Nhiều hiến kế để ngành du lịch Đà Lạt phát triển chất lượng, bền vững

Chiều 5/6, UBND TP Đà Lạt phối hợp với Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh; Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm 'Phát triển du lịch Đà Lạt' với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch, chuyên gia và các đơn vị liên quan, nhằm tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch Đà Lạt phát triển chất lượng, bền vững.

Toàn cảnh nội ô Đà Lạt

Toàn cảnh nội ô Đà Lạt

Đà Lạt được biết đến là thành phố nổi tiếng trong nước và quốc tế với khí hậu mát mẻ quanh năm; muôn loài hoa khoe sắc 4 mùa; thực phẩm sạch, xanh (rau, củ, quả...) phong phú; nhiều công trình kiến trúc nổi bật; con người hiền hòa, mến khách...

Những năm qua, du lịch Đà Lạt phát triển mạnh, đón lượng du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng đông. Trước thực tế về nhu cầu chất lượng, trải nghiệm du lịch ngày càng cao của con người, văn hóa thụ hưởng du lịch của du khách đến từ các quốc gia khác nhau, đòi hỏi ngành du lịch Đà Lạt phải bứt phá, trở thành điểm đến yêu thích, đáp ứng cung - cầu, gắn phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế địa phương.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trao đổi, nêu ra nhiều giải pháp, ý tưởng, "hiến kế" để UBND TP Đà Lạt, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng... nghiên cứu trong chiến lược, tiếp tục lộ trình phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch nên đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, không nên tập trung cạnh tranh bằng giá cả; chú trọng nâng cao nền dịch vụ, thông qua các kênh truyền thông đa ngôn ngữ, đa phương tiện.

Tọa đàm "Phát triển du lịch Đà Lạt"

Tọa đàm "Phát triển du lịch Đà Lạt"

Theo đó, cùng với việc tập trung thu hút du khách, du lịch Đà Lạt cần nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa, kích cầu chi tiêu; phát triển kinh tế đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ), mở rộng hợp tác đầu tư về du lịch, tăng cường kết nối sản phẩm du lịch, nhận diện thương hiệu Đà Lạt, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nâng cao hình ảnh, tình yêu Đà Lạt một cách tích cực hơn, khuyến khích phát triển các đơn vị vận hành quốc tế chuyên nghiệp…

Ông Cao Thế Anh - Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, cho rằng, cần có những giải pháp, lộ trình cụ thể, có chủ đích nhằm đạt được những kết quả tốt hơn trong hoạt động kinh doanh du lịch, bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa Đà Lạt – chất Đà Lạt, theo hướng xanh – bền vững, gắn liền tiến trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại mang tầm Quốc tế. Trong đó, cần đẩy mạnh liên kết với quốc tế qua đường hàng không để hình thành các tuyến du lịch đặc trưng; áp dụng chiến lược 4 trong 1: Hàng không, lưu trú, mua sắm và chính quyền địa phương; góp phần nâng cao sức cạnh tranh điểm đến và liên kết phát triển du lịch trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Greenhills của ông Nguyễn Đình Quân Quy đưa ra ý tưởng về chợ nông sản sạch kết hợp với du lịch, tại khu phía Đông của TP Đà Lạt với sản phẩm rau, củ quả đặc trưng, phong phú, thu hút khách du lịch yêu thích đặc sản Đà Lạt. Thành phố cũng cần phát triển, quảng bá những tuyến xe buýt, xe du lịch nối Đà Lạt với các vùng ngoại ô có cảnh quan du lịch để du khách thuận tiện đi lại, trải nghiệm du lịch "săn mây", thưởng thức ngoại cảnh nổi tiếng, đặc trưng của Đà Lạt.

Nhiều doanh nghiệp trẻ của Lâm Đồng từng du học, trở về gắn bó phát triển công nghệ, nông nghiệp sạch, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển ngành nghề du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng

Nhiều doanh nghiệp trẻ của Lâm Đồng từng du học, trở về gắn bó phát triển công nghệ, nông nghiệp sạch, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển ngành nghề du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng

Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, đại diện Công ty du lịch Viettravel tại Đà Lạt, cho rằng, khí hậu, cảnh quan đặc trưng của Đà Lạt rất hấp dẫn với xứ nóng. Để khai thác được nguồn khách cao cấp quốc gia khác thì phải định hình lại nhóm khách hàng nhằm có chiến lược, xây dựng hướng tiếp cận và cung cấp dịch vụ có chiều sâu hơn, chuyên nghiệp hơn để đảm bảo nguồn khách ổn định.

Chị Hoàng Anh, Công ty TNHH xản xuất - thương mại Hana cho rằng, cần ươm mầm cho lớp trẻ, gắn du lịch với giáo dục; phổ biến, lan tỏa tình yêu Đà Lạt để những người trẻ trưởng thành dù có đi đâu vẫn muốn quay về, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, chung tay phát triển Đà Lạt....

Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ghi nhận, đánh giá, phản hồi những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu; đồng thời cho biết, UBND TP Đà Lạt sẽ nghiên cứu những sáng kiến hợp lý để hoàn thiện và định hướng ngành du lịch địa phương ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Ông Trình cho biết: Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; do đó, đã đề ra mục tiêu, cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch Đà Lạt nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, đa dạng các sản phẩm du lịch, lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút du khách.

TP Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn của châu Á; thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc; Festival hoa Đà Lạt được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival hoa đẹp nhất châu Á” năm 2024…

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhieu-hien-ke-de-nganh-du-lich-da-lat-phat-trien-chat-luong-ben-vung_163163.html