệ nạn xã hội.

Hoàng tử William đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng vô gia cư ở Anh và cùng vợ Catherine (Kate) đi tiên phong trong sáng kiến về sức khỏe tâm thần mang tên Heads Together. Nhờ Diana từ chối các quy ước của hoàng gia, con trai bà đã có nhiều tự do hơn để chọn một người ngoài tầng lớp thống trị. Mẹ của Catherine là một cựu tiếp viên hàng không còn cha bà là cựu nhân viên điều phối chuyến bay của British Airways.

Về nền chính trị Anh, trong khi White không muốn liên kết Diana trực tiếp với Brexit, ông đã chỉ ra rằng bầu không khí chính trị ở Anh đã thay đổi đáng kể. Các thể chế cởi mở hơn với công chúng. Các chính trị gia bày tỏ cảm xúc trước ống kính và kêu gọi công chúng thể hiện tình yêu thương nhiều hơn với những thanh thiếu niên gặp khó khăn.

Trong một chương trình hồi đầu tháng tư, Kemi Badenoch, người đứng đầu Đảng Bảo thủ, đã bị chất vấn trên BBC News về lý do bà vẫn chưa xem bộ phim truyền hình được thảo luận rộng rãi của Netflix Adolescence, bộ phim về tâm lý học đường ở Anh. Badenoch phản bác rằng bà thích dành thời gian để gặp gỡ những người thực sự khó khăn hơn là xem phim truyền hình. Thật khó để tưởng tượng cuộc trao đổi này xảy ra ở nước Anh thời tiền Diana.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-thap-ky-sau-khi-mat-suc-anh-huong-cua-diana-toi-dau-post1550219.html