Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng

Chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng là chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị của rừng. Ðồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, qua gần 20 năm triển khai công tác này, tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót, cần được chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Bài 1: Nguyên nhân từ đâu?

Không lập phương án, lập phương án không đúng, phương án chưa phê duyệt nhưng đã giao đất; khi thực hiện thủ tục giao đất lại không thực hiện thủ tục giao rừng, đây là những sai sót đang gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Chưa lập phương án nhưng đã giao đất

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến trên 143.000 ha, trong đó diện tích có rừng tập trung khoảng 94.000 ha. Từ lâu, rừng đã trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, an ninh - quốc phòng... mà còn là ngành hàng kinh tế chủ lực của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, khai thác tốt tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giao đất, giao rừng đang đứng trước nhiều thách thức bởi thiếu quy định chi tiết, một số nội dung còn bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương; cũng như nhận thức, năng lực quản lý của các cơ quan thực thi và chủ rừng còn hạn chế.

Qua đánh giá thực tế của nhiều địa phương cho thấy, việc giao đất, giao rừng là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần ổn định đời sống người dân, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng; hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Ảnh: HUỲNH LÂM

Qua đánh giá thực tế của nhiều địa phương cho thấy, việc giao đất, giao rừng là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần ổn định đời sống người dân, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng; hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ông Phan Vân Minh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tính từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 54 quyết định thu hồi đất từ các công ty lâm nghiệp, lâm ngư trường, các ban quản lý rừng, giao cho UBND cấp xã thuộc các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Ðầm Dơi, U Minh và Trần Văn Thời để lập thủ tục giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng, với tổng diện tích hơn 24.353,33 ha.

Tuy nhiên, qua rà soát 54 quyết định này, chỉ có 31 quyết định được UBND cấp huyện phê duyệt phương án giao đất; còn lại 4 quyết định không lập phương án giao đất, giao rừng theo quy định của Nghị định số 163/1999/NÐ-CP ngày 19/9/1999 của Chính phủ và 19 quyết định chưa được UBND cấp huyện phê duyệt phương án giao đất (trong đó, có 17 quyết định chưa lập, phê duyệt phương án giao đất nhưng đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và 2 quyết định UBND cấp xã chưa lập phương án giao đất để trình UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định của pháp luật).

Theo ghi nhận của phóng viên, quá trình triển khai thực hiện việc giao đất, giao rừng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: ngành chức năng chưa thực hiện việc cắm mốc và bàn giao ranh giới khu đất ngoài thực địa cho địa phương quản lý; diện tích theo phương án được duyệt lớn hơn diện tích thực tế của địa phương đang quản lý; phương án không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hiện tại; trình tự, thủ tục còn chồng chéo, chưa thống nhất và đồng bộ. Các đối tượng theo phương án giao đất chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã chuyển nhượng, cho tặng, chuyển đổi thừa kế cho các hộ gia đình, cá nhân khác quản lý sử dụng đất, sử dụng rừng.

Giao đất nhưng chưa giao rừng gắn liền với đất

Ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành 2 quyết định (Quyết định 251/QÐ- UBND ngày 8/10/2004 và Quyết định 61/QÐ-UBND ngày 13/8/2015), giao đất cho 2 xã: Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi. Theo đó, 2 địa phương đã giao cho 1.242 hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng, với tổng diện tích trên 3.700 ha; còn lại 33 trường hợp chưa thực hiện thủ tục giao đất, nguyên nhân do các đối tượng theo phương án giao đất được duyệt, chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã chuyển nhượng, cho tặng, chuyển đổi thừa kế”.

Các cấp chính quyền đã và đang tập trung tháo gỡ nhằm hoàn thành sớm việc giao đất, giao rừng theo kế hoạch. (Trong ảnh: Khai thác rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ).

Các cấp chính quyền đã và đang tập trung tháo gỡ nhằm hoàn thành sớm việc giao đất, giao rừng theo kế hoạch. (Trong ảnh: Khai thác rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ).

Ðược đánh giá là địa phương nhiều tích cực thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song thực tế công tác này trên địa bàn huyện U Minh cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: “Qua rà soát, từ năm 2004-2019, UBND tỉnh ban hành 19 quyết định thu hồi đất từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ giao về UBND huyện thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân. Qua các quyết định đó, UBND huyện đã ban hành 17 quyết định phê duyệt phương án giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân”.

Ông Hồ Song Toàn thẳng thắn nhìn nhận: “Ðã qua, địa phương chỉ thực hiện thủ tục giao đất, nhưng chưa thực hiện thủ tục giao rừng. Do hạn chế về áp dụng quy định của pháp luật, nên trước đây cơ quan chuyên môn không tham mưu lập và trình phê duyệt phương án giao đất, giao rừng mà xem xét giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thực tế đang quản lý, sử dụng”.

Ông Lê Hồng Thịnh chia sẻ: “Việc lập phương án giao đất tại thời điểm đó chỉ căn cứ theo Luật Ðất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành, nhưng không căn cứ vào Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, nên không lập kế hoạch giao rừng”.

Theo ông Thịnh, khi phát hiện sai sót này, huyện đã tạm dừng thực hiện việc giao đất theo phương án phê duyệt. Ðồng thời, tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch giao rừng theo hướng dẫn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên - Môi trường. Tuy nhiên, kế hoạch lập đã xong, đến nay các sở này cũng đã có ý kiến chờ kế hoạch quy hoạch lâm nghiệp quốc gia mới có cơ sở thẩm định, ban hành quyết định giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và cá nhân./.

Trung Ðỉnh

Bài 2: Quy định thiếu đồng bộ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhieu-sai-sot-trong-giao-dat-giao-rung-a33140.html