Nhiều cụm công nghiệp tại Quảng Ngãi chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung

Nhiều năm qua, người dân sống xung quanh cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi) bức xúc tình trạng ô nhiễm do nguồn nước và khí thải phát tán ra môi trường.

Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây có 16 doanh nghiệp nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, toàn bộ nước thải đều thải ra kênh mương gần khu vực người dân sinh sống.

Bà Võ Thị Minh Tâm ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, chia sẻ: “Nhà tôi cách cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây khoảng 100m. Hàng chục năm nay, cứ chập choạng tối là mùi khí thải từ công ty sản xuất bao bì xộc thẳng vào mũi”.

 Kênh mương đen ngòm tại cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi)

Kênh mương đen ngòm tại cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi)

Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây thường xuyên bị cử tri các địa phương phản ánh về tình trạng các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến hàng năm tình trạng cá chết hàng loạt vào cao điểm nắng nóng lại xảy ra.

Theo thông tin từ Sở Công thương TP Quảng Ngãi, cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây hiện nay đã được lấp đầy 90% nhưng việc đầu tư hạ tầng ban đầu chưa đồng bộ, đặc biệt là chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống thu gom thoát nước thải, nước mưa tại cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây chưa được đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ô nhiễm nguồn nước trên kênh chìm đoạn chảy qua cụm công nghiệp này.

Tương tự, cụm công nghiệp Đồng Dinh (huyện Nghĩa Hành) cũng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguyên nhân do khó khăn về nguồn kinh phí.

 Một nhà máy tại cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây

Một nhà máy tại cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây

Đối với cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây và Đồng Dinh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có định hướng di dời ra khỏi khu vực đô thị, không cấp mới và mở rộng dự án sản xuất kinh doanh tại 2 cụm công nghiệp này. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây sau khi hết thời hạn cho thuê đất theo hợp đồng thuê đất của cấp có thẩm quyền đã ký sẽ thực hiện di dời theo chủ trương của tỉnh, đồng thời thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Trong 15 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, tất cả đều do ban quản lý đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư và nguồn vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách nhà nước. Do nguồn vốn hạn chế, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện chưa được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cụm công nghiệp đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, vừa thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vừa từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật nên công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, Sở Công Thương kiến nghị Sở TN-MT, UBND các huyện, thị, thành phố nơi có cụm công nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm công nghiệp tổ chức rà soát, hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường của dự án. Đồng thời, tiếp tục tiến hành quan trắc theo định kỳ, kiểm tra các chỉ số về môi trường làm cơ sở giám sát, theo dõi, quản lý môi trường tại cụm công nghiệp.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-cum-cong-nghiep-tai-quang-ngai-chua-dau-tu-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-tap-trung-post745010.html