Nhiều công trình, dự án gây lãng phí lớn (Kỳ 3)
Đất đai Nhà nước bị bỏ hoang, 'biến tướng' dẫn đến thất thoát lãng phí, nhiều công trình, dự án kéo dài, đội vốn và không phát huy được hiệu quả… là những câu chuyện dài về lãng phí tài sản công khiến nhân dân bức xúc. Ai là người chịu trách nhiệm và cần phải xử lý tận gốc vấn đề này?
Thanh, kiểm tra đến đâu, phát hiện sai đến đó
Năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi hơn 9,5 ha đất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An (100% vốn nhà nước, nay chuyển thành Công ty cổ phần xe lửa Dĩ An) và 298,8m2 đất của 3 hộ dân giao cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An nhưng không thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003.
Đã vậy, khi xác định tiền sử dụng đất, các sở, ngành, cơ quan có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án 5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư là không đúng với thời gian thực hiện dự án dẫn đến giảm tiền sử dụng đất 14,734 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng là không đúng đối tượng. Cũng trong năm 2013, bên cạnh dự án nói trên, UBND tỉnh Bình Dương còn chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt với diện tích hơn 6,4 ha tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An) cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An cũng không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm quy định của Chính phủ. Từ tháng 12/2016 đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, UBND tỉnh Bình Dương, các sở, ngành có liên quan chưa xác định nghĩa vụ tài chính để thu ngân sách dẫn đến Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc sử dụng hơn 6,4 ha đất nói trên, nguy cơ thất thu ngân sách số tiền rất lớn.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ xác định, việc các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án điều chỉnh 3 năm thành 5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư dẫn đến tiền sử dụng đất bị giảm 14,734 tỷ đồng có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định trong Bộ luật Hình sự. Đối với khu nhà ở thương mại đường sắt (khu đất hơn 6,4 ha), việc UBND tỉnh Bình Dương cho phép Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An sử dụng để thực hiện dự án nhưng không qua đấu giá và đến nay chưa xác định nghĩa vụ tài chính để thu ngân sách (theo tính toán của đơn vị tư vấn, tiền sử dụng đất khoảng hơn 220 tỷ đồng) có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tại Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) quản lý, khai thác và bảo vệ 127 cơ sở nhà đất với tổng diện tích gần 104 ha, có 44 địa chỉ thuê đơn vị bảo vệ, cho thuê ngắn hạn 42 địa chỉ, còn lại 41 địa chỉ đơn vị tự quản. Tháng 10/2021, bà Nguyễn Thị Tâm được điều động về làm giám đốc Trung tâm để thay người trước đó cho thu hồi lại mặt bằng cho nhà nước. Một thực tế là đối với những đơn vị trả lại mặt bằng thì vẫn để đó suốt gần 3 năm qua. Đơn cử như khu đất hơn 1,5ha ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức trước đây là Khu du lịch Con Nai Vàng nổi tiếng một thời, sau này cho một đơn vị thuê để kinh doanh dịch vụ ăn uống, thể thao. Ngày 29/10/2024, chúng tôi tìm đến mặt bằng này thì thấy cửa đóng then cài, nhìn vào bên trong khu nhà đã trở thành hoang phế, rong rêu, cỏ dại mọc um tùm, sân tennis trở thành sân cỏ... Cách đó không xa, khu đất hai mặt tiền đường Võ Văn Ngân-Thống Nhất thuộc phường Bình Thọ (TP Thủ Đức) cũng trong trình trạng đóng cửa im ỉm suốt mấy năm qua, kể từ khi thu hồi. Điều đáng nói khi thu hồi và bỏ hoang như vậy, không chỉ nhà nước thất thu ngân sách mà còn phải thiệt đơn thiệt kép vì phải thuê bảo vệ để trông nom.
Trong đợt kiểm tra vừa qua, Trung tâm phát triển quỹ đất phát hiện nhiều khu đất thu hồi có thuê bảo vệ nhưng cũng chính các bảo vệ này là người vi phạm. Cụ thể, tại 13 địa chỉ được kiểm tra thì phát hiện có tổ chức hoạt động giữ xe, tập kết hàng hóa, tận dụng mặt tiền làm ki ốt, làm kho chứa hàng, buôn bán cây kiểng, gara ôtô... thậm chí còn làm nhà để ở. Còn đối với các khu đất tự bảo vệ cũng bị người khác chiếm dụng làm bãi giữ xe, sân bóng đá mini, nhà kho... Những lãng phí rất lớn mà nhà nước thất thu ai là người chịu trách nhiệm?
Những công trình ì ạch gây lãng phí lớn
Có tận mắt chứng kiến các công trình đã hoàn thành hoặc thi công dang dở ở TP Hồ Chí Minh mới thấy sự lãng phí lớn, có công trình chưa hoàn thành đã xuống cấp, nhiều công trình chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn ngân sách và nhiều hệ lụy phát sinh.
Tại Dự án xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh, Ban Quản lý dự án Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) tổ chức đấu thầu và thi công dự án khi chưa đảm bảo có mặt bằng dẫn đến dự án kéo dài thời gian thi công, không đảm bảo mục tiêu cấp bách của dự án, gây lãng phí vốn ngân sách vì công trình dang dở, thi công gián đoạn, một số hạng mục đã xuống cấp.
Tại dự án xây dựng đường Lương Văn Nho, dù đang trong giai đoạn bảo hành chưa thực hiện quyết toán nhưng qua kiểm tra hiện trạng, mặt đường gồ ghề, một số vị trí bị hư hỏng, xuống cấp, lề đường tại một số vị trí có nhiều cây tạp không đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Dự án di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại xã Thạnh An đã hoàn thành nhưng UBND thị trấn Cần Thạnh (đơn vị thụ hưởng) không thực hiện công tác quản lý, không đưa vào khai thác sử dụng như mục tiêu ban đầu của dự án, không thực hiện bảo dưỡng, bảo trì, hiện công trình có dấu hiệu xuống cấp…
Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, Ban Quản lý dự án Cần Giờ đã đề xuất và được các cấp thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công tại 251 dự án với tổng số tiền được giao hơn 5.531 tỷ đồng và đã thực hiện giải ngân hơn 5.360 tỷ đồng, đạt 96,9% kế hoạch vốn. Qua kết quả thanh tra cho biết, trong số các dự án này có 57 dự án kéo dài, không đảm bảo thời gian thực hiện, phải gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời gian triển khai các gói thầu làm giảm hiệu quả vốn đầu tư; trong số 214 dự án được trích phí quản lý có 10 dự án trích phí cao hơn so với tiến độ.
Hay “con đường đau khổ” Lò Lu nằm trên địa bàn phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) có chiều dài chỉ trên dưới 2km nhưng sau 4 năm nâng cấp, sửa chữa thì dự án chỉ mới hoàn thành gần… 200m cống! Con đường tuy đã được trải nhựa nhưng nhiều nơi đã bị bong tróc tạo thành nhiều “ổ voi”, “ổ gà”. Khi mưa nước đọng thành vũng, sình lầy, nắng thì bụi bay mù mịt. Dự án nâng cấp đường Lò Lu có tổng mức đầu tư là hơn 755 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức.
Vào năm 2020, chủ đầu tư ký hợp đồng gói thầu xây lắp 1 với một liên danh. Tuy nhiên, gói thầu chưa khởi công do vướng công tác giải phóng mặt bằng nên tạm ngưng. Còn gói thầu xây lắp 2 gồm xây dựng đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật do Công ty cổ phần xây dựng Phước Nghĩa thi công và khởi công vào ngày 25/4/2020. Đơn vị này đã triển khai thi công gần 200m cống dọc thoát nước bên phải tuyến, đạt 2% giá trị hợp đồng rồi ngưng vì chưa được bàn giao mặt bằng. Công ty Phước Nghĩa đã tạm ứng gần 4,4 tỷ đồng, trong khi đó phần giá trị mà đơn vị này thi công hoàn thành là hơn 103 triệu đồng nên số tiền cần phải thu hồi là gần 4,3 tỷ đồng.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói đến các đại dự án ngàn tỷ ở TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận bức xúc. Cụ thể, Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010 với mức đầu tư công bố là 988 tỷ đồng. Năm 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỷ đồng, sau đó UBND TP Hồ Chí Minh xin bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán cho nhà đầu tư. Đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của đại dự án lên tới hơn 1.953 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với ban đầu và UBND thành phố tiếp tục xin bổ sung khu đất 3ha ở khu trường đua Phú Thọ để thanh toán hợp đồng…
Ngày 25/4/2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc dừng đầu tư dự án Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT), chuyển thành phương thức đầu tư công. Hiện dự án đang vây quanh những biển quảng cáo và bỏ hoang bên trong khu cỏ mọc… Trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi từng thừa nhận: Ai ở thành phố đi qua đi lại nhìn thấy Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đều rất "nhức mắt".
Hay dự án chống ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, khoảng 10.000 tỷ đồng đến nay đã triển khai 8 năm vẫn chưa hoàn thành và lãng phí rất lớn. Nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam; Doanh nghiệp thực hiện dự án: Công ty TNHH Trung Nam BT 1547; Nhà thầu lập thiết kế và dự toán xây dựng: Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vina Mekong, Viện khoa học Thủy Lợi Miền Nam, Viện Thủy Công, Viện Thủy Lợi và Môi trường.
Dự án được đầu tư theo hình thức “Đối tác công tư – (PPP)”. Loại hợp đồng là Xây dựng – Chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách thành phố. Theo Hợp đồng BT, dự án sẽ xây dựng trong 36 tháng, khởi công ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành ngày 26/6/2019. Tuy nhiên, cuối tháng 4/2018, khi dự án đạt khoảng 75% khối lượng thì bất ngờ dừng thi công. Gần 10 tháng sau, ngày 12/2/2019, dự án được tái khởi động nhưng đến tháng 11/2020, khi dự án đã hoàn thành khoảng 90%, Tập đoàn Trung Nam tiếp tục có thông báo ngừng thi công do chưa ký hợp đồng phụ lục thời gian hoàn thành. Đến nay, dự án đã trễ hạn 5 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Ngày 9/8/2024, Tổ Công tác Chính phủ đã họp, kết luận tại thông báo số 370/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, xác định dự án còn tồn tại các khó khăn vướng mắc như: Không có nguồn vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; chưa có cơ sở thanh toán Hợp đồng BT…
Hay dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) có chiều dài gần 20km, khởi công năm 2008, vốn ban đầu phê duyệt năm 2007 là 17.400 tỷ đồng nhưng sau đó phát sinh lên hơn 47.300 tỷ đồng và đến nay chưa đưa vào vận hành.