Nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công

6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An đạt 24,22%, cao hơn bình quân chung cả nước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 20 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân, hơn 208 tỷ đồng nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao vốn.

Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6/2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nghệ An là 9.033,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/6, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 2.682,695 tỷ đồng, đạt 29,7%; trong đó, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 1.352 tỷ đồng, đạt 24,22%.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (30,69%). Trong đó, một số nguồn giải ngân đạt thấp như: vốn nước ngoài mới giải ngân hơn 40,6 tỷ đồng, đạt 13,75%; nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân hơn 69 tỷ đồng, đạt 9,24%; nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia mới giải ngân gần 226,5 tỷ đồng, đạt 19,18%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang báo cáo kết quả giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/6, nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia kế hoạch năm 2023 còn hơn 155 tỷ đồng, năm 2022 còn hơn 53 tỷ đồng chưa được giao vốn. Trong đó, có 9 dự án chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục của 4 chủ đầu tư: Kỳ Sơn (4 dự án); Tương Dương (2 dự án); Nghĩa Đàn (1 dự án) và Sở Văn hóa và Thể thao (2 dự án).

Nguyên nhân chậm hoàn thiện hồ sơ thủ tục là do một số dự án có quy mô lớn, quá trình khảo sát địa hình, địa chất phức tạp, trải qua nhiều bước, nên mất nhiều thời gian; một số dự án phải trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định hồ sơ dự án trước khi phê duyệt; một số dự án vướng quy hoạch phải thực hiện điều chỉnh...

Tính riêng kế hoạch đầu tư công tập trung tỉnh quản lý năm 2023, đến ngày 20/6, có 28 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh (24,22%). 13 huyện, thành, thị và 29 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh.

13 huyện, thành, thị, gồm: Tương Dương (0,09%), Quế Phong (2,12%), TX. Thái Hòa (4,96%), TP. Vinh (6,96%), Kỳ Sơn (7,56%), TX. Hoàng Mai (13,74%), Con Cuông (16,12%), Quỳnh Lưu (16,57%), Quỳ Châu (18,92%), Quỳ Hợp (20,85%), Yên Thành (22,04%), Hưng Nguyên (22,83%), Nam Đàn (23,32%).

Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) mới chỉ giải ngân được 1,49%/kế hoạch vốn của năm 2023 là 165 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Bằng

Đặc biệt, có nhiều đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân, trong đó một số đơn vị có số vốn lớn như: Sở Du lịch, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Trung cấp nghề Kinh tế -Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Đại học Y khoa Vinh, Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ, Trường Cao đẳng Việt - Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh...

Tính theo dự án, có 105 dự án/tổng số 164 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó có 69 dự án chưa giải ngân với kế hoạch vốn là hơn 1.107 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng giải phóng mặt bằng; một số dự án chuyển tiếp đang thực hiện các thủ tục; quy trình, thủ tục dự án ODA phức tạp, kéo dài; chưa hoàn thành các bước thủ tục đầu tư.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân việc giải ngân đầu tư công chậm là do tác động của giá cả nguyên nhiên vật liệu; Quy trình thủ tục triển khai dự án mới mất nhiều thời gian; Vướng mắc giải phóng mặt bằng; văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời.

Dự án cầu Thanh Nam bắc qua sông Lam tại huyện Con Cuông mới chỉ giải ngân được 11,73%/kế hoạch vốn của năm 2023 là 49,2 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu,... còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu; Một số dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất khó để thực hiện.

Nhấn mạnh giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang đề nghị các chủ đầu tư tập trung quyết liệt tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc về hồ sơ thủ tục, đấu thầu, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Một số dự án có số vốn lớn ở Kỳ Sơn, nếu chủ đầu tư xác định không đáp ứng yêu cầu thì báo cáo UBND tỉnh có giải pháp chuyển chủ đầu tư. Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là những đơn vị có kết quả giải ngân thấp và chưa giải ngân cần tập trung quyết liệt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, các đơn vị phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh và các ngành để được chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung quyết liệt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Bằng

"Đối với các dự án đến nay chưa hoàn thành thủ tục để giao vốn thì Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát năng lực thực hiện của các chủ đầu tư, tham mưu giải pháp xử lý kịp thời, nếu không thực hiện được thì chuyển chủ đầu tư hoặc dừng dự án", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh và cho biết, trong tháng 7/2023, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6, UBND tỉnh đã thống nhất trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách địa phương. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch của 6 dự án với số vốn 74,347 tỷ đồng và điều chỉnh tăng chỉ tiêu kế hoạch cho 3 dự án với số vốn 74,347 tỷ đồng.

Phạm Bằng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nhieu-kho-khan-vuong-mac-trong-giai-ngan-dau-tu-cong-post271995.html